Tiếng chổi tre... đêm hè

03:08, 21/08/2015

Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 1 trực thuộc Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định hiện có 103 công nhân vệ sinh. 103 con người, “quản lý” 12… điểm rác phía đông của thành phố, đảm bảo mỗi ngày trước 8h sáng thức dậy, người dân được đi lại trên những vỉa hè sạch sẽ, những lòng đường không bụi. Và sau 5h chiều, rác thải trong các hộ dân được thu gom chở về nơi quy định. Công việc của họ gợi cho tôi nhớ đến bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu: “Những đêm hè. Khi ve ve. Đã ngủ. Tôi lắng nghe. Trên đường Trần Phú. Tiếng chổi tre. Xao xác hàng me. Tiếng chổi tre. Đêm hè. Quét rác”... 

“Chị lao công như sắt như đồng…”
 
Ngã tư Mạc Thị Bưởi, 9h tối, dưới bóng đèn cao áp vàng quạnh quẽ chiếu xiên xiên những tán phượng vĩ, hàng me hầu như mùa nào cũng xanh mướt, chúng tôi vẫn bắt gặp bóng những công nhân vệ sinh môi trường thuộc Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 1 miệt mài làm việc. Lau vội những giọt mồ hôi giữa một tối chớm thu lành lạnh, chị Đoàn Hồng Minh, công nhân xí nghiệp cho biết: “Tôi gắn bó với nghề quét rác được 26 năm rồi. Từ năm 18 tuổi, bàn tay tôi đã quen với những chổi, xẻng, bàn chân cũng đã quá quen thuộc với những ngõ phố, tên đường, số nhà… Nghề quét rác rất vất vả, cực nhọc mà cũng dễ bị nhiễm độc. Tủi thân nhất là những ngày gió bão, tết nhất, chúng tôi không có nhiều thời gian để lo cho gia đình, chồng con do còn bận tăng ca”. Mỗi buổi sáng để kịp giờ làm, chị phải dậy từ lúc chưa đến 4h lo cơm nước, cháo lão cho chồng và các con. Ăn vội bát cơm nguội, chị lên xe đạp vội vã đến chỗ “tập kết”, không quên lủng lẳng trong giỏ vài ba chai nước đá vẫn còn băng để vừa làm vừa uống cho đỡ khát. Trời chớm thu, tang tảng sáng, mưa và nước sương rơi nhè nhẹ, đều đều lành lạnh. Quét được vài chục mét chị Minh dừng lại nghỉ đôi chút. Bàn tay chai sần của chị kéo ngang cái khăn bông đã sờn lau vội những giọt mồ hôi. Rồi lại cúi xuống quét chăm chú, những lát chổi khô khốc vang trên đường, cần mẫn, đều nhịp. Mùa đông cũng như hè, lưng áo chị lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. 26 năm nay, tiếng chổi của chị hầu như không vắng bóng ngày nào trên những tuyến phố rợp bóng cây xanh. 8h sáng, mưa ngớt, đường phố trở nên quang đãng, sạch sẽ, chị Minh kết thúc ca làm việc đầu tiên trong ngày để chiều hoặc đêm lại bắt đầu một ca làm việc mới. Vất vả là thế nhưng chị Minh bảo vô cùng yêu nghề. “Bởi đây là nghiệp “truyền thống” của gia đình tôi. Bố tôi trước kia cũng từng đảm nhiệm vị trí đội trưởng đội vệ sinh môi trường của xí nghiệp. Hiện, cả 3 chị em trong nhà đều gắn bó với nghề quét rác. Mặc dù công việc vất vả nhưng tôi cũng như những chị em khác, chưa bao giờ có ý định bỏ hoặc chuyển nghề bởi công việc này sẽ giữ cho thành phố mỗi ngày được xanh, sạch, đẹp”.
 
Nữ lao công Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 1 (Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định) trong ca làm việc.
Nữ lao công Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 1 (Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định) trong ca làm việc.
Mùa hè nóng nực, mùa đông giá buốt, những tiếng chổi tre của các chị em lao công chưa một ngày dừng nghỉ. Ngoài những cực nhọc, độc hại của nghề nhiều khi các chị còn phải đối mặt với những nguy hiểm. “4h45 phút, theo quy định là điện đường đã phải tắt. Lúc này chúng tôi khá lo lắng. Do đặc thù công việc đi sớm về muộn, chúng tôi gặp phải đủ hạng người trong xã hội. Nghiện ngập cũng có, “ngáo đá”, trộm cắp đều có cả. Chúng trêu ghẹo, hoặc xin “đểu”, hoặc đòi mượn xe của chúng tôi để chở đồ ăn cắp. Khi đó, chị em chỉ còn biết đánh kẻng báo động gọi nhau cùng hỗ trợ hoặc chạy vào đồn công an nơi gần nhất. Còn có những trường hợp đi thu rác trong dân bị chủ nhà trêu ghẹo, buông những lời lẽ khó nghe”, chị Minh nói về “mặt trái” của nghề quét rác.   
 
“Tiếng chổi tre… xao xác hàng me”
 
Chị Nguyễn Thị Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 1 cho chúng tôi biết: “Đa phần nhân viên của tôi là nữ. Họ ở các độ tuổi từ 22- 45, tức là vào quãng thời gian “đẹp”, sung sức nhất của đời người”, nói đến đây, tự dưng chị im lặng. Có lẽ, chị nghĩ đến cái công việc thầm lặng mà những cháu, những em, những chị đang làm… Với nhiệm vụ quét, thu gom rác đường, hè phố, dải phân cách, tuyến đê kè sông Đào, thu gom rác sinh hoạt tại các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng… thuộc khu vực phía đông thành phố, xí nghiệp chia các ca khác nhau cho mỗi công nhân. Đối với rác hè phố, công nhân sẽ làm vào các khung giờ: 4h30 đến 8h sáng; 8h30 đến 11h trưa; 1h30 đến 4h chiều. Ca làm tối được bắt đầu từ 6 đến 9h30 tối. Đối với rác sinh hoạt, công nhân xí nghiệp sẽ bắt đầu công việc từ 5h chiều - 9h30 tối. Các chị em trong xí nghiệp được chia thành nhiều tổ, các tổ có sự luân phiên nhau đảm nhận phần rác sinh hoạt và hè phố, phần vì để đảm bảo sức khỏe, nghỉ ngơi cho nhân viên, phần nữa để cân bằng thu nhập cho người lao động. Xí nghiệp căn cứ trên sản phẩm mà trả lương cho công nhân, thông thường khâu quét hè phố có thu nhập cao hơn. Tính bình quân, lương công nhân vệ sinh trong xí nghiệp khoảng 3,5 đến trên 4 triệu đồng/người/tháng. Một tháng, công nhân sẽ thay phiên nhau được nghỉ khoảng 5 hoặc 6 ngày. Xí nghiệp còn có đội chuyên đi “tua” chỉ làm vào ngày nghỉ để đỡ đần cho các chị em khác. Đội tua cũng chính là đội “thiện chiến” nhất của xí nghiệp, là những thợ bậc 4 trở lên, thông thạo địa hình, có kinh nghiệm, kỹ năng. Trong xí nghiệp, người ít cũng quãng 15 năm, nhiều thì quãng ngót 30 năm gắn bó với nghề. “Đời sống của các chị em công nhân vệ sinh môi trường trong xí nghiệp giờ đã được cải thiện đáng kể. Về chuyên môn, chúng tôi có mở những lớp tập huấn kỹ năng làm việc, phản ứng nhanh khi gặp tình huống xấu… Điều đáng vui mừng hơn cả, mặc dù thu nhập còn chưa cao song chị em rất yêu mến, gắn bó với nghề”. Chị Đông chia sẻ.
 
Tuy nhiên điều các chị băn khoăn hơn cả là ý thức của một bộ phận nhân dân. Nhiều người có ý thức nhai 1 cái kẹo cao su, uống 1 hộp sữa họ cũng tìm thùng rác để bỏ, nhưng cũng có nhiều người, ăn 1 quả quýt, uống xong ấm nước chè mang... đổ toẹt ra vỉa hè, lòng đường. Họ coi đó là nơi xả rác, không ảnh hưởng đến nhà mình. Nhiều khi công nhân mới quét dọn sạch bong từng con ngõ, góc phố, đẩy xe rác đi được vài bước, có người đã ném bịch rác sau lưng. Vì vậy mong muốn của các chị là “cần phải nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường hơn nữa cho người dân, phần để giảm bớt gánh nặng cho công việc của chúng tôi, phần để xây dựng nét văn hóa đẹp hơn”.
 
“Sáng mai ra. Gánh hàng hoa. Xuống chợ. Hoa Ngọc Hà. Trên đường rực nở. Hương bay xa. Thơm ngát. Đường ta. Nhớ nghe hoa. Người quét rác. Đêm qua. Nhớ em nghe. Tiếng chổi tre. Chị quét”… Tôi muốn kết bài vẫn bằng những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu. Để thấy rằng mỗi con đường ta qua, mỗi đoạn đường ta tới đều mang dấu ấn của những con người làm những công việc lặng thầm, hữu ích. Để ý thức, trân quý./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com