Việt Nam đang ở tốp đầu các nước có tỷ lệ người dân uống rượu, bia cao trên thế giới. Riêng các dịp lễ, Tết, tỷ lệ này tăng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm có các biện pháp quản lý phù hợp, thì rượu, bia sẽ ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe, làm gia tăng tai nạn giao thông…
Các thống kê của ngành Y tế được công bố mới đây cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh ung thư như: miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan... và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng. Ngộ độc rượu mà trong đó “say rượu” là một dạng, không chỉ gây hại cho bản thân người uống còn gây hại cho người chung quanh, như gây tai nạn giao thông, bạo lực hoặc tấn công người khác… Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông; gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP mỗi năm; tỷ lệ người điều khiển phương tiện giao thông trong vòng hai giờ sau khi uống rượu, bia là 45%... Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, có 9 trong số 368 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, khiến 11 người chết, 4 người bị thương. Năm 2018, qua phân tích 12.319 vụ tai nạn giao thông trong đó có 414 vụ do vi phạm nồng độ cồn, chiếm 3,36%.
Tại các bệnh viện, những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày, số ca nhập viện do ngộ độc rượu tăng hai, ba lần so với ngày thường. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc methanol, thường có trong rượu cồn công nghiệp. Khi vào cơ thể, cồn này được chuyển hóa thành a-xít gây tổn thương các tế bào, đặc biệt là ở mắt, gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác, có thể gây mù vĩnh viễn. Khi có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thì đã là nặng. Do đó, các trường hợp ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nếu không tử vong cũng sẽ chịu di chứng rất nặng nề như: mù, mất trí nhớ… Tết Âm lịch vừa qua, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc và Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do rượu và các bệnh do rượu gây ra. Các trường hợp ngộ độc rượu khi đến viện với tình trạng khác nhau, từ kích thích, vật vã, nôn nhiều, đến hôn mê… trong đó có trường hợp bệnh nhân 47 tuổi, ở Hà Nội chết do ngộ độc rượu quá nặng. Được biết, trước khi nhập viện người bệnh này uống rượu liên tiếp trong 4 ngày, ở nhiều nơi và uống nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc.
Việt Nam đang thuộc danh sách các nước sử dụng rượu, bia nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ, người trẻ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng tăng; tỷ lệ uống rượu bia mức nguy hại tăng nhanh. Sản lượng tiêu dùng ở Việt Nam đã đạt 3.400 triệu lít bia và khoảng 200 triệu lít rượu (năm 2015). Chi phí trực tiếp cho số lượng rượu, bia đó lên tới khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Rượu bia đang trở thành “món” không thể thiếu trong các cuộc vui, nhất là trong dịp lễ, Tết. Với nhiều người, uống càng nhiều càng chứng tỏ độ nhiệt tình, hết mình với người đối diện và hậu quả nhiều vụ ẩu đả, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra!
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, các bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế uống rượu, từ bỏ ngay lập tức thói quen sử dụng rượu quá nhiều, không uống những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, khi đang mang thai và điều trị thuốc có phản ứng với cồn. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm có Luật Phòng chống tác hại rượu, bia với đầy đủ các quy định chặt chẽ về chính sách thuế, giá; kiểm soát quảng cáo; kiểm soát tiếp cận với rượu, bia (điểm bán, giờ bán)..., kiểm soát sử dụng rượu, bia ở trẻ em như quy định độ tuổi hoặc địa điểm cấm bán, uống... Đặc biệt là cần thực hiện nghiêm quy định ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia, nhất là dịp đầu năm, vào mùa lễ hội, nhu cầu tham gia giao thông là rất lớn./.
Phương Mai