Chính sách tiền lương là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống người lao động và tác động nhiều mặt đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết ở cả khu vực Nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, cải cách theo hướng nào để phù hợp và đem lại hiệu quả đòi hỏi sự cân nhắc về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện.
Thực tiễn triển khai chính sách tiền lương trong hơn 50 năm qua cho thấy, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về mỗi lần thực hiện cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, phù hợp đặc điểm và điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Việc cải cách tiền lương thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như từng bước thể chế hóa quan hệ phân phối theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, tiếp cận xu hướng chung của thế giới; tách tiền lương khu vực doanh nghiệp với khu vực hành chính, sự nghiệp; thiết lập quan hệ tiền lương khung “tối thiểu - trung bình - tối đa” và hệ thống thang, bảng lương theo chức danh, ngạch, bậc của hệ thống hành chính. Mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính, sự nghiệp đã tiếp cận dần mức sống tối thiểu, thường xuyên được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần từng bước cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần; trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần (từ ngày 1-7-2018 mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90 nghìn đồng/tháng). Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 1-1-2018 ở mức từ 2 triệu 760 nghìn đến 3 triệu 980 nghìn đồng/tháng tùy theo địa bàn.
Tiền lương thật sự là đòn bẩy hiệu quả khuyến khích nâng cao năng suất lao động. |
Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc; chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc. Chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao; nhiều khoản thu nhập ngoài lương, phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng miền. Việc quản lý tiền lương, thu nhập chưa thật sự công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả. Đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách Nhà nước. Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động vẫn hạn chế…
Nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi, vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực để cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, cải cách tiền lương là một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn mà phải bảo đảm tính lịch sử, kế thừa, phát huy những chính sách tốt; đồng thời, rà soát, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp. Với tinh thần đó, việc đề xuất các định hướng, giải pháp cải cách chính sách tiền lương giai đoạn tới phải đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có việc nâng cao thu nhập, đời sống cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương; khắc phục cơ bản những bất hợp lý của chế độ tiền lương hiện hành để tiền lương thật sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình; để tiền lương thật sự là đòn bẩy hiệu quả khuyến khích nâng cao năng suất lao động, góp phần tăng cường phòng, chống tham nhũng, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Theo nhandan.com.vn