Nghĩa Trung phát triển phong trào sinh vật cảnh

09:10, 16/10/2015
Mặc dù diện tích trồng cây cảnh không được mở rộng nhưng những năm qua, phong trào sinh vật cảnh (SVC) xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) vẫn phát triển mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều gia đình nhờ trồng, trao đổi cây cảnh có thu nhập cao, cuộc sống khá giả.
 
Hiện nay, toàn xã có tới 70% hộ gia đình trồng cây cảnh, trong đó có khoảng 80 gia đình lấy việc trồng cây cảnh để phát triển kinh tế. Do nằm trong vùng quy hoạch an ninh lương thực của tỉnh, không được chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cây cảnh nên nhiều gia đình đã tận dụng vườn, bờ ao, bờ mương… để trồng. Tổng diện tích cây cảnh toàn xã chỉ có khoảng 2ha. Mặc dù diện tích đất trồng cây cảnh không được mở rộng nhưng từ năm 2009 đến nay toàn xã đã trồng mới được 700 cây lộc vừng, 10 nghìn cây sanh (chủ yếu sanh giống Nam Điền), 1.000 cây tùng La hán và tạo mới 8.000 cây sanh thế. Cả xã có khoảng 50 gia đình có vườn cây cảnh đẹp; tiêu biểu như gia đình các ông Đỗ Văn Chiến, Phạm Văn Lô, Trần Văn Thiện ở xóm 11; ông Nguyễn Văn Trụ ở xóm 8, Phạm Văn Nhận ở xóm 5… Đến với cây cảnh cách đây 7 năm, đến nay ông Đỗ Văn Chiến ở xóm 11 đã xây dựng cho mình một vườn cây cảnh rộng 1.000m 2 với trên 200 cây, trong đó chủ yếu là cây sanh. Các cây cảnh mọc hoang dã dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế của ông đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật, có hồn, có giá trị kinh tế. Tài năng của ông được giới buôn cây đánh giá cao nên gần như cây được ông tạo thế dáng xong là khách đã hỏi mua. Thời cao điểm khi cây cảnh đang “sốt”, ông có thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây khi thị trường cây cảnh chững lại, ông vẫn có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Do có tay nghề cao, ông được nhiều hộ gia đình trong và ngoài xã nhờ uốn tỉa cây cảnh với tiền công 350-400 nghìn đồng/ngày. Từ đầu năm 2015 đến nay, ông thu về 200 triệu đồng từ bán cây cảnh, trong đó bán một cây sanh dáng trực hoành giá 80 triệu đồng khi tham dự triển lãm SVC chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tại Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định). Phong trào làm giàu bằng cây cảnh cũng thu hút nhiều thanh niên trong xã làm theo. Mặc dù năm nay mới 36 tuổi nhưng anh Lương Văn Hưng ở xóm 8 đã được UBND huyện Nghĩa Hưng phong tặng danh hiệu “Tài năng SVC huyện”. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đến nay anh đã có vườn cây cảnh đẹp với gần 40 cây cảnh dáng trung và thế đại trị giá mỗi cây hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài trồng cây cảnh, anh còn làm tranh tường, đắp núi đá nghệ thuật. Nhờ làm SVC, mỗi năm anh thu về 100-150 triệu đồng, có điều kiện xây nhà mới khang trang, nuôi dạy con cái ăn học…
Các hội viên SVC xã Nghĩa Trung thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh.
Các hội viên SVC xã Nghĩa Trung thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh.
Ông Đỗ Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội SVC xã Nghĩa Trung cho biết: Thế mạnh của nghề cây cảnh ở xã là buôn bán, trao đổi SVC. Từ hàng chục năm trước, nhận thấy nhiều cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu mua cây cảnh để trang trí và nhu cầu bán cây cảnh của nhiều người, người dân trong xã đã mang cây cảnh đi khắp nơi để bán. Nguồn sản xuất trong xã không cung cấp đủ nhu cầu khách hàng, người dân trong xã sang các huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh…; thậm chí đến các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội… mua cây phôi về chỉnh sửa lại rồi đem bán. Nhiều gia đình đầu tư xe tải chở cây đi khắp mọi miền đất nước để bán cho khách hàng. Thời cao điểm, toàn xã có gần 30 xe tải có trọng tải 5-6 tấn chở cây. Nghệ nhân SVC Trần Văn Thiện ở xóm 11 là người thường xuyên đưa cây cảnh đi bán khắp mọi miền Tổ quốc. Ông cho biết, mỗi chuyến đi kéo dài 10-15 ngày, gồm 2 xe ô tô chở đầy cây được tuyển chọn từ 3 sào vườn với số lượng 200 cây cảnh trong nhà và các cây cảnh được ông mua lại từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Để tìm khách hàng, ông thường xuyên vào mạng internet tìm hiểu nhu cầu trồng cây cảnh của các cơ quan, doanh nghiệp, sau đó gửi ảnh cây để họ chọn. Khi 2 bên thống nhất cây cảnh, giá cả, ông cho xe chở đến. Cũng có chuyến, ông vừa chở cây vừa giới thiệu sản phẩm. Nhờ năng động trong buôn bán, thời cao điểm mỗi năm ông thu về 1 tỷ đồng, những năm gần đây có doanh thu từ 300-500 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2015 đến nay, ông bán 20 cây cảnh với doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ buôn bán cây cảnh, ông mua đất xây nhà cho các con và đầu tư mua xe tải để các con theo nghề… Nhiều gia đình nhờ trao đổi SVC có đời sống khấm khá như ông Phạm Văn Quyền có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm; các ông: Tống Văn Trang, Nguyễn Văn Nam ở xóm 11 có thu nhập 500-600 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Trụ ở xóm 8 thu nhập 800-900 triệu đồng/năm… Có gia đình chồng chở ô tô bán cây thế, vợ chở xe máy bán cây hàng lá như: cây hoa giấy, cây đại, cây sứ… đi bán khắp nơi. Từ năm 2009 đến nay, người dân trong xã đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 10 nghìn cây sanh, 5.000 cây lộc vừng và hàng chục vạn cây hoa lá như cây cau, cây kim phát tài, hoa giấy, tùng tuyết, hoa sứ...
 
Từ sự năng động của người dân, phong trào SVC xã Nghĩa Trung vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện cuộc sống, thực hiện tốt các tiêu chí về tăng thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên… trong xây dựng NTM./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com