Là địa bàn giáp ranh với Thành phố Nam Định, những năm qua, tệ nạn ma túy ở huyện Nam Trực diễn biến phức tạp. Thời điểm năm 2009, toàn huyện có 143 người nghiện, năm 2012 là 222 người và hiện nay là 256 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trước thực trạng số người nghiện có chiều hướng gia tăng, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đấu tranh truy quét, triệt xóa các tụ điểm, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời triển khai hiệu quả đề án tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nhằm làm giảm số người nghiện trên địa bàn.
|
Cán bộ Trung tâm Phòng chống ma túy huyện Nam Trực tư vấn cho người cai nghiện ma túy. |
Thực hiện Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 6-7-2009 của UBND tỉnh về đề án tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, BCĐ phòng chống ma túy huyện Nam Trực đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là gia đình có người nghiện và đối tượng nghiện về tác hại của ma túy, cách nhận biết, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, nội dung và hiệu quả của mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Đài phát thanh huyện mở chuyên mục “Toàn dân tham gia phòng chống ma túy”, tuyên truyền về mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Các xã, thị trấn kẻ vẽ hàng trăm khẩu hiệu với nội dung phòng chống ma túy, HIV/AIDS; tuyên truyền, vận động đăng ký và xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học, doanh nghiệp không có ma túy và tội phạm ma túy… Qua đó, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy của cán bộ, nhân dân, cũng như quan tâm giúp đỡ người nghiện cai nghiện tại cộng đồng. Công an các xã, thị trấn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các thôn xóm tiến hành rà soát “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đánh giá thực trạng người nghiện trên địa bàn, thống kê số người nghiện, phân loại và lập danh sách đối tượng mới mắc nghiện có thể cai nghiện thành công vào danh sách cai nghiện tại cộng đồng. Xác định việc triển khai cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chỉ có hiệu quả khi người mắc nghiện quyết tâm cao và hợp tác tích cực, công an các xã phối hợp với trưởng thôn, cán bộ y tế xã, các đoàn thể ở cơ sở và những người có uy tín tại khu dân cư vận động đối tượng nghiện vượt qua mặc cảm, tự giác đăng ký và thực hiện cai nghiện tại gia đình; gia đình có người nghiện quan tâm hỗ trợ việc cai nghiện. Nhờ đó, nhiều người nghiện ma túy đã tự giác đăng ký và thực hiện cai nghiện tại gia đình. Trong quá trình cai nghiện, cán bộ y tế xã chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, cung cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn, điều trị hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện theo đúng phác đồ điều trị và hướng dẫn của Trung tâm Y tế huyện. Trong giai đoạn cắt cơn, người nghiện ở tại gia đình hoặc tập trung tại trạm y tế, được sự giúp đỡ của cán bộ y tế và cán bộ các đoàn thể thường xuyên phối hợp cùng gia đình người nghiện động viên, hỗ trợ và quản lý chặt chẽ người nghiện, giúp họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Giai đoạn tiếp theo, gia đình có trách nhiệm quản lý, giám sát, bồi dưỡng hỗ trợ người cai nghiện phục hồi sức khỏe, giáo dục hành vi phục hồi nhân cách; không để bệnh nhân quan hệ với người nghiện ma túy. Sức khỏe ổn định, người cai nghiện ma túy được BCĐ phòng chống ma túy xã, cán bộ các đoàn thể và gia đình gần gũi động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện tham gia công việc gia đình, định hướng việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể thực hiện các biện pháp đồng bộ, đề án cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở huyện Nam Trực những năm qua đã đạt được kết quả tích cực. Theo thống kê, năm 2010, trên địa bàn huyện có 28 người nghiện ma túy được hỗ trợ cai nghiện, trong đó có 8 người cai nghiện tại cộng đồng, có 6 người đã cai nghiện thành công; năm 2012, có 32 người nghiện ma túy được hỗ trợ cai nghiện, trong đó có 10 người cai nghiện tại cộng đồng, có 10 người đã cai nghiện thành công; năm 2013, có 28 người nghiện ma túy được hỗ trợ cai nghiện, trong đó có 11 người cai nghiện tại cộng đồng, kết quả có 11 người đã cai nghiện thành công; từ đầu năm 2015 đến nay có 33 người nghiện ma túy được hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng. Như vậy, trong 5 năm qua huyện Nam Trực đã tổ chức cai nghiện cho 156 người cai nghiện tại trung tâm và cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, trong đó có 39 người cai nghiện thành công, đạt trên 17%. Kết quả này đã góp phần làm giảm số người nghiện ma túy trên địa bàn. Đặc biệt là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác vận động, tổ chức cai nghiện ma túy nói chung và cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nói riêng. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, nhất là gia đình có người nghiện ma túy đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều gia đình từ chỗ che giấu, âm thầm chịu đựng nỗi đau con em nghiện ma túy, tiêu tán tài sản của gia đình… đến nay đã tự giác, tích cực cùng tổ công tác giáo dục, quản lý, hỗ trợ con em, người thân cai nghiện.
Tuy nhiên công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Nam Trực còn gặp một số khó khăn: Một số địa phương chưa coi trọng công tác phòng chống ma túy nên chỉ đạo không sát sao. Kinh phí đầu tư cho công tác cai nghiện còn hạn hẹp. Việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn nhiều hạn chế, nhiều người sau cai không có việc làm, thu nhập hoặc có việc làm không ổn định nên dễ bị tái nghiện.
Tỷ lệ tái nghiện còn cao, chiếm 83% số người cai nghiện. Trên địa bàn vẫn tiếp tục phát sinh thêm đối tượng nghiện mới. Để phát huy hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tuyến, địa bàn trọng điểm. Tiến hành rà soát đánh giá tình hình thực tế, số người nghiện ma túy của từng địa phương để phân công các ban, ngành đoàn thể ở địa phương trực tiếp tuyên truyền, vận động thuyết phục, giáo dục giúp đỡ người nghiện thực hiện cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy nhanh công tác xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không có người mắc các tệ nạn xã hội gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, quản lý tốt địa bàn, giúp người sau khi cai nghiện có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh:
Minh Tân