Hiến tặng giác mạc và mô tạng là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Việc hiến tặng giác mạc, mô tạng là trao những món quà vô giá giúp cho nhiều người khác hồi sinh sự sống.
Ở tỉnh ta, sau khi ông Lương Văn Hải xóm 11, xã Hải Vân (Hải Hậu) tiên phong hiến tặng giác mạc thì phong trào đăng ký và hiến giác mạc tại huyện Hải Hậu đã phát triển mạnh. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 13 người hiến tặng giác mạc; trong đó huyện Hải Hậu đã có 8 người tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời để đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người bị mù do bệnh lý giác mạc. Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc được xã hội trân trọng, coi đó là những món quà vô giá để lại cho những người còn sống. Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh những người hiến tặng giác mạc năm 2016 do Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Hải Hậu tổ chức tại huyện Hải Hậu ngày 6-10-2016, TS. bác sĩ Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương nhấn mạnh: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng không phải ai cũng may mắn có được đôi mắt sáng.
Bệnh viện Mắt Trung ương trao tặng Bằng Nghĩa cử cao đẹp cho thân nhân người hiến tặng giác mạc huyện Hải Hậu. |
Hiện nay ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ mãi mãi phải sống trong cảnh mù lòa nếu không có giác mạc để thay thế và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ lâu. Vấn đề ở đây là làm sao có được giác mạc để ghép(!). Cũng tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người xúc động: “Sinh có hẹn, tử bất kỳ! Nếu biết chắc chắn rằng ngay cả sau khi chết vẫn còn đem cơ hội sống cho những người bệnh thì đó là cái chết không lãng phí. Chính nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tặng mô, tạng mà đã có hàng nghìn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Biến mất mát, nỗi đau của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống”. Ông Ngô Đình Tấn, 86 tuổi, trú tại xóm 2, xã Hải Vân (Hải Hậu), chồng bà Lương Thị Lành, người đã hiến tặng giác mạc năm 2015 cho biết: “Khi còn sống, vợ tôi luôn tâm niệm “Thương người như thương mình”. Chứng kiến cuộc sống và sinh hoạt của những người mù lòa do bệnh lý giác mạc, bà ấy vô cùng thương cảm. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, bà đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời để những người bị mù lòa có cơ hội thấy được ánh sáng, vơi bớt đi phần nào nỗi đau thể chất và tinh thần”. Bà Nguyễn Thị Ngát, vợ ông Mai Xuân Tiến ở xóm 9, xã Hải Vân, người đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời (ngày 5-10-2015) nghẹn ngào xúc động khi nhớ về chồng mình: “Khi ông ấy ốm nặng, nằm trên giường bệnh, biết chắc chắn bệnh của mình không thể qua khỏi nên luôn có một suy nghĩ là muốn hiến tặng giác mạc để cứu giúp những người không may mắn được nhìn thấy ánh sáng. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi được hỏi, ông vẫn giữ nguyên ý nguyện của mình…”. Bà đã bàn rất kỹ vấn đề này với các con và cả gia đình đều đồng tâm nhất trí thực hiện ý nguyện của ông. Được biết, khi còn sống, ông Mai Xuân Tiến công tác cùng đội sản xuất với ông Lương Văn Hải. Sau khi ông Hải qua đời và có ý nguyện hiến giác mạc, ông thấy việc làm của ông Hải rất có ý nghĩa đối với những người bị mù lòa và đã liên tưởng tới mình, ông cũng muốn làm việc gì có ích như ông Hải sau khi qua đời… Bà Nguyễn Thị Oanh, 59 tuổi (xóm 11, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu), vợ ông Lương Văn Hải, người đầu tiên tại huyện Hải Hậu hiến giác mạc cho biết: “Gia đình tôi rất ủng hộ việc chồng tôi hiến tặng giác mạc. Từ ngày chồng tôi hiến giác mạc, đến nay đã có thêm nhiều người trong xã Hải Vân cùng đăng ký. Bản thân tôi trong thời gian tới cũng sẽ làm đơn tự nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời. Tôi mong việc hiến tặng giác mạc ngày một lan rộng để những người mù lòa có thể thấy được ánh sáng trong đời”. Anh Đinh Văn Liêm, con trai ông Đinh Văn Hoạt, ở xóm 1, xã Hải Phúc (Hải Hậu) - người đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời vào ngày 6-3-2016 xúc động khi nhớ về cha mình: Bố tôi không may bị mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) địa phương tới thăm hỏi và động viên, bố tôi đã quyết định sẽ hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời để chia sẻ khó khăn với những người không may bị mù loà. Nguyện vọng ấy của bố tôi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của mẹ tôi và các con. Bản thân tôi cũng nhận thức rõ việc hiến tặng giác mạc của bố là một việc làm có ý nghĩa cao cả, giúp những người mù lòa thấy được ánh sáng.
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có 50 người đăng ký hiến tặng giác mạc và 2 người đăng ký hiến tặng mô, tạng ở các xã: Hải Vân, Hải Minh, Hải Phúc, Hải Bắc, Hải Anh, Hải Phương, Hải Cường và Hải Châu. Hai người đã làm đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng là bác Ngô Kim Quảng, 70 tuổi và vợ là Lương Thị Son, 68 tuổi, trú xóm 12 xã Hải Vân. Hai bác đã đăng ký hiến tặng giác mạc và mô tạng sau khi qua đời từ năm 2014. Khi được hỏi lý do gì mà hai bác có suy nghĩ cao đẹp như vậy, bác Ngô Kim Quảng cho biết: “Tôi nghĩ sau khi qua đời nên hiến tặng một phần cơ thể mình để thay đổi số phận cho những người xấu số, để họ được sống khỏe mạnh và thấy được ánh sáng”. Không chỉ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời, hai bác còn hiến đất đai của mình để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương. Tại huyện Hải Hậu có 8 trường hợp hiến giác mạc thì cả 8 trường hợp đều thành công. Trong đó, xã Hải Vân có 6 người, gồm ông Lương Văn Hải xóm 11; bà Lương Thị Lành xóm 2; bà Lương Thị Quỳ xóm 11; ông Mai Xuân Tiến xóm 9; ông Đinh Văn Chiến xóm 4; ông Lương Duy Tiến xóm 11. Xã Hải Phúc có ông Đinh Văn Hoạt xóm 1; xã Hải Minh có bà Nguyễn Thị Lý xóm 9 Liên Minh. Công tác tổ chức tiếp nhận giác mạc diễn ra khi người đăng ký hiến giác mạc mất, gia đình và các cộng tác viên báo cáo Hội CTĐ địa phương và Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để tổ chức tiếp nhận giác mạc. Việc tổ chức lấy giác mạc được tiến hành công khai có sự chứng kiến của gia đình người hiến tặng, chính quyền, Hội CTĐ địa phương và nhân dân trong khu dân cư.
Chia tay những người nông dân chân chất, mộc mạc đã sẵn sàng hiến tặng giác mạc và một phần cơ thể của mình cho những người kém may mắn, chúng tôi cảm nhận sự chân tình, ấm áp bởi tấm lòng và tình người rộng lớn trong họ. Những nghĩa cử cao đẹp của họ thật đáng quý, đáng trân trọng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận