Lố bịch MC đám cưới

08:11, 20/11/2015
Nếu như trước đây, trong các đám cưới gia chủ thường mời một người có vai vế và “khéo ăn nói” trong họ tộc dẫn dắt điều hành các nghi lễ, thủ tục thì ngày nay cùng với sự phát triển của dịch vụ tổ chức tiệc cưới, công việc này cũng được khoán cho một MC (người dẫn chương trình) do các nhà tổ chức dịch vụ cung cấp. Hầu hết những MC phục vụ đám cưới đều không được đào tạo mà chủ yếu truyền nghề, tự học, có khiếu ăn nói trước đông người và biết một chút văn thơ, nhạc, họa để dẫn dắt, thu hút sự chú ý của khách mời, tạo không khí vui nhộn trong đám cưới. Có không ít tình huống trớ trêu xung quanh việc “trổ tài” ăn nói của các MC nghiệp dư trong đám cưới.  
 
MC trong một đám cưới. Bài và ảnh: Nguyễn Hương
MC trong một đám cưới. 
Việc mời MC dẫn dắt chương trình trong đám cưới đã trở thành trào lưu từ thành thị đến nông thôn. Không phủ nhận vai trò của MC giúp cho mọi thủ tục từ lễ nghi đến đáp từ khách khứa đôi bên hai họ đều được thực hiện trôi chảy, đúng trình tự theo phong tục tập quán. Có những MC tài hoa, giỏi ứng phó còn khỏa lấp những sơ suất của nhà trai, nhà gái trong quá trình thực hành nghi thức cưới xin, giải tỏa tâm lý những tình huống bất ngờ khó xử. Nhưng bên cạnh những MC tâm huyết có trách nhiệm với công việc của mình, luôn có ý thức rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm để giữ uy tín nghề nghiệp thì xuất hiện những MC thiếu chuyên nghiệp, hạn chế về văn hóa, kiến thức xã hội biến đám cưới trở thành sàn diễn của mình những câu nói tếu táo, bông lơn thiếu nghiêm túc, thậm chí cả hành vi thô tục. Nhiều gia đình “cười ra nước mắt” bởi lối dẫn chương trình nhàm chán, nói đi nói lại theo một kịch bản có sẵn hoặc sử dụng lối nói ví von vô duyên của MC như: “Cô dâu xinh đẹp biết bao/Hôm nay ngày cưới thanh tao hơn nhiều/Chú rể hơn cả Sĩ điều/Cô dâu phong nhã như Kiều Nguyễn Du”; “Trai khôn tìm vợ, gái khôn gả chồng. Dây trầu quấn lấy thân cau, từ nay ta là của nhau suốt đời”… Hay những kiểu học đòi lố bịch làm khó gia chủ như mời đôi bạn trẻ lên giữa hội hôn “tặng nhau một nụ hôn say đắm” trước bàn dân thiên hạ. Có trường hợp MC “quen bài” giới thiệu cha mẹ cô dâu, chú rể lên trao quà kỷ niệm, thậm chí nói thẳng tuột là trao vàng, nhẫn… cho con trong khi điều kiện gia đình không có, không chuẩn bị trước khiến gia chủ bị động, tâm trạng không vui khó xử từ những lời bình luận của khách. Nhiều cặp vợ chồng sau đám cưới tâm sự, sợ nhất cảnh bị người dẫn chương trình cứ vô tư diễn xướng chương trình do anh ta tự đặt ra mà không chú ý đến điều kiện riêng từng nhà khiến gia chủ tiến thoái lưỡng nan. Cũng do “học bài chưa kỹ” mà sau một hồi ví von đến lúc giới thiệu tên cô dâu, chú rể thì MC lại nhớ nhầm... tên cô dâu, thế là cứ vô tư xướng lên trong tiếng cười ồ của hội hôn. Gia chủ phải tất tả chạy lên sân khấu nói nhỏ vào tai, MC mới giật mình xin lỗi. Lại có MC nói nhiều đâm ra “nhịu”, lúc mời bố mẹ chú rể, cô dâu mà vẫn quen miệng dùng từ “tân lang, tân giai nhân” khiến cho các bậc phụ huynh ngượng chín mặt. Còn rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt” như thế về các MC tiệc cưới, nhất là đám cưới ở các vùng quê. Xong phần nghi lễ, các MC “non tay” hay thả nổi đám cưới cho thanh niên thả sức nhảy nhót trong tiếng loa thùng được bật to hết cỡ, các chàng trai tự biên, tự diễn các động tác lắc đầu, vung vít tay chân, miệng gào thét những bài hát ca từ phản cảm, không phù hợp trong ngày đại hỷ như “tình phôi pha”, “con tim băng giá”, “đưa em về nhà chồng”, “ngày mai mình chia tay”… Ông Phạm Thanh Sơn, xã Minh Tân (Vụ Bản) trăn trở: Nhiều trò hoạt náo thái quá của MC khiến khách đến dự đám cưới hầu như không thể chia sẻ niềm vui với gia chủ bởi vừa ăn uống, chúc tụng vừa phải nghe hát hò, đàn sáo át hết cả lời muốn nói. Thành ra trong đám cưới ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống, gặp nhau lời chào cũng vội, vậy là đi ăn cỗ cưới cốt cho phải phép với gia chủ là chính. Ở làng tôi, không ít người cao tuổi vốn được trọng vọng mời tham dự nhưng các cụ đều từ chối chỉ tham gia vào lễ hỏi ít nhiều cũng có lý do ngại cách dẫn chương trình lố lăng. 
 
Đám cưới là sự kiện trọng đại của đời người và mỗi gia đình. Lựa chọn đúng người làm MC để dẫn dắt chương trình là rất quan trọng bởi họ sẽ đại diện cho tiếng nói, tình cảm của hai họ dành cho nhau, đôi khi là “đại sứ” văn hóa truyền tải những phong tục vùng miền khi đôi bạn trẻ không cùng chung lũy tre làng. Đối với người làm nghề này cũng cần phải trang bị cho mình phông văn hóa cần thiết để ứng xử phù hợp và khẳng định được vị thế của mình và công việc trong mỗi đám cưới. Các gia đình cần lựa chọn và trao đổi kỹ nội dung với MC để tránh những “chiêu” pha trò suồng sã, thiếu tôn trọng hội hôn. Không nên thuê MC theo trào lưu bởi đám cưới là sự kiện mang đậm giá trị văn hóa, sự yếu kém của MC sẽ tạo nên các “hạt sạn” thiếu văn hóa để lại dư âm không vui cho gia đình và khách mời./.
 
Bài và ảnh:  Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com