Những ngày giữa tháng 12, đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông tràn về. Thành Nam rét tê tái! Càng về đêm, sương buông xuống hùa với gió làm tăng thêm cái buốt. Nhưng hàng trăm người lao động vẫn tất bật mưu sinh ở chợ hoa đêm đường Cột Cờ (TP Nam Định). Dưới ánh đèn vàng, hương sắc của các loại: hồng, ly, dơn, huệ, thạch thảo, vàng anh, và cúc… dường như xua bớt cái buốt giá của chợ đêm.
Chợ sắc màu sau nửa đêm
Gần 1 giờ sáng, sương đã giăng dầy, lạnh thấu xương, đường phố Thành Nam vắng hoe. Thi thoảng mới có một hai ánh đèn xe máy lướt qua. Các ngôi nhà đóng cửa im ỉm, mọi người đang chìm vào giấc ngủ sau một ngày học tập, lao động mệt nhọc. Nhưng đây lại là lúc chợ hoa đêm bắt đầu họp đông. Dọc đường Cột Cờ, người và xe ken đặc và ngập tràn sắc màu của hàng chục loại hoa. Hoa trên xe, trên đường, trên tay người bán, trên vai người mua… Chợ hoa đêm ngày nào cũng họp. Ngày thường, chợ bắt đầu họp từ lúc 12 giờ 30; ngày tuần (mùng một và ngày rằm hằng tháng) chợ họp sớm hơn chừng 30 phút. Đến tầm 6 giờ sáng thì chợ tan. Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Tân Tiến, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), người có “thâm niên” gắn bó với chợ hoa đêm cho biết: Chợ hoa đêm hình thành và duy trì đều đặn khoảng hai chục năm trở lại đây khi phong trào và diện tích đất trồng hoa ở các vùng ven như: Nam Phong, Nam Vân, Mỹ Tân… ngày càng được mở rộng. Hoa trở thành một loại hàng hóa phổ biến, đáp ứng nhu cầu chơi hoa, thưởng hoa của người dân. Người trồng hoa ngoài bán cho thương lái về tận vườn thu mua để mang đi các tỉnh xa thì thường mang hoa xuống chợ để bán buôn với số lượng lớn. Chị Hằng cho biết thêm: hằng ngày, cứ tầm khoảng 11 giờ đêm, chị bắt đầu xếp hàng là các loại hoa cúc trồng ở 5 sào vườn nhà và một ít hoa huệ, hoa hồng lấy của các nhà xung quanh để xuống chợ. Mỗi chuyến hàng khoảng 800-1.000 bông cúc và một vài trăm bông huệ, hồng. Lâu dần thành nếp, người trồng hoa, người mua hoa trong, ngoài tỉnh đều biết tiếng chợ hoa đêm Thành Nam để tìm đến mua, bán. Mỗi đêm, chợ hoa Thành Nam đón hàng trăm lượt người và tấp nập làm hai đợt. Đợt đầu từ khoảng 12 giờ 30 đến tầm 2 giờ sáng bán buôn cho những thương lái ở xa như: Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên và tỉnh bạn: Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa về lấy hàng. Đợt sau thường bắt đầu từ khoảng 3 rưỡi, 4 giờ đến sáng bán cho những thương lái của Thành phố Nam Định và vùng ven. Là “khách hàng” quen của chợ đêm, cứ hai ngày một lần, vợ chồng anh Vũ Văn Nam, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) lại đèo nhau bằng xe máy qua quãng đường gần 50 cây số để mua hoa. Thường thường, tầm 11 giờ 30 vợ chồng anh xuất phát chạy khoảng 1 tiếng thì đến chợ. Mỗi chuyến hàng anh thường lấy khoảng 4-5 bó hoa hồng, 7-8 bó hoa cúc, 10 bó vàng anh để trang trí (mỗi bó là 50 bông hoặc cành). Mua bán thuận lợi thì chỉ tầm 2 giờ sáng là về nhà, nếu hôm nào hoa đắt, hiếm hàng chờ đủ hoa thì có khi về đến nhà trời cũng bình minh. Ở chợ hoa đêm những “khách lẻ” như vợ chồng anh Nam chiếm đa số. “Khách buôn” là hàng chục chủ xe tải loại từ 1-1,5 tấn mang biển số các tỉnh, mỗi chuyến hàng thu gom hàng vài chục nghìn bông, cành các loại.
Mua bán hoa ở chợ hoa đêm Thành Nam (đường Cột Cờ, TP Nam Định). |
Chuyện người chợ hoa
Đêm đã về khuya, lang thang chọn góc chụp ảnh đã khá mệt, tôi sà vào hàng hoa dơn của vợ chồng anh Bùi Ngọc Viết, xóm Bình Hạ, xã Yên Thọ (Ý Yên). Theo mọi người thường buôn bán ở chợ cho biết, anh Viết là người đầu tiên ở chợ hoa “dám” chuyển các loại hoa dơn, sa-lem, đồng tiền, hồng Pháp, tuy-líp, lan… từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra bán ở chợ hoa. Càng ngạc nhiên hơn khi anh Viết bộc bạch đã gắn bó với nghề hoa gần 15 năm. Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, sau khi đã xoay chuyển đủ nghề từ buôn vải, chụp ảnh dạo…, anh xoay sang… buôn hoa. Ban đầu anh chạy xe máy sang vùng hoa Ninh Phúc (TP Ninh Bình) để mua hoa về bán lẻ ở các phiên chợ quê. Sau một thời gian, học hỏi được kỹ thuật trồng hoa cúc, anh tự cải tạo 3 sào vườn nhà để trồng hoa cúc. Ngoài vùng hoa Ninh Phúc, anh còn lên tận chợ Quảng Bá (Hà Nội) để mua các loại hoa khác về cung ứng cho thị trường trong huyện. Mãi khoảng chục năm trở lại đây, anh mới trở thành “khách quen” của chợ hoa Thành Nam vì hoa ở chợ đêm vừa đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng và quãng đường đi lại đỡ vất vả hơn. Ngày ấy, chợ họp muộn, tầm 3-4 giờ sáng mới họp đông chứ không nhộn nhịp như bây giờ. Sau gần 5 năm gắn bó với chợ hoa đêm, “lấy đêm làm ngày”, anh đã tích góp được một số vốn kha khá, mua được một chiếc xe bán tải loại 1,5 tấn. Có vốn, có xe, anh bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn. Nhận thấy chợ hoa đêm vẫn thiếu những loại hoa cao cấp như: dơn, sa-lem, đồng tiền…, anh vào tận Thành phố Đà Lạt, nơi được cho là “thủ phủ” của các loại hoa để tìm mối hàng, thuê xe lạnh chuyên dụng vận chuyển ra bán tại chợ hoa. Thời gian đầu, anh phải chuyển tiền vào trước rồi chủ vườn mới đóng hàng chuyển ra. Sau vài tháng làm ăn có uy tín, anh được thanh toán theo tháng cho cả chủ vườn và chủ xe vận chuyển, mọi giao dịch mua bán đều được thực hiện qua điện thoại với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/chuyến hàng. Tháng chín âm lịch vừa rồi, riêng tiền vận chuyển, anh Viết đã phải thanh toán gần 200 triệu đồng, còn tiền hàng thì cũng ngót nghét 1 tỷ đồng. Gần 15 năm gắn bó với hoa và các phiên chợ đêm, cũng như hàng trăm người khác, giấc ngủ của vợ chồng anh Viết đã thay đổi từ đêm sang ngày. “Đồng hồ sinh học” thay đổi khiến những đêm mưa gió hoặc ngày Tết không đi chợ, anh thường thức trắng đêm đợi sáng mới ngủ được. Sau thành công của anh Viết, một số chủ hàng có tiềm lực kinh tế cũng đứng ra nhập các loại hoa cao cấp như: ly, lan… từ các nơi về bán tại chợ đêm. Nhờ đó, ngoài các loại hoa phổ thông như: cúc, huệ, hồng, vàng anh… được trồng ở những làng hoa Nam Định, chợ hoa đêm còn phong phú, đa dạng hơn bởi các loại hoa của các địa phương và cả từ nước ngoài nhập về.
Cứ như thế, chợ hoa đêm Thành Nam đã tạo thêm một nét văn hóa của Thành Nam văn hiến. Đi chợ hoa nhiều khi trở thành cái thú vui của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Có nhiều người thức trắng đêm để lang thang trong chợ không hẳn là để mua hoa mà đơn giản chỉ là để cảm nhận thêm một phần thú vị cuộc sống về đêm của thành phố quê hương. Chẳng thế mà cô bạn đồng nghiệp của tôi thi thoảng lại than thở: “Tháng này bận quá, chưa được lang thang vào chợ hoa đêm!”./.
Bài và ảnh: Thành Trung