“Thời gian chạy qua tóc mẹ. Một màu trắng đến nôn nao. Lưng mẹ cứ dần còng xuống. Cho ngày con một lên cao”... lớp học viết chữ đẹp miễn phí của anh Đặng Lê Ta, cán bộ Sở Nội vụ tỉnh và vợ, cô giáo Trần Thị Mai, Trường Tiểu học Nam Phong (TP Nam Định) hôm nay luôn vang vang giọng đọc bài ê a của những học trò nhỏ. Bỏ qua nỗi lo cơm áo, công việc thường ngày, con cái, 1 hoặc 2 buổi/tuần anh chị dành thời gian, tâm huyết cho công việc luyện viết chữ đẹp. Cũng bởi theo anh Ta: đã là cái đẹp thì ai cũng thích, cũng đáng quý. Chúng tôi mở lớp dạy viết chữ đẹp là mong mỏi các em học sinh có thể luyện nét chữ để rèn nết người.
Nghề chơi cũng lắm công phu
“Những năm học THPT, tôi chính hiệu dân tự nhiên, đặc biệt luôn nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sinh học của Trường THPT Nghĩa Hưng A. Tôi có một cô bạn thân học khối C, trong một lần đến nhà bạn chơi, tôi “vui miệng” bảo, hay mình cũng chuyển sang học khối C. Bạn nói, chữ mày “xấu như ma”, đòi học khối C. Về nhà, tôi tức chí, chuyển sang học khối C thật. Đi học thêm văn, thầy giáo bảo, chữ anh xấu quá, không học được khối C đâu. Tức khí, tôi mượn vở của các bạn học văn, có tiếng viết chữ đẹp của trường về luyện chữ. Khoảng 1 tháng sau, chữ viết của tôi có sự tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, để được gọi là đẹp thì còn xa lắm. Vào đại học, công cuộc luyện chữ của tôi chấm dứt cho đến ngày lấy vợ. Vì cô ấy thường xuyên mở các lớp luyện chữ đẹp miễn phí nên hay nhờ tôi lên mạng tìm kiếm các kiểu chữ”, anh Ta chia sẻ về con đường đến với việc luyện chữ đẹp của mình. Do được vợ nhờ sưu tầm chữ đẹp nên dần dần anh Ta thấy mình cũng say mê những con chữ ấy tự bao giờ. Bị thu hút bởi những nét chữ mềm mại mà uyển chuyển, hoa văn nhưng lại rất rõ ràng, anh Ta bắt đầu tìm hiểu quy chuẩn về chữ đẹp, tìm hiểu các cách viết sao cho đẹp và đúng chuẩn. Trên cơ sở đúng chuẩn, anh Ta cũng tìm hiểu thêm về nhiều cách viết chữ đẹp sáng tạo khác… Từ đó, anh thậm chí có thể phân tích cho vợ, thế nào là chữ viết đẹp, viết đẹp thì phải như thế nào, chữ đẹp mà đạt chuẩn là phải đúng li, dòng, khoảng cách ra sao... “Trong một lần hai vợ chồng tranh luận về việc luyện chữ đẹp, viết chữ đẹp, tôi có nói đùa với vợ, có khi anh tập lại viết đẹp hơn cả em. Vợ tôi “khích”, anh có viết cả đời cũng không bằng em. Chạm tự ái, tôi “âm thầm” luyện chữ. Tháng 4-2015, là khi tôi bắt đầu “tập viết” những nét chữ đẹp đầu tiên. Chỉ 1 tháng sau đó, khi đưa sản phẩm cho vợ tôi chứng kiến, cô ấy đã không còn dám “cược” với tôi nữa”, anh Ta cười vang nói.
Một buổi luyện chữ đẹp cho học sinh tiểu học. |
Để phục vụ cho việc luyện chữ đẹp, anh Ta cũng bỏ ra khá nhiều công phu. Anh thường xuyên sưu tầm các loại bút khác nhau để phù hợp cho việc viết nét của từng kiểu chữ. Mua được bút, anh lại hì hục ngồi mài bút, pha mực. “Nếu ai đó nhìn tôi ngồi bệt xuống nền nhà để mài ngòi bút, pha mực, chắc phải thấy đôi chút kỳ công, dị thường. Nhưng tôi bằng lòng với thú chơi của mình. Làm nghề gì, chơi cái gì cũng vậy, đều phải “đầu tư” công phu, bỏ tâm sức. Chữ có đẹp, hấp dẫn trước hết nhờ tài hoa sau đó còn nhờ vào cây bút, màu mực”, anh Ta nói. Nghề chơi cũng lắm công phu, chia sẻ với anh Ta câu nói đó, anh chỉ cười xòa. Giờ thì, với một chữ cái anh có thể thể hiện theo 30 kiểu khác nhau. Chữ nào cũng đẹp, cũng hết sức “bay”, mềm. Đó là khi những sáng tạo của người viết đã được đặt vào con chữ, để mỗi chữ trên giấy có thể “tỏa sáng”. Sẽ là “khập khiễng” trong so sánh nhưng khi viết bài này, gợi nhớ tôi đến 1 tuyệt tác của cố nhà văn Nguyễn Tuân, truyện ngắn “Chữ người tử tù”, cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao. Và câu nói để đời, tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (nghĩa là “cả một đời chỉ biết cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai). Biết là khập khiễng khi so sánh việc luyện chữ của vợ chồng anh Ta với nhân vật để đời ấy; nhưng quý nhau, gặp nhau là ở chỗ, những nét chữ đẹp, vốn dĩ rất ưa nhìn, dễ đi vào lòng người và dù ở những thời đại khác nhau vẫn rất được nhiều người yêu mến, tìm về.
Lớp học luyện nét chữ, rèn nết người
Mùa hè năm nay, vợ chồng anh Ta quyết định mở các lớp dạy miễn phí cho mọi đối tượng học sinh trên địa bàn thành phố và các huyện ngoại thành. Mặc dù, chị Mai vợ anh từ khi ra trường năm học nào cũng mở những lớp dạy viết chữ đẹp miễn phí, khi thì ở nhà, khi tại trường. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên anh chị mở lớp với quy mô “hoành tráng”. Từ đầu hè đến nay, vợ chồng anh Ta đã mở được 2 lớp học. Lớp đầu tiên gồm 35 học sinh, một tuần học từ 1 đến 2 buổi. Học sinh khóa đầu tiên của anh chị bắt đầu học từ tháng 4 và “ra trường” vào tháng 6. Hiện, vợ chồng anh chị tiếp tục luyện viết chữ đẹp cho 20 học sinh ở tầm tuổi từ 7-13. Luyện viết cho các em, anh Ta, chị Mai bắt đầu từ việc tập cho các em cách cầm bút đúng, ngồi tư thế đúng. Sau đó luyện các nét căn bản, tập viết mẫu chữ chuẩn. Khi đã đúng chuẩn, anh Ta “nâng cấp” trình độ cho học sinh, luyện cho các em viết nhanh và đẹp. Quá trình giảng dạy, anh chị phát hiện những học sinh nào có khả năng, óc sáng tạo sẽ luyện cho các em viết các mẫu chữ sáng tạo. “Khi luyện chữ cho học sinh, vợ chồng tôi quan điểm, đẹp nhưng phải nhanh. Để khi học bài trên lớp các em có thể viết theo kịp bạn bè mà vẫn không bị “phá” nét chữ”, anh Ta dứt khoát. Chứng kiến một buổi học của lớp, chúng tôi mới cảm nhận được sự bền bỉ, tỉ mỉ, vất vả của vợ chồng anh Ta trong việc rèn chữ. Ở một góc lớp, anh Ta ngồi ngay cạnh những học sinh “cầm tay chỉ việc” các em viết chữ. Anh hướng dẫn đi hướng dẫn lại chữ này phải viết cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu mới đúng chuẩn. Nét này thì phải viết nghiêng, nét kia viết đậm mới được coi là đẹp… Trên bục giảng, chị Mai gọi từng học sinh lên kiểm tra “thành phẩm” bài học trong ngày. Cứ sau 4 buổi học, các em sẽ có 1 bài kiểm tra. Riêng “đầu vào”, vợ chồng anh chị đã phải làm 1 bài test để kiểm tra trình độ viết của các em. Trong quá trình học, nếu học sinh nào tiến bộ, viết chữ nhanh, đẹp anh Ta, chị Mai có các phần thưởng để khuyến khích, động viên. Khi thì là bộ bút chì, cái bút máy mới, khi là tập nhãn vở, lúc là gói bánh, kẹo… tạo thêm niềm vui cho học trò. Đối với những học sinh kém hơn, anh chị bàn bạc phương án kèm cặp hợp lý, giao thêm nhiều bài tập giúp các em luyện viết thêm ở nhà. Những học sinh trong độ tuổi lớp 2, lớp 3 là tốn nhiều công sức dạy dỗ của anh chị nhất. Khi đó, thường xuyên vợ chồng anh mỗi người một góc cầm tay học sinh luyện chữ. Sự tận tâm của vợ chồng cô giáo trẻ đã mang lại những thành quả khích lệ: “Chỉ khoảng sau 1 tuần được luyện chữ, chấm và kiểm tra bài của học sinh tôi nhận thấy hầu hết các em đều có sự tiến bộ rõ rệt. Từ cách viết tự do các em đã biết viết đúng ly, đúng dòng, đúng độ cao, độ rộng quy định. Những học sinh có năng khiếu quá trình học cũng sẽ được “phát lộ” dần dần”, cô giáo Trần Thị Mai chia sẻ.
Nguyễn Thị Huyền Trang, 9 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) cho biết: “Em đã học được đến buổi thứ 6 ở lớp của cô Mai, thầy Ta. Em thấy việc luyện chữ đẹp không khó vì thầy, cô có rất nhiều phương pháp giúp chúng em luyện chữ. Sau mỗi buổi học, nhìn lại những bài tập viết đẹp đẽ, sạch sẽ, em rất thích”. Phạm Hùng Phú, 10 tuổi, xã Nam Phong (TP Nam Định) tâm sự: “Chữ em trước đây hơi xấu và cẩu thả nên khi biết có lớp học luyện chữ, bố mẹ liền đến xin cho em học. Việc luyện chữ đẹp còn rèn cho em tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung. Thời gian trước nếu bảo em ngồi yên một chỗ học khoảng 1h đồng hồ sẽ là… hơi khó. Từ khi tham gia lớp học vì phải ngồi liên tục để luyện từng nét, từng nét chữ một, em thấy quen dần đi, khả năng tập trung cũng cao hơn. Em còn thấy vui nữa vì được học miễn phí, không mất đồng tiền nào”, cậu học trò nhỏ của anh Ta hồn nhiên.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh và cả học sinh đều quan niệm, đây là thời đại của công nghệ thông tin, việc viết trên máy tính dần trở nên phổ biến. Do đó, ngồi hì hục cả buổi để viết bằng tay 1 bản thảo đã là “khá ngại” với nhiều người. Chữ viết tay đẹp thế nào cũng bị coi nhẹ. “Nhưng cái đẹp thì luôn luôn đáng quý, cái đẹp bao giờ cũng… đẹp, cũng tốt hơn”. Với quan điểm đó, vợ chồng anh chị Ta, Mai đã dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong tuần đi làm cái công việc của người “vác tù và hàng tổng”; để chứa chan hy vọng, mọi người, đặc biệt là các em học sinh, phụ huynh hãy quan tâm đến việc rèn chữ để sâu xa hơn là rèn nết người cho con. “Chúng tôi còn mong muốn mở được 1 lớp dạy chữ đẹp cho những giáo viên sư phạm nữa. Và nếu như ở bất cứ nơi đâu có người ham thích, yêu mến chữ đẹp, học chữ đẹp, vợ chồng tôi sẵn sàng đến dạy, hỗ trợ việc giảng dạy”. Tâm nguyện của vợ chồng anh Ta về những lớp học luyện chữ trong tương lai là như thế. Có lẽ cũng bởi vì, anh chị đều đã trải qua quá trình luyện nét chữ để rèn được nết người trong những đức tính tốt đẹp, nhân văn, biết hy sinh./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân