Tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc rượu

08:05, 04/05/2018

Thời gian qua việc lạm dụng rượu, chất lượng, an toàn rượu và những hệ lụy từ rượu đã gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có hai loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol. Các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính; còn người dùng có tiền sử nghiện rượu, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nên khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa tính mạng. Mặt khác, người tiêu dùng sử dụng rượu không an toàn và không rõ nguồn gốc, rượu giá rẻ, rượu ngâm bừa bãi các loại cây, con… còn phổ biến; hiệu lực, hiệu quả quản lý về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là nấu rượu thủ công còn nhiều hạn chế… Hiện toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tuy nhiên mới chỉ có hơn 20 cơ sở được hướng dẫn thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, trong khi lượng rượu tiêu thụ mỗi ngày rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, ở khắp địa bàn, từ nông thôn đến thành phố, từ các quán vỉa hè tới những cửa hàng, khách sạn và phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm được lưu hành tự do trên thị trường.

Khách hàng chọn mua rượu tại một cửa hàng trên phố Quang Trung (TP Nam Định).
Khách hàng chọn mua rượu tại một cửa hàng trên phố Quang Trung (TP Nam Định).

Trước thực trạng trên, để kiểm soát rượu, phòng chống ngộ độc rượu, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 37/2017/UBND-VP7 chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. UBND tỉnh giao Sở Y tế tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ngộ độc do lạm dụng rượu và các chế phẩm ngâm rượu. Tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, làng nghề nấu rượu thủ công. Trong năm 2017, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương) thanh tra, kiểm tra 35 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu. Qua kiểm tra, đã xử phạt 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu với số tiền trên 26 triệu đồng; lập biên bản thu giữ, niêm phong 371 chai rượu không có nhãn mác tại một cơ sở sản xuất rượu ở huyện Trực Ninh, thu giữ niêm phong 590 lít rượu không rõ nguồn gốc, không tem nhãn, rượu chứa trong can nhựa đựng hoá chất tại một số nhà hàng ăn uống ở Thành phố Nam Định và huyện Trực Ninh. Sở KH và CN đã thực hiện khảo sát hàng hoá lưu thông trên thị trường 68 mẫu rượu ngoại, rượu truyền thống, qua đó phát hiện 7 mẫu rượu truyền thống có các chỉ tiêu hoá học (methanol, furfural và Aldehyd) vượt quá giới hạn cho phép.

Để tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc rượu, các ngành chức năng đang tập trung vào các giải pháp như: Kiểm kê, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; tập huấn các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định trong sản xuất đảm bảo chất lượng, lấy mẫu kiểm nghiệm và tự công bố chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó tập trung vào rượu thủ công; kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa. Củng cố nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật, kiểm nghiệm ATTP của rượu; thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, đánh giá kịp thời để cảnh báo cho cộng đồng. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định; yêu cầu công khai địa chỉ nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận, cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc rượu do methanol, tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn mác, không công bố sản phẩm; không lạm dụng uống nhiều rượu trong dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ, tết…

Để giải quyết tình trạng ngộ độc rượu, các cơ quan chức năng cần “vào cuộc” quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu; có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Hướng dẫn người dân về quy trình công nghệ tốt nhất và phù hợp để sản xuất rượu và chủ động thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để giảm thiểu methanol xuống dưới mức quy định. Các ngành, đoàn thể vận động người dân hạn chế uống rượu, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và uống rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ; tự kiềm chế lượng rượu uống trong thời gian nhất định và giảm dần mức độ uống rượu./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com