Trăn trở tìm việc làm cho phụ nữ sau tuổi 35

06:11, 24/11/2017

Chị Nguyễn Thị Hường ở đường Minh Khai (TP Nam Định) đang làm công nhân may cho một Cty ở KCN Hòa Xá. Chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nhà có 3 con đang tuổi ăn học nên ngay cả khi bị ốm, chị vẫn gắng sức đi làm. Chị bảo, bây giờ đang có sức khỏe thì phải chịu khó tích lũy, vài ba năm nữa, sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi các doanh nghiệp có xu hướng chỉ tuyển lao động trong độ tuổi từ 18-35 thì mình rất khó có cơ hội kiếm việc làm. Còn chị Đoàn Thị Phương ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang làm cho một Cty sản xuất đồ da tại xã Nam Hồng (Nam Trực). Các sản phẩm của Cty xuất đi thị trường nước ngoài, yêu cầu cao về chất lượng, kỹ thuật nên ưu tiên tuyển dụng công nhân trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt. Chị cho biết sau tuổi 35, phụ nữ sau khi sinh mắt kém, sức khỏe cũng giảm sút, không thể ngồi lâu một chỗ nên dù Cty không thải loại thì bản thân cũng thấy khó đáp ứng công việc. Nhưng nếu những công nhân như chúng tôi nghỉ việc sau 35 tuổi ở vào giai đoạn tuổi trẻ đã qua, tuổi già chưa tới, hầu hết trình độ tốt nghiệp THPT trở xuống, không dễ tìm kiếm ở việc làm ở Cty khác. Chúng tôi về quê làm nội trợ, dịch vụ hoặc nông nghiệp, lĩnh BHXH 1 lần, đồng nghĩa với an sinh xã hội khi về già sẽ không được đảm bảo. Đó cũng là băn khoăn, lo lắng chung của nhiều lao động nữ hiện nay.

Một cơ sở dạy nghề đan cói cho phụ nữ ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Một cơ sở dạy nghề đan cói cho phụ nữ ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Theo số liệu thống kê của Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) năm 2016, cả nước có 1,2 triệu lao động trên 35 tuổi thất nghiệp thì có đến 80% là nữ. Tại buổi thông tin báo chí định kỳ 6 tháng năm 2017, đại diện BHXH Việt Nam cũng nhìn nhận có tình trạng doanh nghiệp thỏa thuận để người lao động, đặc biệt là lao động nữ quá 35 tuổi phải nghỉ việc. Tại tỉnh ta, dù chưa có thống kê cụ thể về số lao động nữ thất nghiệp sau tuổi 35 nhưng trên thực tế, ở các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, không khó để thấy trên những băng rôn quảng cáo tuyển dụng thường chỉ tuyển công nhân độ tuổi từ 18-35. Chỉ nói riêng ở huyện Nghĩa Hưng, 2 CCN (Nghĩa Sơn, Nghĩa Thái) thu hút trên 3.300 lao động, số lao động nữ chiếm hơn 80%, nhưng chủ yếu độ tuổi là 18-40, còn độ tuổi từ 40 trở lên hầu như không được nhận vào làm việc ở các Cty, doanh nghiệp. Theo lý giải của các chủ doanh nghiệp thì lao động trong độ tuổi 18-35 là độ tuổi sung sức, khả năng nhạy bén trong công việc, nhất là các ngành may công nghiệp, giầy da, điện tử... Hết thời gian này, khi sức khỏe giảm sút, mắt kém, chân tay chậm nên năng suất lao động thấp. Điều này cho thấy, nguyên nhân phụ nữ thất nghiệp sau tuổi 35 có xu hướng tăng trước hết là do các dây chuyền sản xuất có cường độ cao, lao động sau 35 tuổi tình trạng sức khỏe, độ nhanh nhạy không thích ứng kịp với công việc và khó đáp ứng tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp vì lợi nhuận nên có xu hướng tìm cách thải loại lao động đã lớn tuổi, ít khả năng linh hoạt ra khỏi dây chuyền; đưa lao động trẻ tuổi vào làm việc. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là các Cty, doanh nghiệp thải loại lao động ngoài tuổi 35 do chi phí đóng BHXH của lao động lâu năm cao hơn so với lao động trẻ mới vào nghề. Ngoài ra, chất lượng lao động nữ còn chưa ổn định, thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có chuyên môn thấp. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của lao động nữ đi ngược lại mục tiêu xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định đã được cụ thể hóa trong Luật Lao động.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, ở tỉnh ta, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp quan tâm hỗ trợ cho lao động nữ. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động. Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách mới về tiền lương cơ bản, BHXH, BH thất nghiệp... và các chế độ khác, LĐLĐ tỉnh đều tổ chức tập huấn triển khai và tuyên truyền kịp thời đến các cấp công đoàn trong tỉnh, chỉ đạo các cấp công đoàn có trách nhiệm phối hợp với chủ sử dụng lao động triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động. LĐLĐ tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp công tác với TAND tỉnh giai đoạn 2016-2020 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; phối hợp trao đổi thông tin; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tham gia tố tụng cho cán bộ công đoàn các cấp. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ được quan tâm thường xuyên với mục tiêu giúp CNLĐ và tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, qua đó giúp người lao động hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Riêng năm 2017, triển khai kế hoạch tư vấn pháp luật lưu động về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 3 buổi tư vấn lưu động cho trên 300 CNLĐ tại các doanh nghiệp thuộc LĐLĐ huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản. Xét duyệt công nhận mô hình điểm về “Công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp” tại Cty TNHH LongYu thuộc LĐLĐ huyện Nam Trực và Cty CP Xây lắp vật liệu Nghĩa Hưng thuộc LĐLĐ huyện Nghĩa Hưng. Tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về pháp luật lao động cho 240 CNLĐ thuộc Công đoàn các KCN và LĐLĐ huyện Nghĩa Hưng... Đối với các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, với vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ nghèo được vay vốn, giải quyết việc làm; chú trọng dạy nghề mới, xây dựng các mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất; cung cấp kiến thức chuyển giao KHKT, khởi sự kinh doanh để hội viên, phụ nữ có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập.

Thời gian tới, để giải quyết tình trạng phụ nữ sau 35 tuổi bị mất việc, góp phần tạo việc làm bền vững cho lao động nữ lớn tuổi, các cấp, các ngành chức năng cần thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Tiếp tục xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp chính sách tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình, nhất là chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo bồi dưỡng dạy nghề, chính sách khuyến khích hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp, chính sách khởi nghiệp, chính sách thai sản cho phụ nữ không có BHXH bắt buộc… Bên cạnh đó các cấp Công đoàn cần tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì quyền lợi người lao động. Không chỉ tuyển dụng, trả lương, đãi ngộ theo đúng quy định mà doanh nghiệp còn cần có trách nhiệm trong việc bồi dưỡng tay nghề để người lao động có thể thích nghi với những thay đổi của doanh nghiệp. Công đoàn cũng cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, thải loại người lao động cao tuổi. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với lao động nữ, bản thân người lao động cũng cần tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trang bị cho mình những kỹ năng, tay nghề cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và sự chuyển biến của nền kinh tế./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



Tổng hợp tin đăng viec làm mới nhấtTìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com