Những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Trực Hùng (Trực Ninh) đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Đội kèn đồng giáo họ Tân Châu biểu diễn nhân dịp đầu Xuân. |
Đồng chí Lâm Ngọc Hàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ công tác xã hội hóa, nhiều công trình phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở xã được xây dựng đồng bộ. Xã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng NVH. Phong trào xây dựng NVH xóm được đông đảo nhân dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng. Trong 5 năm qua, xã đã huy động hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống NVH, sân thể thao. Hiện nay, cả 25 xóm trong xã đều có NVH và khu sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trong đó, có 2 NVH được xây mới đạt chuẩn NTM, các xóm còn lại hiện đang trong giai đoạn quy hoạch diện tích đất sử dụng và triển khai xây dựng NVH theo tiêu chí NTM. Năm 2011, NVH xã được nâng cấp với 350 chỗ ngồi, SVĐ trung tâm xã được xây dựng với diện tích trên 3.300m2, có đầy đủ sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền. Ngoài ra, xã đã quy hoạch xây dựng 1 sân bóng đá ở xóm 25 và 1 sân bóng chuyền ở xóm 20. Từ nguồn kinh phí tài trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn xã, các SVĐ đều được trang bị hệ thống chiếu sáng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luyện tập, giao lưu, thi đấu thể thao cho nhân dân. Xóm 2 và xóm 18 là đơn vị tiêu biểu, đi đầu trong việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Thực hiện chủ trương của xã về xây dựng NVH, các chi bộ xóm 2 và xóm 18 đã tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân. Năm 2014, NVH xóm 2 và xóm 18 được đầu tư xây dựng kiên cố với tổng kinh phí xây dựng trên 400 triệu đồng/NVH, nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân trong xóm và con em xa quê đóng góp, xã có cơ chế hỗ trợ 90 triệu đồng/NVH. Trang thiết bị của NVH khá đầy đủ, gồm: ti vi, đầu đĩa, tăng âm, loa, máy phát điện, tủ sách và sân chơi cầu lông, bóng bàn. Từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, NVH xóm 2 và xóm 18 mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần đã đáp ứng nhu cầu hội họp của chi bộ Đảng, các đoàn thể và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với việc tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đã tạo điều kiện để xã thành lập nhiều CLB, đội văn hoá, văn nghệ, TDTT. Các CLB, tổ, đội văn thể hoạt động bằng hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí. Là địa phương có 99% đồng bào theo đạo Thiên chúa, với 3 nhà thờ xứ, 9 nhà thờ họ lẻ, tại các giáo xứ, giáo họ, các đội nhạc kèn được thành lập, hoạt động sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 6 đội nhạc kèn ở các giáo xứ Lác Môn, Lác Phường, Lác Lý và giáo họ Tân Châu, Tân Mỹ; mỗi đội kèn có từ 30-40 người. Ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ, các đội kèn còn thường xuyên biểu diễn trong các ngày lễ, Tết ở địa phương. Đội kèn giáo họ Tân Châu có 60 người tham gia, trong đó 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Tất cả trang phục, nhạc cụ biểu diễn đều được các thành viên tự nguyện đóng góp mua sắm và nhân dân ủng hộ, tổng kinh phí các nhạc cụ và trang phục của đội hiện nay lên tới trên 200 triệu đồng. Đội biểu diễn thành thạo những ca khúc cách mạng như “Cô gái vót chông”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”… Đội kèn giáo họ Tân Châu nhiều lần đại diện cho xã tham dự ngày hội VH-TT huyện Trực Ninh và từng tham dự cuộc thi nhạc kèn nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định năm 2012, giành giải nhất toàn đoàn. Ngoài 4 đội kèn nam, xã Trực Hùng còn có 2 đội kèn nữ thuộc giáo họ Tân Mỹ và giáo xứ Lác Môn. Đội kèn nữ giáo xứ Lác Môn được thành lập đầu năm 2013 tập hợp được từ hơn 30 chị em tham gia. Để có dàn nhạc kèn đồng bộ, mỗi thành viên đã tự nguyện đóng góp từ 5-10 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Hiện nay, đội đã dàn dựng một số chương trình hợp xướng kèn đồng. Ngoài biểu diễn trong các ngày lễ ở xứ đạo, đội còn tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Cùng với nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, ở các xóm và các xứ họ đạo, việc tập luyện thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân. Tuỳ theo điều kiện sức khoẻ, mỗi người đều tự chọn một môn thể thao thích hợp để luyện tập. Đến nay, phong trào tập luyện thể thao của xã phát triển mạnh với nhiều môn như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh… Một số CLB thể thao như CLB bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền đã thu hút từ 20-30 thành viên tham gia. Để khuyến khích phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao phát triển, hằng năm UBND xã giao cho Ban VH-TT, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc thi văn hoá, văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước. Kinh phí phục vụ cho các hoạt động văn nghệ, thể thao mỗi năm lên tới hàng chục triệu đồng. Xã thường xuyên tổ chức giải bóng đá thanh, thiếu niên vào dịp hè và giải bóng chuyền nhân dịp đầu xuân. Cả 2 giải đấu đều thu hút sự tham gia của các đội bóng của các xóm thi đấu và sự cổ vũ đông đảo, nhiệt tình của nhân dân địa phương. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư kinh phí xây dựng sân chơi thể thao và thành lập được các đội bóng đá, đội cầu lông... Trong đó, hoạt động sôi nổi nhất là đội cầu lông và bóng đá của Cty TNHH Vận tải đường thuỷ Công Pho thường xuyên tổ chức các giải bóng đá, cầu lông để giao lưu với các đội tuyển trong và ngoài huyện. Phong trào TDTT phát triển mạnh, xã Trực Hùng tham gia đầy đủ các giải thể thao do huyện tổ chức vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và luôn đạt thành tích cao, trong đó CLB bóng chuyền xã luôn giành thứ hạng cao.
Thời gian tới xã Trực Hùng tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng; đẩy mạnh xã hội hoá việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng