Nghị lực của một người khuyết tật

08:08, 07/08/2015

Gặp gỡ và trò chuyện với bà Đoàn Thị Phương, ở số nhà 354, phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) là một người khuyết tật làm kinh tế giỏi, chúng tôi cảm phục nghị lực vươn lên, tinh thần dám nghĩ, dám làm và tấm lòng nhân ái, luôn đồng cảm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Đoàn Thị Phương, số nhà 354, phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) hướng dẫn công nhân may rèm.
Bà Đoàn Thị Phương, số nhà 354, phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) hướng dẫn công nhân may rèm.

Ngay từ tuổi ấu thơ, bà Phương đã không được may mắn khi bị căn bệnh bại liệt. Không cam chịu số phận, bà chịu khó học hỏi, tìm công việc phù hợp với bản thân mình. Nhận thấy nghề thêu gối phát triển, bà đã đi học và làm nghề thêu gối để có thu nhập trang trải cuộc sống… Năm 1986, bà đã mạnh dạn mở cửa hàng thêu và tham gia vào HTX thêu Thăng Long (TP Nam Định), chuyên thêu hàng xuất khẩu. Năm 2005, nhu cầu sử dụng các loại rèm cửa, rèm trang trí lớn, bà đã chuyển sang nghề may rèm. Được sự hỗ trợ vốn của anh chị em, người thân trong gia đình, kết hợp vay thêm bạn bè được một khoản vốn đáng kể, bà đã mở cửa hàng chuyên may rèm cho các hộ gia đình, công sở, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Bà chia sẻ: Những ngày đầu, cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với người khuyết tật như tôi. Khó khăn lớn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp là vốn. Để mở được một xưởng may nhỏ tôi đã phải chạy vạy vất vả ngược xuôi lo tiền để mua máy móc, nguyên vật liệu, thuê nhân công… Ngoài ra tôi còn tự mày mò tạo được nhiều mẫu mã đẹp, bắt mắt, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng… Bên cạnh đó thì việc tìm thị trường tiêu thụ cũng vô cùng nan giải. Bà Phương nhớ lại những ngày đầu bước ra thương trường phải nhờ những người thân quen đi giới thiệu sản phẩm, chào bán khắp mọi nơi và cam kết chất lượng sản phẩm. Ngoài uy tín về chất lượng sản phẩm để giữ được mối khách hàng quen, bà thường xuyên tìm tòi những xu hướng rèm mới, thay đổi mẫu mã và từng loại sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Với những nỗ lực không ngừng, cửa hàng của bà đã có lượng khách quen ổn định ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trung bình một tháng, cửa hàng của bà có thể xuất bán được hàng trăm đơn hàng, có những tháng, đơn hàng đặt nhiều có thể lên tới hàng nghìn mét vải rèm. Có nguồn vốn, bà tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với diện tích lớn hơn và thu hút được nhiều lao động tại địa phương. Hiện tại, bà đã mở rộng thêm xưởng may rèm với diện tích rộng hàng trăm mét vuông với 20 máy may, 3 bàn cắt, tạo việc làm cho 25-30 lao động, chủ yếu là người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn với mức lương từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng… Bà Phương chia sẻ: bản thân tôi là một người khuyết tật nên hiểu rất rõ những khó khăn của người khuyết tật trong vấn đề tìm việc làm, vì vậy tôi luôn cố gắng giúp đỡ họ để họ có công việc ổn định, nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình ổn định cuộc sống… Điển hình như trường hợp của bà Trần Thị Nhung, sinh năm 1965 ở đường Nguyễn Du (TP Nam Định) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng mất sớm một mình nuôi hai con ăn học, bản thân thường xuyên ốm đau bệnh tật. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Nhung, bà Phương đã nhận vào làm việc từ năm 2006 đến nay, tạo điều kiện cho bà Nhung có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình… Không dừng lại ở đó, năm 2014, bà Phương còn đứng ra thành lập HTX thương binh và người khuyết tật Minh Phương, địa chỉ tin cậy của người khuyết tật.

Không chỉ là một người khuyết tật năng động trong phát triển kinh tế, bà còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Với những nỗ lực vươn lên bà đã vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao cúp Bông hồng vàng - một danh hiệu vinh danh những phụ nữ xuất sắc có nhiều đóng góp cho xã hội./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com