“Một người sau khi chết, hiến giác mạc có thể đem lại nguồn sáng cho 2 người khác. Một cơ thể được hiến, giúp cho những bác sĩ tương lai có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành trên “những cơ thể sống” nhằm tìm ra các phương pháp chữa bệnh cứu người hiệu quả. Sau khi tìm hiểu rất kỹ việc hiến xác, chồng tôi quyết định viết đơn hiến xác mình phục vụ công tác nghiên cứu y khoa. Ông ấy muốn biến sự trở về với cát bụi của mình thành một việc làm có ích cho cộng đồng” - bà Nguyễn Thị Ngọ, vợ ông Phạm Ngọc Bội (SN 1941), ở xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) lặng lẽ gạt nước mắt tâm sự với chúng tôi.
Về xã Nghĩa Thái, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ. Ngôi nhà yên bình, xanh mát, sạch sẽ với những hàng cây, vườn tược bao quanh. Mở đầu câu chuyện, bà Ngọ kể về những điều bà đã được chồng… đọc trên báo cho nghe. Nào là, thực tế hiện nay cho thấy, việc hiến tặng mô, tạng, xác gặp rất nhiều khó khăn do những rào cản, quan niệm về tâm linh. Vì vậy, nhiều người mắc những căn bệnh nan y khó có khả năng điều trị, sinh viên học trong các trường y phải học “chay” trong các bài giảng. Nào là, những ý nghĩa khoa học thực tế và nhân văn của việc hiến xác… “Tôi được nghe câu chuyện đó rất nhiều lần đến nỗi có thể thuộc lòng anh ạ” - bà Ngọ thân tình nói. Kể về người chồng của mình, bà Ngọ không giấu được sự xúc động: “Chúng tôi đến với nhau cùng xây dựng gia đình ở vào thời kỳ đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, bom rơi đạn lạc. Những ngày gian khó đó, 2 vợ chồng thay nhau “nhặt cỏ bới đất” duy trì cuộc sống. Rồi các con ra đời, hoàn cảnh kinh tế gia đình ngày càng khó khăn hơn. Tuy vậy, vợ chồng tôi con nhà nông nên quen vất vả, nhọc nhằn từ bé. Lần hồi mãi rồi cũng nuôi được con cái học hành, thành người”, nói đến đây bà Ngọ nghèn nghẹn. Hồi ức của người vợ đưa bà Ngọ tiếp tục dòng suy tưởng về ông Bội: “Vốn là một nông dân chân chất nên chồng tôi rất siêng năng, chăm chỉ. Làng trên xóm dưới ai cũng thấy như vậy. Ngày mưa, ngày nắng trong suốt mấy chục năm sống với nhau tôi chưa bao giờ thấy ông ấy ngưng nghỉ, chịu ngồi yên trong nhà. Hết lo cấy hái, cày bừa ngoài đồng, lại chăm sóc mảnh vườn, con lợn, con gà. Khi rảnh rỗi thì kiếm gốc tre ngồi đan rổ rá, nơm, lưới, đánh bắt cá. Chăm chỉ, hay lam hay làm, ông nhà tôi luôn nói với con cháu phải giữ tình yêu với lao động, công việc. Có lao động con người mới mạnh khỏe, minh mẫn. Không chỉ dạy con cái phải siêng năng, cần cù, ông còn bảo ban các cháu sống tốt, sống đúng, thuận hòa, biết kính trên nhường dưới. Vì thế, không khí trong nhà rất yên ấm, cả đời ông ấy không làm mất lòng ai bao giờ”.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọ (vợ ông Phạm Ngọc Bội) xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) với tấm bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của ông và gia đình, do Bệnh viện Mắt Trung ương tặng. |
Dù bản thân chỉ là một lão nông tri điền nhưng ông Bội có tư tưởng rất… hiện đại. Lúc còn sống, đã có khá nhiều lần ông Bội chia sẻ với bà Ngọ về ý định hiến tặng các bộ phận cơ thể cho y học sau khi chết. Bà Ngọ chia sẻ về “cơ duyên” đưa ông đến quyết định trên: Trong một lần vào bệnh viện thăm người nhà ốm và khám sức khỏe tại Hà Nội, ông nhà tôi có dịp chứng kiến nhiều hoàn cảnh, cuộc đời khó khăn. Ông còn tận mắt thấy, cảm nhận những cuộc chiến đấu dai dẳng, đau đớn của người bệnh với trọng bệnh. Ông nhớ mãi hình ảnh của một vài bệnh nhân trẻ mắc các căn bệnh hiểm nghèo cần đến sự trợ giúp của những người hiến các bộ phận cơ thể. Sau lần đó, tôi thấy ông ấy về nhà suốt ngày tìm đọc sách báo, tìm hiểu các thông tin về việc hiến xác cho y học. Ông Bội tìm hiểu và biết được rằng nếu được hiến tặng xác cho y học thì giác mạc của ông sẽ cứu được 2 người mù tìm thấy ánh sáng, các sinh viên y khoa sẽ có cơ hội học tập, nghiên cứu. Sau khi tìm hiểu kỹ về việc hiến xác, ông Bội về nhà bàn với vợ, con là nếu ông qua đời sẽ hiến xác cho y học. Ban đầu, ý định của ông Bội không nhận được sự đồng tình của các thành viên trong gia đình, vì những lý lẽ: những việc ông định làm thì từ trước tới nay làng trên xóm dưới chưa có ai làm; phong tục tập quán xưa nay trong thôn xóm chưa có ai hiến xác cho y học; quan điểm của nhiều người khi nói về những cái chết như thế vẫn là “chết không toàn thây”, “chết mà không về với đất, không về với tổ tiên”… sẽ có thể làm cho gia đình bị xáo trộn. Đứng trước những “luồng” ý kiến phản đối dữ dội của người thân, hàng xóm láng giềng, ông Bội chỉ nói rất đơn giản: “chết là hết, rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi mà thôi, mình nên làm điều gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng”. Và ông Bội cũng đã thuyết phục được những người thân trong gia đình đồng ý ký vào đơn đăng ký hiến xác cho y học của mình cũng bằng chính những lý lẽ giản đơn ấy. “Khi mới nghe về ý định của ông ấy, bản thân tôi cũng không đồng ý. Thế là ông ấy giận dỗi không nói gì. Một thời gian sau, tôi lại thấy ông ấy “nhẩn nha” lúc này lúc nọ nói hoặc đọc cho tôi những mẩu báo, câu chuyện về những hoạt động từ thiện, nhân đạo có ý nghĩa của cộng đồng. Ông ấy đặc biệt khâm phục những việc làm của những người hiến xác cho y học. “Mưa dầm thấm lâu”! Chính tôi cũng đã hiểu ra việc làm tốt đẹp đó. Cuối cùng, lại cũng chính tôi cùng ông ấy vận động các con đồng ý ký vào đơn để ông ấy được toại nguyện mong muốn cuối đời lớn nhất là hiến xác cho y học”, bà Ngọ chia sẻ. Lá đơn hiến xác của ông Bội vì thế có đầy đủ chữ ký của vợ, 4 người con trai và 1 người con gái nuôi. Sau khi ông Bội mất, đôi mắt của ông đã được hiến cho Bệnh viện Mắt Trung ương, cơ thể ông được hiến cho Học viện Quân y. Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận ông Phạm Ngọc Bội đã có nghĩa cử cao đẹp “Hiến giác mạc cho sự nghiệp khoa học y học”, Học viện Quân y ghi nhận ông Phạm Ngọc Bội đã có nghĩa cử cao đẹp “Hiến xác cho sự nghiệp khoa học y học”.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Chỉ là một nông dân bình dị, ông Phạm Ngọc Bội đã làm được việc xưa nay ít người dám làm. Vượt qua những sức ép của tâm linh, hành động của ông Bội và gia đình vì thế rất đáng trân trọng, noi gương. Đây là món quà vô cùng quý giá, có ý nghĩa đặc biệt của cá nhân ông Bội và gia đình dành tặng cho những điều tốt đẹp, nhân văn. Hy vọng, trong xã hội sẽ ngày càng có nhiều những tấm gương như ông Phạm Ngọc Bội, biết “cho và nhận” để nhân lên những điều tốt đẹp, hữu ích trong cuộc đời./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh