Hải Hậu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

07:12, 21/12/2017

 

Huyện Hải Hậu có trên 29 vạn dân, trong đó có hơn 16 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 55% dân số. Là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Hải Phú.
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Hải Phú.

 

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đào tạo nghề của UBND tỉnh, hằng năm UBND huyện đều chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với Đài Phát thanh huyện và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các đoàn thể: Hội Phụ nữ, HND, Đoàn Thanh niên tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời tiến hành rà soát nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động. Căn cứ Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 18-7-2017 của UBND tỉnh về đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện Hải Hậu chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNT lựa chọn ký hợp đồng với các đơn vị đào tạo nghề có đủ năng lực như: Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, Trường Trung cấp nghề - Thương mại - Du lịch và dịch vụ, Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ HND tỉnh, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh... Các đơn vị đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, tư vấn người lao động đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và giới thiệu những nghề thị trường lao động đang cần nhiều; tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề theo đúng quy định, trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người khuyết tật và lao động ở các hộ thu hồi đất canh tác. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Hải Hậu đã mở 15 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho 500 lao động với 5 lớp nghề nông nghiệp (170 học viên), gồm 3 lớp trồng cây cảnh ở các xã Hải Long, Hải Anh và Hải Ninh, 2 lớp chăn nuôi lợn tại xã Hải Long và Thị trấn Cồn; 10 lớp nghề phi nông nghiệp (330 học viên), gồm 8 lớp may công nghiệp tại các xã: Hải Cường, Hải Phú, Hải Quang, Hải Phương, Hải Hòa, Hải Bắc, Hải Minh, Hải Tây và 2 lớp chế biến món ăn tại xã Hải Bắc. Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đào tạo chất lượng, hiệu quả. Ngoài ra, các đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, HND, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng, Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức 5 lớp nghề nông nghiệp và 7 lớp nghề phi nông nghiệp cho gần 350 lao động nông thôn. Sau khóa học, các học viên đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Các học viên học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức được học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Học viên học nghề phi nông nghiệp đều được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đối với doanh nghiệp, huyện khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương. Qua các lớp dạy nghề, nhiều người đã mạnh dạn áp dụng kiến thức KH-KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho bản thân và nhiều lao động khác. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả là 75% và có 70% số người sau khi học đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, có năng suất, thu nhập cao. Tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm phù hợp chiếm 82%. Do đó hiệu suất lao động nâng lên, mức thu nhập, đời sống của người dân trong huyện được cải thiện. Đặc biệt, số lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Đi đôi với việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh qua các cơ chế chính sách phát triển CN-TTCN, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những năm qua, số dư vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm của huyện luôn duy trì ở mức 8,3 tỷ đồng, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho khoảng 400 lao động. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có 146 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn giải quyết việc làm, với tổng dư nợ gần 8,9 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới cho trên 300 lao động; 17.197 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo với tổng dư nợ gần 400 tỷ đồng, giúp các hộ có vốn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, thời gian tới, huyện Hải Hậu đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Thực hiện đúng chính sách ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào chương trình công tác của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; vận động các cơ sở dạy nghề tư thục, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho lao đông nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động theo quy hoạch sản xuất của các địa phương. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com