"Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…"

08:10, 23/10/2015

“Vào quãng độ những năm 1980, khi đó tôi đang là thợ cày của HTX Trực Hùng, Trực Ninh, trong một lần đi cày vô tình “đụng” phải ngôi mộ vô chủ nằm dưới ruộng sâu. Xót xa, tôi tự hứa với mình, khi có điều kiện nhất định phải làm được cái việc quy tập những ngôi mộ vô chủ còn nằm rải rác khắp trong xóm, ngoài làng về nghĩa trang thờ cúng. Điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống mưu sinh vất vả khiến cho lời hứa của tôi phải lùi đến tận năm 2008 mới thực hiện được. Và cho đến nay, tôi đã quy tập được gần 1.700 ngôi mộ vô chủ về những nghĩa trang do gia đình mượn đất xây dựng. Tôi thấy “ấm lòng” vô cùng. Và, tôi sẽ còn làm việc này cho đến khi nào bàn chân yếu mệt”, ông Lâm Văn Tuyến, xóm 19, xã Trực Hùng chia sẻ về công việc thầm lặng mà một người quản trang như ông đang làm suốt 7 năm qua. Công việc của ông Tuyến làm chúng tôi nhớ đến câu thơ “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để mở đầu bài viết.

Anh dân cày và ước nguyện xây “Nghĩa trang mồ côi”
 
Cuộc đời của ông Lâm Văn Tuyến trải qua rất nhiều những nhọc nhằn, gian khó như bất cứ một người nông dân nào trên đất nước ta đã từng sống qua những thời điểm lịch sử quyết định của dân tộc: Từ trong chiến tranh đến khi hòa bình lập lại. Từ chế độ bao cấp cho đến khi đổi mới, mở cửa... Để lo toan cho cuộc sống gia đình, ông Tuyến làm đủ nghề kiếm sống. Từ một xã viên HTX, khi cơ chế mở ông bung ra làm thợ mộc rồi lại chuyển qua nghề đi buôn sợi. Ông đi khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, lặn lội vào tận Vinh… để buôn sợi, bao tải. Trong vai thương lái, ông vào tận các xưởng ở Hải Phòng học lỏm nghề làm sợi PE và bắt đầu về nhà mở xưởng kinh doanh. Năm 1992, khi đó, theo trí nhớ của ông Tuyến, Trực Hùng quê ông mới có điện. Điện về làng là ông mở xưởng sản xuất sợi ngay. Cũng vào thời điểm đó, khi nhiều người trong xã mới chỉ nghe thấy, làm quen với cái tên sợi PE thì ông Tuyến đã mở được xưởng sợi, mua nhựa về cán thành các loại sợi, dây phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đến năm 1993, từ xưởng sợi quy mô hộ gia đình, ông Tuyến nâng cấp thành phân xưởng sản xuất sợi PE, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Xưởng của ông sản xuất đủ các loại dây cày, dây bừa, dây kéo gỗ, giềng lưới, dây dùng cho các công trình xây dựng… Thị trường theo đó dần mở rộng không chỉ bó hẹp trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành phố lớn khác. “Đương nhiên, khi đó kinh tế của gia đình tôi cũng dần ổn định hơn. Tôi bắt đầu nghĩ đến lời hứa, tâm niệm trong lần cày ruộng khi xưa. Cũng bởi trước những năm 1954, xã tôi khi đó có một nghĩa trang khá lớn, là nơi chôn cất, yên nghỉ của nhiều người Trực Hùng và các xã lân cận. Rồi chiến tranh loạn lạc, những đợt di dân, tản cư… khiến nhiều gia đình bị thất lạc mồ mả, nhiều ngôi mộ trở thành “mồ vô chủ”. Nếu việc quy tập được thực hiện, sẽ có một địa chỉ cho cả những người sống và người chết tìm về”, ông Tuyến chia sẻ. Nghĩ là làm, một đêm mùa đông năm 2008, ông bàn bạc kỹ lưỡng kế hoạch với vợ và con trai cả trong nhà. Khi nghe ông Tuyến trình bày ý tưởng, bà Nguyễn Thị Dịu, vợ ông đồng ý ngay với lý lẽ đơn giản: “Ông ấy đã quyết tâm thì chúng tôi phải ủng hộ chứ. Hơn nữa, theo cảm nhận của tôi đây là một việc làm tốt, hướng thiện”. Vợ con đồng tâm, ông Tuyến phấn khởi vô cùng. Ông làm đơn trình bày lý do xin quy tập mộ vô chủ lên UBND, xin UBND xã Trực Hùng hỗ trợ cho gia đình ông mượn đất để xây nghĩa trang. Nhận thấy những việc làm của ông Tuyến có ích cho cộng đồng, xã Trực Hùng đồng ý ngay. Ban đầu ông xin xã 3 sào đất xây khu nghĩa trang “mồ côi” (theo lời ông Tuyến) ở thôn Tân Lý. Rồi ông lập đội thợ với khoảng 20 chục người “quần thảo” khắp các cánh đồng trong thôn tìm những ngôi mộ vô chủ mang về nghĩa trang chôn cất. Ông làm kỳ đài, làm mồ, chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết để “đón” những ngôi mộ bị thất lạc nhiều năm về nơi an nghỉ. Cứ như vậy, trong khoảng thời gian 2 năm 2008-2009, nghĩa trang mồ côi đầu tiên do gia đình ông Lâm Văn Tuyến xây dựng đã đón được trên 800 ngôi mộ. Năm 2010, ông Tuyến tiếp tục làm đơn đề nghị UBND xã Trực Hùng cấp tiếp 3 sào đất để gia đình ông xây nghĩa trang mới tại thôn Lác Phường. Và cũng trong 2 năm, 2010 đến 2012, gia đình ông Tuyến quy tập thêm được trên 800 ngôi mộ khác về chôn cất ở thôn Lác Phường. Hiện tại, gia đình ông đang hoàn tất việc xây dựng nghĩa trang thứ 3, dự định đón 600 ngôi mộ. Nghĩa trang này hiện đã tiếp nhận 30 ngôi mộ vô chủ. Chi phí để đưa được một ngôi mộ về những nghĩa trang mồ côi trên, ông Tuyến ước tính vào khoảng trên 1 triệu đồng/ngôi.    
Ông Lâm Văn Tuyến thường xuyên chăm sóc, quét dọn khu nghĩa trang mồ côi.
Ông Lâm Văn Tuyến thường xuyên chăm sóc, quét dọn khu nghĩa trang mồ côi.
“Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…”
 
Bây giờ mỗi ngày vợ chồng ông Tuyến ngoài việc chăm tỉa vườn cây cảnh trong nhà, chăm con gà, con ngan còn có thêm một phần việc nữa là vào các nghĩa trang để quét dọn, hương khói. Nhiều năm nay, ông Tuyến và vợ duy trì đều đặn công việc trên. Cũng bởi theo ông bà Tuyến Dịu, “họ” đã là người nhà nhà mình, mình phải có trách nhiệm trông nom, chăm sóc. Tháng 11 hằng năm, ông bà mời cha xứ đến để làm lễ cầu vong linh. Để có thể quy tập được những ngôi mộ vô chủ, ngoài tiền bạc, ông Tuyến còn bỏ rất nhiều tâm sức. Ông nhờ hệ thống loa truyền thanh của xã phát thông tin hoặc nhờ cha xứ thông báo việc làm của gia đình đến mọi người. Ai biết có mộ vô chủ thì gọi điện báo cho ông. Ngày quy tập mộ, ông bà Tuyến Dịu có mặt từ rất sớm, chính tự tay chu toàn hậu sự. Kỳ công hơn, ông Tuyến còn ngồi vẽ sơ đồ thiết kế cho từng nghĩa trang, tính toán cẩn thận chi tiết cách bố trí sao cho hợp lý từng dãy, từng khu mồ. Ông càng vui hơn khi có người xa lạ nào đó tìm đến thăm nghĩa trang vào những ngày lễ, tết. Ông bảo, “chắc đó là những người đi làm ăn xa, thất lạc mồ mả ông bà tổ tiên tìm đến. Và hẳn như vậy, sẽ có nhiều người ấm lòng”. Không chỉ xây nghĩa trang, quy tập mộ cô đơn, ông bà Tuyến Dịu còn là những cá nhân hoạt động từ thiện rất tích cực. Có những năm lũ lụt xảy ra liên miên ở nhiều tỉnh, thành phố của đất nước, ông bà mua hàng tấn gạo chở thẳng đến những vùng xa xôi ủng hộ đồng bào. Rồi ông bà quyên góp ủng hộ thêm cho các nạn nhân chất độc da cam đỡ thiệt thòi, góp tiền xây dựng đường sá. Hoặc lặn lội đi tìm mộ vô chủ, biết hoàn cảnh gia đình nào khó khăn, ông bà tặng thêm gạo, tiền… Nghĩa cử đó của gia đình ông Tuyến, bà con làng xóm, chính quyền địa phương đều ghi nhận. “Bởi chúng tôi đều sinh ra trong cảnh nghèo khó, đều trải qua những thời điểm cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Bố tôi mất sớm, nhà 7, 8 anh em, nghèo khó đến độ tưởng phải tha phương cầu thực kiếm cơm qua ngày, đến độ đã muốn dứt quê mà đi. Cho nên, nhìn thấy cảnh khổ mình cũng dễ thông cảm, động lòng. Khi đã có cuộc sống tốt hơn, nhất định mình phải san sẻ lại. Cho đi để cũng nhận lại được sự thanh thản, ấm áp của cuộc đời”, ông Tuyến thấm thía. Chính vì thế, ngày nắng, ngày mưa, ông Tuyến hầu như có mặt ở các nghĩa trang đầy đủ để lo lắng, chu toàn cho “những người thân của gia đình” ông. Và vì vậy, những khu nghĩa trang mồ côi của gia đình ông Lâm Văn Tuyến ngoài quy mô bề thế, có đài tưởng niệm chung, có bờ tường rào kiên cố chung quanh, có đường bê tông sạch sẽ dẫn đến từng ngôi mộ… còn có tình cảm, tình người nồng ấm.  
 
Gần 8 năm lăn lộn với công việc thầm lặng, đôi khi đối diện với những lời ác khẩu, cho rằng ông bà điên khùng thậm chí là trục lợi, ông Lâm Văn Tuyến, bà Nguyễn Thị Dịu bỏ qua hết mọi lời đám tiếu. Bỏ tiền tỷ để xây nghĩa trang, bỏ mồ hôi, công sức giúp cho những con người bất hạnh được yên nghỉ chung trong một mái nhà, chúng tôi càng thấm thía nghĩa cử cao đẹp ấy của ông bà. Tấm lòng ấy thật hiếm có giữa cuộc đời, sưởi ấm cả những bất hạnh không còn trên cuộc đời này và thức tỉnh những người còn đang sống. Người ta có thể nói nhiều về vợ chồng ông Tuyến, nào là đại gia bỏ tiền tỷ xây nghĩa trang, người đi gom hài cốt… nhưng với tôi, ông đơn giản là một người tốt, người có tâm, người thiện lương. Chỉ riêng điều đó thôi, đủ thấy gia đình ông “giàu có” đến cỡ nào. Chỉ riêng điều ấy thôi, đủ để người đời nể phục, trân quý./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com