"Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương"

07:12, 01/12/2017

 

Đó là một trong các khẩu hiệu trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2017 do Bộ LĐ-TB và XH phát động trên toàn quốc từ ngày 15-11 đến 15-12. Nhưng ngay trong tuần thứ 2 của Tháng hành động, dư luận xã hội cả nước vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ, đau đớn, xót xa, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, bất an khi liên tiếp nghe, đọc và xem thông tin trong 7 ngày xảy ra 5 vụ bạo hành, ngược đãi, thậm chí giết trẻ em. Một phụ nữ đã từng làm mẹ, làm bà trong gia đình nhưng lại hành hạ cháu bé chưa đầy 2 tháng tuổi con gia đình mình đang giúp việc chỉ vì cháu cứ quấy khóc không chịu nín? Các bảo mẫu ở một trường mầm non tư thục đánh các “búp trên cành” non nớt của mình một cách không nương tay “để dạy dỗ, rèn vào khuôn khổ”? Thậm chí, một người bà nội, không phải sống ở vùng sâu, vùng xa nơi thiếu thông tin, thiếu kiến thức nhưng lại hành động một cách cực kỳ u mê tự tay giết cháu mình vì mê tín! Không gì có thể gây phẫn nộ, xót xa hơn nữa!… Những trẻ em “như búp trên cành” chỉ cần “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” như Bác Hồ từng dạy đã bị chính những người lớn có đầy đủ năng lực hành vi pháp luật quy định, có đủ năng lực nhận thức, hành động, thậm chí được trao những quyền và trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ lạm dụng những quyền ấy để làm hại chúng.

 

Năm 2008 vụ bạo hành trẻ em ở một cơ sở mầm non do Đài Truyền hình tỉnh Đồng Nai phát hiện đưa lên sóng đã làm rúng động dư luận xã hội. Các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc. Các cuộc hội thảo, diễn đàn được tổ chức để đánh giá, phân tích nguyên nhân, bàn giải pháp khắc phục, ngăn chặn, phòng ngừa để có thể thực hiện một khẩu hiệu đã có từ rất lâu: dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Những nguyên nhân sâu xa như sự suy thoái đạo đức xã hội, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của internet, sự yếu kém trong giáo dục con người… được nêu ra để lý giải cho tình trạng gia tăng bạo hành, ngược đãi trẻ em, nhiều trường hợp đến mức không có tình người. Riêng cộng đồng xã hội đã khai thác triệt để mạng xã hội để tham gia vào sự nghiệp bảo vệ trẻ em, đưa ra ánh sáng những vụ việc bạo hành trẻ em nhằm răn đe, cảnh báo và tìm kiếm các cơ hội, cứu cánh bảo vệ các em. Vụ việc ở một cơ sở mầm non tư thục tại tỉnh Đồng Nai không phải vụ việc đầu tiên, nhưng điều đáng buồn hơn là sau khi bị phát giác, xử lý, cảnh báo tuyên truyền rộng rãi thì ở các địa phương vẫn xảy ra nhiều hơn các vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục và xảy ra ngay ở những đô thị văn minh, phát triển!? Hằng năm, có cả 1 tháng hành động vì trẻ em để tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật, giáo dục, vận động nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có cả một chương trình dài hơi “xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2004 với rất nhiều tiêu chí để đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc, phát triển trong một môi trường lành mạnh, an toàn. Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016 thì có tới 15 cơ quan, ban, ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo các chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Nhưng rõ ràng vẫn thiếu những chương trình giải pháp có tính căn cơ. Chẳng hạn việc đảm bảo đủ cơ sở giáo dục mầm non cho con em công nhân ở các địa phương nơi tập trung các KCN, KCX. Đây đều là đối tượng lao động trong độ tuổi sinh đẻ, xa quê lập nghiệp nên khi có con nhỏ đều phụ thuộc vào các cơ sở trông giữ trẻ mà không thể nhờ người thân như khi làm việc tại quê nhà. Mỗi KCN, KCX có hàng vạn lao động trẻ nhưng việc giải quyết các vấn đề xã hội đi kèm như cơ sở giáo dục mầm non, trường học các cấp cho con em công nhân… lại không được quan tâm đúng mức. Làm sao mà một công nhân có thể yên tâm làm việc cống hiến cho doanh nghiệp khi canh cánh trong lòng nỗi lo cho sự an toàn của con mình đang gửi ở những nơi như cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) hay các nhóm giữ trẻ tư không bị kiểm soát. Chủ trương khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục tư thục là kịp thời đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội nhưng các công cụ quản lý, kiểm soát hệ thống này lại không được chú trọng đúng mức dẫn đến những hậu quả nặng nề. Rất nhiều vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em mầm non bị phát hiện thời gian qua đều xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục. Và từ việc bạo hành trẻ, khi các cơ quan đến kiểm tra thường tiếp tục phát hiện ra nhiều sai phạm khác, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là các sai phạm về sử dụng người trực tiếp ảnh hưởng đến các cháu như giáo viên không đủ tiêu chuẩn, không có nghiệp vụ… Trong khi các cơ sở mầm non này ở ngay khu dân cư, nơi có đủ bộ máy từ cán bộ tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận, cán bộ các đoàn thể chính trị, quần chúng và vẫn được phường, Phòng GD và ĐT thường xuyên kiểm tra giám sát?!

Một số vụ việc bạo hành, ngược đãi trẻ em sau khi bị phát hiện không được xử lý đến nơi đến chốn, có dấu hiệu bao che, dung túng cho sai phạm cũng là một nguyên nhân giảm hiệu quả cảnh báo, răn đe. Có vụ việc bảo mẫu hành hạ, ngược đãi trẻ trong thời gian dài mới bị phát hiện nhưng chỉ bị xử phát hành chính mà không khởi tố hình sự vì “qua theo dõi các cháu bị bạo hành không nhận thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý” như cơ quan chức năng giải thích, trong khi các chuyên gia sức khỏe, tâm lý thì khẳng định việc bị bạo hành, đánh vào một số bộ phận trên cơ thể trẻ em trong thời gian dài chắc chắn sẽ gây hậu quả tâm lý và tổn thương sức khỏe nhất định trong tương lai. Song vì những hậu quả này khó định lượng nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự?! Như vậy, đây chính là lỗ hổng của pháp luật cần được nghiên cứu bổ sung kịp thời để đảm bảo đủ công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Tỷ lệ tội phạm vị thành niên, thậm chí người phạm tội trong độ tuổi trẻ em, nạn bạo lực học đường nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Kết quả điều tra nhiều vụ việc hình sự cho thấy đối tượng phạm tội từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị bỏ bê thiếu sự chăm sóc giáo dưỡng của gia đình, nhà trường. Ai dám khẳng định những học sinh tham gia vào những vụ đánh bạn học kinh hoàng không từng là nạn nhân của bạo hành từ trong trường mầm non, hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh giáo viên, bảo mẫu đánh học trò không thương tiếc, không nương tay?

Sự chủ quan, vô tâm của các bậc phụ huynh cũng là một vấn đề cần cảnh báo. Trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, với điều kiện thông tin, công nghệ như hiện nay, các gia đình, các bậc làm cha mẹ không thiếu những phương tiện, cơ hội để trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện, phát hiện và ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ bạo hành đối với con em mình. Dân gian có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” để nói về một thực tế trẻ em không giỏi nói dối. Trẻ có thể nói dối lúc này vì bị đe dọa, sợ hãi nhưng với sự kiên trì theo dõi và có phương pháp khơi gợi vẫn có thể phát hiện được việc trẻ nói dối. Và việc đề cao cảnh giác, biết nghi ngờ một cách sáng suốt để kịp thời phát hiện những bất thường ở con trẻ là hết sức cần thiết đối với các bậc phụ huynh để có thể bảo vệ con em. Đó không chỉ là tình yêu thương bản năng mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm cha mẹ!

Tại tỉnh ta đến nay không phát hiện nhiều vụ việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường nghiêm trọng, nhưng không phải không có! Những vụ việc trên là lời cảnh tỉnh thiết thực nhất đối với các gia đình, cộng đồng xã hội. Các chương trình, hoạt động hưởng ứng Tháng hành động “vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2017 cần được triển khai đi vào chiều sâu trên toàn địa bàn để mỗi người, mỗi gia đình - tế bào của xã hội và từng cộng đồng dân cư xóm, thôn, tổ dân phố, phường, xã nâng cao nhận thức sâu sắc về nỗi đau của lương tri xã hội, những hệ lụy lâu dài đối với sự nghiệp trăm năm của đất nước trước nạn bạo hành trẻ em để tự chuyển biến trong hành động một cách có trách nhiệm. Để khẩu hiệu “chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” không chỉ là khẩu hiệu để “đến hẹn lại treo”./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com