Nghề mò cua, bắt ốc từ lâu đã khá quen thuộc với những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”. Cuộc sống khổ nghèo, những phụ nữ thường tranh thủ khi nông nhàn đeo giỏ ra đồng kiếm con tôm, con cá cải thiện bữa ăn đạm bạc của gia đình. Lặn lội cả ngày trên đồng ruộng để đổi lấy vài chục nghìn đồng, nghề mò cua, bắt ốc có thể coi là nghề mưu sinh tương đối vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân nghèo.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, khi những cánh đồng đã trơ lại chỉ còn toàn gốc rạ, đi dọc các xã Đại An, Quang Trung, Trung Thành (Vụ Bản); xã Phương Định, Thị trấn Cỗ Lễ (Trực Ninh), ở đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đầu tóc, tay chân bịt kín mít, phía sau họ là lỉnh kỉnh nào những túi, xô, chậu, giỏ để “hành nghề”. Một ngày của những người làm nghề mò cua, bắt ốc thường bắt đầu vào lúc 5-6 giờ sáng tới 11 giờ trưa hoặc đến 4 giờ chiều. Với dụng cụ hành nghề đơn giản, dù nắng rát cháy da hay mưa lạnh dầm dề, những bước chân, đôi bàn tay của họ không ngừng nghỉ. Bởi nghỉ một ngày là họ mất đi một khoản thu nhập ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Chị Đỗ Thị Mai, thôn Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản), năm nay ngoài 40 tuổi có 14 năm trong nghề chia sẻ: “14 năm trước, khi tôi lập gia đình, công ăn việc làm không có, nhà tôi chỉ trông chờ vào hơn 3 sào ruộng cấy làm sao đủ ăn. Nhà nghèo, con cái không có điều kiện được học tập, chồng tôi bị bệnh thần kinh bẩm sinh, cuộc sống đã cơ cực càng cơ cực hơn. Tôi nghĩ mãi, nếu chỉ trông chờ vào hạt lúa sẽ rất khó. Vì thế tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi đem xô, chậu ra ngoài kiếm con cua, con ốc về cải thiện bữa ăn gia đình. Những hôm được nhiều, ăn không hết thì đem ra chợ bán, có thêm đồng ra, đồng vào. Lâu dần, tôi gắn bó với nghề này luôn”. Chị Mai chỉ là một trong số hàng trăm phụ nữ mải mê với cái nghề vất vả này. Rét mướt, giữa những cánh đồng trắng nước, những thân phận người mò cua, bắt ốc càng trở nên bé nhỏ, lạc lõng giữa đồng nước mênh mông. Tính ra một ngày, những người làm nghề mò cua, bắt ốc cũng phải đi bộ, đạp xe tới hàng chục cây số hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Vất vả là thế nhưng không phải ngày nào họ cũng gặp may. Đồng ruộng bây giờ không còn nhiều tôm cá như trước do bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu, chất hóa học. Vì vậy, cũng có những ngày mặc dù đã “lặn lội thân cò” suốt đồng xa, đồng gần vẫn không hiếm cảnh người mò cua bắt ốc mang giỏ không trở về. Do đặc thù công việc nên nhiều lúc họ cũng gặp không ít nguy hiểm. Trong lúc đi bắt họ có thể vô tình giẫm phải mảnh chai lọ vứt xuống kênh mương bị cứa đứt chân tay. Càng buồn hơn khi hiện nay, tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và con người đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều thì lượng cua, ốc trong môi trường tự nhiên ngày càng ít đi nên cuộc sống của họ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, mặt khác nhiều lúc gặp nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây mẩn ngứa, sốt rét phải nằm ở nhà mất vài ngày. Nhưng khi khỏi bệnh, họ lại trở về với công việc đời thường.
Chị Đỗ Thị Mai, thôn Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản) đang mò trai dưới mương. |
Làm nghề mò cua bắt ốc, tuy vất vả nhưng không phải bỏ ra bất kỳ khoản vốn liếng nào mà mỗi ngày cũng có thể kiếm được 50-70 nghìn đồng. Hôm nào bắt được nhiều, có thể được tới 100 nghìn đồng. Tính ra, trung bình 1 tháng, những người “thợ” mò cua, bắt ốc cũng có một khoản thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người. Nếu chịu khó đi những đồng sâu, xa hơn thì có thể kiếm được nhiều hơn. Đối với những người nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, số tiền trên có thể giải quyết được nhiều việc trong cuộc sống hằng ngày, có thể lo cho con cái được ăn học và trang trải cho cuộc sống gia đình. Cùng xuất phát từ công việc như chị Mai, nhưng chị Nguyễn Thị Hợi, xã Đại An (Vụ Bản) còn đảm nhận thêm việc “gom” hàng của chị em bán cho các đầu mối trong thành phố. Thoăn thoắt phân loại những sản phẩm thu hoạch được sau một ngày lao động vất vả, chị cho biết: “Hiện, 1kg trai có giá bán khoảng 6.000 đồng, loại ốc to có giá 10-11 nghìn đồng/kg, ốc nhỏ thì có giá từ 5.000-6.000 nghìn đồng/kg, cua có giá 100 nghìn đồng/kg”. Tuy có dao động chút ít theo mùa nhưng hầu như các sản phẩm trên đều có mức giá ổn định. Riêng tại xã Đại An, Quang Trung cũng có tới vài hộ thu gom cua, ốc. Tuy đơn giản nhưng nghề mò cua, bắt ốc cũng đòi hỏi những kỹ năng nhất định. Theo kinh nghiệm của những người chuyên đi bắt ốc thì để dễ dàng bắt được ốc thì phải chấp nhận lội xuống ao bùn, những nơi chúng sống nhiều thường là những ao hồ có nhiều bèo, nhưng để bắt được chúng dễ dàng mà ít tốn công sức thì phải tìm tập trung ở những nơi có vị trí bèo thưa, đặc biệt là những nơi có dòng nước chảy, lúc ấy chỉ cần rẽ bèo ra là có thể thấy chúng, hoặc có thể kết hợp mò ở phía đáy hồ và ở các bờ xung quanh. Những người có kinh nghiệm còn cho biết, khi bắt ốc để ăn, người ta thường tránh mùa sinh đẻ vì lúc ấy trứng trong ốc nhiều, không ngon. Ngược lại người mò ốc về để bán lại rất thích những con ốc này vì chúng thường có kích thước lớn, được mọi người mua với giá cao hơn so với những loại ốc nhỏ. Riêng đối với việc mò trai, công việc này thích hợp hơn với đàn ông vì đòi hỏi phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ, do đó chị em phụ nữ ít đi bắt hơn hoặc chỉ bắt ở những vùng nước cạn.
Ngoài các vụ lúa chính thì đồng ruộng giờ đây lại là những nơi để cho người nông dân kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn với những “nông sản” mà thiên nhiên ban tặng. Và nếu môi trường sinh thái được bảo vệ thì các loại thủy sản sinh sôi tự nhiên sẽ giúp người nông dân cải thiện đời sống ngay chính trên đồng ruộng quê hương./.
Văn Huỳnh