Cùng với bước phát triển kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên, tình trạng dinh dưỡng của người dân trong tỉnh đã được cải thiện. Trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể. Nam Định được Viện Dinh dưỡng đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả công tác dinh dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành phố; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý của người dân còn chưa đầy đủ, nhiều bà mẹ thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, nuôi con không đúng cách và thực hành cho ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng. Công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng chưa đạt hiệu quả cao...
Chuẩn bị bữa ăn bán trú cho các cháu Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định). |
Thực hiện “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới”, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về công tác dinh dưỡng cho người dân. Trong đó, các hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, duy trì hành vi tích cực, tiến bộ trong công tác dinh dưỡng trong nhân dân, đặc biệt là việc chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên mục, đưa nhiều tin, bài về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em như: Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng; tập huấn cho cán bộ Hội Phụ nữ về công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng... Nội dung truyền thông, hội thảo, tập huấn đi sâu vào nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển về tầm vóc, thể chất và trí tuệ con người; nâng cao kiến thức cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm đối tượng, nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn lương thực hộ gia đình thông qua mô hình VCA; hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành kỹ thuật chế biến và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì; vận động người dân mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa hoặc đã bổ sung vi chất dinh dưỡng; phòng, chống thiếu Vitamin A, thiếu máu dinh dưỡng và thiếu hụt i-ốt... Cùng với truyền thông, ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, tư vấn tại Phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm CSSKSS tỉnh; tổ chức khám, tư vấn cho các bà mẹ có thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại Khoa Chăm sóc sức khoẻ trẻ em của Trung tâm CSSKSS tỉnh; tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng tại các xã, phường theo kế hoạch; cấp vật tư, trang thiết bị (cân, thước đo…) cho tuyến cơ sở để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng. Tại tuyến huyện, các đơn vị tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý, phát tin, bài về nội dung chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trên đài phát thanh huyện, treo băng rôn, pa-nô, áp phích về dinh dưỡng hợp lý… Trung tâm y tế các huyện, thành phố tập huấn chuyên môn cho chuyên trách, CTV dinh dưỡng tuyến xã, phường. Nội dung tập huấn bao gồm kỹ năng về tư vấn dinh dưỡng, đặc biệt là việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, trẻ em, trẻ bị bệnh, thực hành nấu ăn, kỹ năng cân, đo, chấm biểu đồ, làm báo cáo... Tại tuyến xã, hoạt động truyền thông về dinh dưỡng được thực hiện hiệu quả đến đối tượng qua các chuyên trách dinh dưỡng và CTV dinh dưỡng với các hình thức như thực hành nấu ăn trình diễn cho các bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng; CTV dinh dưỡng đến các hộ gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai để hướng dẫn cách nuôi trẻ, cho trẻ bú, cách tô màu bát bột và tư vấn về ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương. Các trạm y tế tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng, thực hành các buổi trình diễn nấu ăn, lồng ghép trong sinh hoạt của các CLB phụ nữ… Với những nỗ lực đó, nhận thức của người dân trong tỉnh về công tác dinh dưỡng nâng lên. Năm 2017, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (tính cân nặng/tuổi) giảm còn 11,65%. Chương trình Vitamin A được triển khai tại 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 99,9% trẻ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A; tỷ lệ bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống Vitamin A đạt 99,69%.
Thời gian tới, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 46/2017/CT-TTg. Trong đó, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở địa phương. Sở Y tế phối hợp với Sở GD và ĐT tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích “phát triển trẻ thơ toàn diện”. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh. Tăng cường phối hợp theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường học./.
Bài và ảnh: Minh Thuận