Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực luôn quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN), giúp phụ nữ ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tích cực tham gia các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Ban VSTBCPN từ huyện đến các xã, thị trấn được thành lập, hằng năm đều xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động thực hiện đồng bộ các mục tiêu hành động VSTBCPN như: Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ; đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động - việc làm, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ… Các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, VSTBCPN; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, các kiến thức liên quan đến phụ nữ, trẻ em, kiến thức về giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm, trong lĩnh vực chính trị thông qua nhiều hình thức khác nhau như trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động của các chương trình, dự án, các cuộc họp, hội thảo, tập huấn của các ngành, đoàn thể, CLB, thôn, xóm, khu dân cư, trong các hoạt động giáo dục ở cộng đồng, trong xây dựng đời sống văn hóa... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, VSTBCPN. Để nâng cao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới, cấp ủy, chính quyền và Ban VSTBCPN huyện đã chủ động lồng ghép các chỉ tiêu của kế hoạch hành động VSTBCPN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực, sở trường của mình. Hằng năm, huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh mở các lớp tập huấn về bình đẳng giới, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới cho lãnh đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới của huyện và các xã, thị trấn. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ triển khai hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với cộng đồng dân cư, cấp ủy, chính quyền cùng với Ban VSTBCPN thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trong các buổi họp khu dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: qua loa phát thanh, phát tài liệu, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi với nội dung bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức nói chuyện chuyên đề về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS cho phụ nữ. Hội Phụ nữ huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện đồng bộ 5 mục tiêu hành động VSTBCPN gồm: Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ; đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động, việc làm, tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ… Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát lao động nữ, triển khai công tác dạy nghề và tạo việc làm mới cho lao động nữ. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và truyền nghề cho phụ nữ; đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn trong các chương trình tín dụng nhằm phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Ngoài ra, các trường THPT, THCS thường xuyên tuyên truyền về bình đẳng giới qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép vào các giờ học giúp các em sớm nhận thức đúng và trách nhiệm về giới và bình đẳng giới. Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các hoạt động về bình đẳng giới, VSTBCPN ngày càng được đẩy mạnh với những hoạt động thiết thực, nhiều chị em đã nỗ lực vượt qua khó khăn, khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội. Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề của huyện đạt 50%; lao động nữ nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 85%; 90% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn; 95% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, tập huấn các chương trình khuyến nông, khuyến công, kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp. 100% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ đã tăng lên 75 tuổi. Tình trạng bạo lực gia đình được kiềm chế, phụ nữ tự tin, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đặc biệt, trong những năm qua, huyện Nam Trực đã tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phấn đấu, học tập, nâng cao vị thế, thực hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực chính trị. Nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, Ban VSTBCPN huyện đã tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền quan tâm đến vấn đề quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể xã hội. Các cơ quan, đơn vị đã mạnh dạn giao việc, tạo điều kiện cho chị em rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn huyện có 12 cán bộ nữ là trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, 7 cán bộ nữ là hiệu trưởng các trường THCS, Trung tâm dạy nghề huyện; 13 cán bộ nữ là Phó chủ tịch HĐND xã… Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện đạt 16,8%; cấp ủy xã đạt 11,2%; HĐND huyện có 6/40 đại biểu nữ, đạt 15%; HĐND cấp xã có 74/541 đại biểu nữ, đạt 13,68%. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng lên. Ở các vị trí công tác, cán bộ nữ đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, có lối sống giản dị, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục thực hiện các chương trình, lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới với các chương trình kế hoạch của các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ và nhân dân; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy về bình đẳng giới và VSTBCPN. Ban VSTBCPN và Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy cao nhất vai trò, năng lực của bản thân. Xây dựng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác bình đẳng giới và VSTBCPN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Minh Tân