Tài hoa bàn tay người thợ

04:07, 29/07/2016

Từ tháng 8 đến tháng 3 hằng năm, nhà anh Lê Quang Tú, số nhà 117, đường 10, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) lúc nào cũng rực rỡ trong màu sắc của hoa tươi, hoa lụa trang trí trên thân những đôi long phụng, thiên nga trắng muốt bắt mắt… Ấy là khi anh đang bước vào “mùa làm ăn chính” trong năm. Anh bận đến nỗi, “không dám nhận nhiều hàng, nhận nhiều mà không làm kịp cho khách thì thấy áy náy lắm”. Công việc trang trí tiệc cưới của anh do vẫn còn khá mới mẻ và rất “hút” thị trường.

Anh Lê Quang Tú bên sản phẩm hoa trang trí cho không gian tiệc cưới.
Anh Lê Quang Tú bên sản phẩm hoa trang trí cho không gian tiệc cưới.

Khởi nghiệp từ việc cung cấp, trang trí các mâm hoa quả tươi phục vụ nhu cầu tâm linh tại các đền chùa, 3 năm trước đây, anh Lê Quang Tú mạnh dạn tìm một hướng đi mới. “Quãng năm 2012, 2013, khi ấy thị trường trang trí tiệc cưới trên địa bàn tỉnh còn khá… mới mẻ với những cách trang trí cổ điển học theo mẫu từ Thái Lan. Cổng cưới thường được dựng bằng hoa, họa hoằn lắm mới có thêm hình những đôi thiên nga hoặc khổng tước với phần trang trí, cắt tỉa đơn giản. Tôi nghĩ, phải làm thế nào cho đẹp, bắt mắt hơn để mỗi không gian tiệc cưới thật lộng lẫy, vừa ý đẹp lòng các cô dâu, chú rể”, anh Tú tâm sự. Bắt tay vào nghề, ban đầu anh Tú nghiên cứu rất kỹ các mẫu trang trí có sẵn trên thị trường. Quá trình đó, anh nhận thấy, hầu hết các mẫu trên còn khá thô cứng, chưa phù hợp với quan niệm, văn hóa của người Việt. Do đó, anh đã tham khảo từ nhiều nguồn sách vở, mạng internet để sáng tạo nên những tác phẩm của riêng mình. Để thử nghiệm, anh Tú tự mình vẽ mẫu những con vật hay được người ta sử dụng làm biểu tượng trong đám cưới như thiên nga, khổng tước, công… Sau đó anh tìm đặt mua các loại xốp về nhà mày mò thêm, xử lý bằng hóa chất sao cho những thanh xốp trở nên cứng cáp, dễ tạo khối. Công đoạn khó nhất là việc tạo khối cho sản phẩm sao cho có “hồn có cốt”. “Tôi nghĩ, với công đoạn này đòi hỏi người thợ phải lành nghề như một thợ điêu khắc thực thụ. Hì hục, tôi ngồi cả đêm để đẽo gọt những cục xốp vô tri thành các hình dạng con vật đã vẽ. Tôi cũng đã cắt đẽo hỏng không biết bao nhiêu tấm xốp mà kể. Chưa kể, có những lúc tạo hình xong, không ưng lại vứt đi”. “Trăm hay không bằng tay quen” cộng thêm vốn khéo tay, óc thẩm mỹ khá tốt, chỉ một thời gian ngắn tự mày mò, anh Tú đã tự mình vẽ, cắt gọt, trang trí nên những đôi thiên nga, khổng tước hay chú chim công sống động, đẹp đẽ. “Hình dạng thì hầu như các hình mẫu đều na ná giống nhau. Điểm đặc biệt khiến một người thợ được coi là có năng khiếu, khéo tay hay không là tùy thuộc vào cách “thổi hồn” cho tác phẩm của mình. Cũng một đôi thiên nga nhưng chỉ cần trang trí thêm một vài chi tiết như đôi mắt, phần cánh xếp tỉ mỉ, uyển chuyển…, con thiên nga sẽ khác, sinh động và hấp dẫn hơn”, anh Tú chia sẻ thêm. Và, để làm cho mỗi tác phẩm của mình trở nên khác biệt, anh đã biết khai thác những chi tiết “đắt giá” cho tác phẩm. Những đôi công, khổng tước của anh ngoài phần “cốt” được trang trí thêm dải hoa tươi hoặc hoa lụa phía đuôi với đủ các màu sắc khi sặc sỡ, khi lại thanh khiết. Điểm nhấn trên thân những con vật trên từ mào, mắt, cánh… đều được người thợ dày công trang trí, bồi đắp kỹ lưỡng, màu sắc hoàn toàn trùng khớp với màu tự nhiên. Đôi cánh thiên nga thêm phần sắc nét khi được phun hoặc vẽ thêm các loại màu có kim tuyến lấp lánh. Anh cũng nghiên cứu khá kỹ những sắc màu được dùng riêng. Trang trí trong đám cưới hỏi, anh sử dụng những tông như trắng, xanh, tím, đỏ nhằm hoàn thiện vẻ đẹp cho sản phẩm. “Với những đôi khổng tước, tôi sử dụng các tông màu cơ bản là trắng, xanh nhạt, đỏ để thể hiện. Phần thân khổng tước chỉ toàn màu trắng, phần đuôi là những dải hoa lan dài màu xanh nhạt hoặc đỏ, hoặc kết hợp cả xanh nhạt lẫn đỏ. Khi nhìn vào con vật tạo cho người ta cảm giác lộng lẫy hoặc thanh khiết, tùy mỗi người cảm nhận”. “Thời gian tới, tôi đang hướng đến một cách làm mới, chú trọng dòng sản phẩm với kích thước nhỏ hơn để khách hàng có thể lựa chọn đa dạng khi trưng bày. Không chỉ trưng bày được ở không gian tiệc cưới mà còn có thể đặt những sản phẩm này trên các bàn ăn trong nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phòng khách”… Sản phẩm phục vụ tiệc cưới của anh có khá nhiều mẫu. Riêng với mẫu công, anh Tú có thể sáng tạo ra 20 mẫu khác nhau. Rồng trang trí cho đám cưới anh thiết kế 2 mẫu. Căn cứ trên ý tưởng các mẫu hàng, anh đặt các tên gọi như: long phụng sum vầy, uyên ương tụ họp… Tùy vào kích thước, các sản phẩm cũng có các mức giá chênh lệch. Nếu chỉ tạo phần cốt, anh Tú bán các mức giá từ 200 nghìn đến 5 triệu đồng/sản phẩm. Với những tác phẩm hoàn chỉnh, dao động từ 1 triệu đến 15 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm được xuất đi cả nước, tiêu thụ nhiều hơn cả vẫn là các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… Không chỉ tạo tác loài vật trang trí trong tiệc cưới, anh Tú còn chú trọng dòng sản phẩm phục vụ cho các nghi lễ tâm linh. Chọn cói hoặc rơm khô, anh kết thành các “cốt” rồng phượng bày biện trong những mâm quả tại các đền chùa… Anh cũng sử dụng các màu sắc đặc trưng điểm tô cho sản phẩm này như vàng, đỏ… tạo sự uy nghiêm, linh thiêng. Đối với dòng sản phẩm tâm linh anh hiện thiết kế 3-4 mẫu. Anh cũng đang ấp ủ kế hoạch sẽ cắt, tạo thêm các mẫu sản phẩm phục vụ bàn thờ gia tiên theo phong cách miền Nam để khách hàng có thể thoải mái lựa chọn.

Sử dụng các vật liệu hết sức đơn giản như xốp, hoa lá, thậm chí hạt của những loại quả bỏ đi để trang trí lên cho sản phẩm, các tác phẩm của anh Lê Quang Tú rất “thân thiện với môi trường” và có thời gian sử dụng lâu dài. Không được học qua bất cứ trường lớp đào tạo chính quy nào về nghệ thuật, từ đôi bàn tay, óc quan sát tỉ mỉ, sự sáng tạo, anh Tú vẫn tạo nên những tác phẩm rất đẹp, sinh động, bắt mắt. Không giống như một số người làm nghề khác, thường giữ bí quyết làm nghề, các khách hàng của anh, ai có nhu cầu học anh đều sẵn sàng truyền nghề. Đầu tháng 7, một lớp học với 6 học viên vừa mới “tốt nghiệp”. Cũng từ xưởng của anh Tú, có 5 lao động được tạo công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. “Bàn tay vàng” của anh Tú đã mang về cho gia đình mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com