Cô thợ trẻ có "Bàn tay vàng"

02:10, 28/10/2016

Đến Cty CP May I (Tổng Cty Dệt may Nam Định), hỏi thăm về Lê Thị Sen ai cũng biết bởi nhiều năm liền, Sen là một trong những thợ giỏi nhất của phân xưởng 1 nói riêng, của Cty nói chung.

Năm 2006, sau 2 năm làm việc tại Hà Nội, Lê Thị Sen xin vào làm công nhân may tại Cty CP May I. Ngay từ khi mới học việc, Sen đã tỏ ra là người có “năng khiếu” về nghề may, đặc biệt là kẻ vẽ, lên mẫu chi tiết cho các sản phẩm như thân áo, tay…, Sen được phân về phân xưởng 1, tổ may 9, bộ phận kẻ vẽ. Nhờ nhanh nhẹn, tháo vát nên Sen hòa đồng với tập thể mới khá nhanh. Sen tâm sự: “Nghề may không phải là một nghề khó, nhất là với phụ nữ. Chỉ cần khéo tay một chút, cộng với sự phối hợp ăn ý, để tâm vào công việc là có thể nhanh chóng thành thạo công việc”. Luôn xác định phải nghiêm túc học nghề để trở thành thợ giỏi, Sen đã cố gắng học hỏi, quan sát kỹ công việc của các chị em có tay nghề cao trong tổ, phân xưởng để học tập. Điều gì chưa biết, chưa rõ, tranh thủ những lúc rỗi rãi, Sen hỏi ngay để cố gắng thao tác, thực hiện cho đúng quy trình. Cũng như nhiều công nhân và cán bộ kỹ thuật có tay nghề giỏi ở Cty, Sen khẳng định: “Muốn đạt đến trình độ tay nghề cao, ngoài chăm chỉ trong sản xuất phải thường xuyên học hỏi, không chỉ học người giỏi hơn mình mà còn rút kinh nghiệm ở những người tay nghề yếu”. Được anh chị em công nhân kèm cặp, giúp đỡ, bảo ban nhiệt tình nên chỉ trong vòng 2 tháng Sen đã nắm vững được các quy trình thao tác. Tâm nguyện của cô gái trẻ là làm việc thật tốt để không chỉ nuôi bản thân mà còn có điều kiện giúp đỡ cha mẹ.

Chị Lê Thị Sen, Cty CP May I (Tổng Cty Dệt May Nam Định) trong giờ làm việc tại phân xưởng.
Chị Lê Thị Sen, Cty CP May I (Tổng Cty Dệt May Nam Định) trong giờ làm việc tại phân xưởng.

Nỗ lực, thái độ nghiêm túc học tập của Sen đã được đền đáp xứng đáng. Trong phân xưởng và Cty, Lê Thị Sen thường đạt năng suất cao nhất, là một trong số ít công nhân giỏi nhất chuyền. Mức lương hằng tháng Sen nhận được tính theo sản phẩm thường đạt từ 7-7,5 triệu đồng/tháng, trong khi bình quân các công nhân khác đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Có thể kể đến những sáng tạo trong công việc giúp Lê Thị Sen nâng cao năng suất lao động như: Đối với thợ vẽ để vẽ chính xác chi tiết cho sản phẩm, người thợ thường phải sử dụng thanh đè, thước để vẽ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, năng lực, thanh đè, thước của Sen chính là “đôi mắt”. Quan sát tốt, có khả năng ước lượng, khi vẽ, Sen một tay cầm phấn, tay kia đè lên vải vẽ trực tiếp. Do đó, tốc độ kẻ vẽ của Sen thường nhanh gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi người khác. Từ hiệu quả công việc của mình, Sen góp phần đưa năng suất lao động bộ phận kẻ vẽ của phân xưởng 1 tăng lên. Theo đó, hiện phân xưởng 1 có 40 công nhân may, với số lượng công nhân như vậy cần tới 3 hoặc 4 thợ kẻ vẽ. Tuy nhiên, phân xưởng 1 chỉ Sen với 1 người nữa là đã đảm bảo hiệu quả công việc. Lê Thị Sen còn nghĩ ra cách cải tiến một số phương pháp may, vắt sổ... đưa thao tác may nhanh hơn, kinh tế hơn, tận dụng được năng lực làm việc của người công nhân và rút ngắn được thời gian sản xuất, làm lời về mặt kinh tế cho Cty... Không chỉ nhanh nhẹn trong công việc, Lê Thị Sen còn là một người thợ trẻ rất có ý thức trách nhiệm. Mặc dù nhà ở cách Thành phố Nam Định khoảng gần 10km nhưng ngày nắng cũng như mưa, cô công nhân trẻ thường đến Cty sớm từ 5-10 phút để nhận bàn giao ca, kiểm tra và vệ sinh máy móc cũng như nơi làm việc. Khi ít hàng, khi đã làm xong phần việc kẻ vẽ Sen lại xuống chuyền ngồi may hoặc hỗ trợ bộ phận là quần áo. Tháng 5 đến tháng 8, thường được coi là tháng cao điểm của công nhân ngành may mặc bởi các đơn hàng về rất nhiều. Khi đó, để đẩy nhanh tiến độ công việc cho phân xưởng, Sen còn nhận thêm hàng về làm thêm ở nhà. Nghiêm túc với bất cứ nhiệm vụ nào được giao, không ngừng nỗ lực học hỏi, cải tiến quy trình sản xuất, Lê Thị Sen đã trở thành thợ giỏi. “Ngành may mặc có đặc điểm rất riêng biệt, đó là quá trình lao động tạo ra sản phẩm chủ yếu xuất phát từ các thao tác thủ công của người công nhân. Các sản phẩm chủ yếu được tạo ra trực tiếp từ bàn tay con người. Vì thế, năng suất làm việc chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi trình độ tay nghề, kinh nghiệm và kỹ năng thao tác của người công nhân. Do đó, việc nghiên cứu và cải tiến thao tác với mục đích tiêu chuẩn hóa thao tác, giảm thiểu thời gian lãng phí, tăng tốc độ làm việc, nhất quán về chất lượng sản phẩm và hoạch định công việc là mục tiêu hết sức quan trọng và cần thiết không chỉ riêng đối với cá nhân tôi mà toàn thể Cty” - Lê Thị Sen đã chia sẻ rất chân thành về mục tiêu nghề nghiệp của mình. Sau 10 năm gắn bó với Cty, phân xưởng May 1, các danh hiệu mà Sen đạt được rất nhiều. Đó là danh hiệu “Công nhân sáng tạo” năm 2015 của Cty CP May I - Dệt Nam Định; liên tục trong 5 năm đạt danh hiệu “Công nhân có lương sản phẩm cao”; 1 trong 30 gương mặt tiêu biểu được Tỉnh Đoàn Nam Định vinh danh trong “Lễ tuyên dương thanh niên công nhân tiên tiến làm theo lời Bác” trong Tháng Công nhân năm 2016. Đặc biệt năm 2016, cùng với 3 đoàn viên, thanh niên đại diện cho trên 102 nghìn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, Sen vinh dự được cử đi Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV tại Hà Nội, là 1 trong 20 đại biểu được vinh danh “Tấm gương điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016” tại đại hội, vinh dự được lựa chọn là đại biểu tặng hoa cho Tổng Bí thư tại buổi lễ… “Lê Thị Sen là một công nhân trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ở cô gái ấy luôn thấy một tinh thần cầu thị, ham học hỏi. Sen được mọi người yêu mến bởi ý thức làm việc nghiêm túc, ý chí phấn đấu trong công việc. Giỏi nghề nhưng cô ấy rất khiêm tốn thường giúp đỡ mọi người, nhất là các thợ trẻ chưa thạo việc. Sen không “giấu nghề” mà thường chia sẻ kinh nghiệm làm việc, khuyến khích khả năng sáng tạo của mọi người thợ” - chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ trưởng tổ 9, Cty CP May I tự hào nhận xét về Sen./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com