Bước chuyển trong mùa lễ hội 2019

06:03, 01/03/2019

Sau những ngày Tết Nguyên đán là thời điểm người dân cả nước hân hoan đi trẩy hội khắp mọi miền. Ðây cũng là lúc công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần được tăng cường, siết chặt hơn bao giờ hết. Ngay trong ngày đầu làm việc của năm Kỷ Hợi, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra hoạt động phản cảm; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội. Ðây cũng là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NÐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó tăng cường sự phân cấp trách nhiệm tới UBND các cấp; đồng thời nêu rõ những quy định về tạm ngừng tổ chức, nếu lễ hội bị tổ chức sai lệch nội dung, giá trị, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Thay vì việc chỉ đưa các văn bản chỉ đạo một cách hành chính như mùa lễ hội trước, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với từng địa phương - nơi có các lễ hội “nóng” để cùng người dân tìm tiếng nói chung.

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).

Sự vào cuộc quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức và quản lý đã mở ra hy vọng về một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh hơn; những tồn tại, hạn chế của các mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục. Hoạt động lễ hội 2019 bước đầu diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống do doanh nghiệp đứng ra tổ chức... không được cấp phép. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc; hướng tới việc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Những hành động phản cảm, tiêu cực, như: cướp lộc bạo lực, đốt vàng mã quá nhiều… dần bị loại bỏ.

Nhờ có phương án tổ chức từ sớm cho nên tại một số lễ hội lớn đầu năm đã hạn chế được tình trạng lộn xộn. Ví dụ trong ngày khai hội Chùa Hương (Hà Nội), dù hàng chục nghìn người đổ về đây chật kín nhưng vấn đề an ninh, trật tự nhìn chung vẫn được bảo đảm. Tại nhiều địa phương có các lễ hội xuân thu hút du khách như lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Ðền Trần (Nam Ðịnh), lễ hội Chùa Bái Ðính (Ninh Bình), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Ðền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)…, công tác tổ chức lễ hội cũng có nhiều chuyển biến. Ở lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), “điểm nóng” trước đây từng bị lên án bởi tính bạo lực, phản cảm, hai “ông ỉn” sau khi được rước đi quanh làng đã được đưa vào phòng kín để thực hiện nghi lễ, bảo đảm tính nhân văn, ý nghĩa của lễ hội… Ðây có thể xem là những điểm sáng đầu tiên ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội 2019; là kết quả từ sự chủ động chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng các phương án.

Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu vui, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những biến tướng, hình ảnh không mấy đẹp diễn ra trong các lễ hội. Ðó là cảnh tượng cả thanh niên lẫn ông già, bà cả, trẻ con, không ngần ngại leo qua tường, vượt qua rào một cách khổ sở để đỡ phải xếp hàng chen lấn trong lễ hội Chùa Hương; cảnh đốt vàng mã, rải tiền lẻ khá phổ biến tại các điểm thờ tự, nạn “chặt chém” du khách, ăn xin, ăn mày vẫn còn khá phổ biến... Ðể đảm bảo văn minh, an toàn cho  mùa lễ hội năm 2019 và những năm tiếp theo, các địa phương vẫn rất cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó có ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội. Ðặc biệt, các địa phương cần hết sức quan tâm chú ý rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất nơi diễn ra lễ hội để tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khâu tổ chức, quản lý lễ hội...

Cả nước mới đi qua những ngày đầu của mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi. Một số lễ hội vừa diễn ra đã thu về những kết quả khả quan trong khâu tổ chức, song đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số 8.000 lễ hội dân gian diễn ra trên toàn quốc mỗi năm. Do đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần tiếp tục được tăng cường, thắt chặt để lễ hội trở về đúng vị trí, ý nghĩa là nơi thực hành tín ngưỡng, du xuân, trẩy hội của người dân./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com