Năm 2012, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) là đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh triển khai mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”. Toàn xã có hơn 6.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Công giáo chiếm 39,7%. Trước đây, Trực Mỹ là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất tỉnh với 126 cháu trai/100 cháu gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 năm sau cao hơn năm trước. Là xã thuần nông, nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh ở Trực Mỹ chủ yếu là do các cặp vợ chồng mong muốn nhất thiết phải có con trai để nối dõi tông đường; mặt khác, do chế độ an sinh chưa bảo đảm, hiện nay hầu hết dân số sống ở nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ có tư tưởng cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc khi về già. Bởi vậy, nhiều người đã tìm các dịch vụ y tế để lựa chọn giới tính khi sinh... Trong quá trình triển khai mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Ủy ban MTTQ xã đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã thành lập ban chỉ đạo mô hình, với sự tham gia của các chức sắc tôn giáo. Mô hình được triển khai tại xóm 2, xóm 10 là hai địa bàn có đông đồng bào Công giáo. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân… đều xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo ngành để quán triệt pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị và nội dung công tác Dân số - KHHGĐ tới từng hội viên, đoàn viên. Đến nay, toàn xã có 7 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, CLB “Tiền hôn nhân”, CLB “Nam nông dân với công tác dân số”; CLB “Gia đình hạnh phúc”. Đội ngũ làm công tác dân số ở Trực Mỹ với 1 cán bộ chuyên trách và 14 cộng tác viên dân số ở 14 xóm đã thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền xã nên sau gần 5 năm triển khai mô hình, chất lượng dân số ở Trực Mỹ từng bước được nâng lên; ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp hơn với lứa tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế và số lần sinh ít hơn. Số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong toàn xã là 2,1 con (đạt được mức sinh thay thế); tỷ lệ phát triển dân số duy trì ở dưới mức 1,32%; các xóm trong xã duy trì được tỷ lệ sinh và tỷ lệ người sinh con thứ 3 ở mức thấp trong nhiều năm liên tục. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh có sự chuyển biến tích cực; giảm xuống còn 110 cháu trai/100 cháu gái năm 2015.
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh khám, cấp phát thuốc cho người dân tại xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). |
Từ việc chỉ đạo điểm ở xã Trực Mỹ, đến nay mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 23,6% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Được sự hướng dẫn của MTTQ các cấp, ban hành giáo các giáo xứ, giáo họ và giáo dân đã tích cực thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ, thông qua việc lồng ghép với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”. Các giáo xứ, họ tiêu biểu trong việc thực hiện công tác giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số là: Xuân Dục (Xuân Trường), Xuân Bảng (Vụ Bản), Vạn Điểm (Ý Yên), Tân Châu (Giao Thuỷ), Lã Điền (Nam Trực), Quất Lâm (Giao Thuỷ). Đồng chí Vũ Tài Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện triển khai mô hình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức nhiều buổi tọa đàm “Vai trò của các vị chức sắc tôn giáo và người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong việc khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận chỉ ra những nguyên nhân, hậu quả của sự mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là ở các xã vùng biển, xã khó khăn, xã có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa; nghe báo cáo kết quả bước đầu của việc triển khai xây dựng mô hình điểm ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. Huyện Nghĩa Hưng có gần 20 vạn dân, trong đó có 49% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào Công giáo, huyện Nghĩa Hưng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đưa công tác Dân số - KHHGĐ trở thành nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về Dân số - KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới, trong và ngoài nhà trường. Đến nay, toàn huyện có trên 30 nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ; 24.362 phụ nữ áp dụng biện pháp tránh thai, đạt tỷ lệ trên 70%. Toàn huyện đã thành lập trên 300 CLB với nhiều mô hình khác nhau như CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, CLB “Bà mẹ có con tuổi vị thành niên”… Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, đã tăng cường tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, giúp chị em nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa tham gia sinh hoạt tôn giáo, vừa tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt các quy định về chính sách Dân số - KHHGĐ. Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện đã giảm xuống còn 1,6%; tỷ lệ giới tính khi sinh đã giảm xuống còn 115 cháu trai/100 cháu gái.
Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh nhân rộng mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường. Cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp dân cư. Giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản - KHHGĐ về giới tính, bình đẳng giới cho các đối tượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ y tế nói chung, chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ nói riêng cho mọi đối tượng, địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức được quy định trong điều 10 Nghị định số 104 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số./.
Bài và ảnh: Việt Thắng