Cảnh báo tình trạng lạm dụng đốt vàng mã

09:08, 28/08/2015
Từ xưa, tục đốt vàng mã là một nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong tục này đã bị lạm dụng, nhất là trong dịp lễ Vu Lan diễn ra vào tháng 7 âm lịch hằng năm. Việc đốt vàng mã tràn lan trong các gia đình đến các di tích lịch sử - văn hóa đã khiến phong tục này rời xa ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
 
Cảnh “hoá” vàng mã tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Cảnh “hoá” vàng mã tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Ngay đầu tháng 7 âm lịch, ở nhiều chợ và khu dân cư trong tỉnh, người dân đã nhộn nhịp đi mua sắm vàng mã phục vụ cho ngày lễ Vu Lan. Tại phố Minh Khai (TP Nam Định), nhiều gia đình làm hương, vàng mã truyền thống đã bày bán khá nhiều loại sản phẩm; từ mặt hàng đơn giản như tiền, vàng, các loại quần áo, giầy, mũ đến những vật dụng “hiện đại” như điện thoại iPhone, iPad, nhà lầu, lò vi sóng, xe hơi, xe môtô, đồ dùng gia dụng. Giá các loại hàng mã rất đa dạng: quần áo đại trà khoảng 15-30 nghìn đồng/1 tập 50 bộ, 100 nghìn đồng/5 bộ bao gồm đầy đủ quần áo, mũ nón, giầy dép. Các loại quần áo khác như comple, áo dài… khoảng 20 nghìn đến 50 nghìn đồng/bộ tùy loại thiết kế và chất liệu giấy. Nếu là những bộ có thiết kế đặc biệt tinh xảo giống hàng thật sẽ có giá từ 100 nghìn đồng/bộ trở lên. Theo các chủ hàng, năm nay, ngoài các đồ hàng mã truyền thống, số lượng khách hàng tìm mua các sản phẩm hàng mã hiện đại như: điện thoại di động, nhà lầu… đều tăng đáng kể. Các loại ô tô đua cũng được nhiều người mua lựa chọn với mức giá thấp nhất 50 nghìn đồng/chiếc. Chủ một cửa hàng bán vàng mã ở phố Minh Khai cho biết: Hiện nay, để bắt kịp xu thế hiện đại, các chủng loại hàng mã sản xuất được bày bán đều đảm bảo tính thẩm mỹ, giống hàng thật nên được khách mua hàng ưa chuộng. Nhờ đổi mới mẫu mã, số lượng hàng mã bán ra năm sau thường cao hơn năm trước. Ở nông thôn không khí mua sắm các vật dụng chuẩn bị cho Rằm tháng 7 cũng sôi động không kém. Tại chợ Sét, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) nhiều đại lý bán hàng tạp hóa cũng tranh thủ nhập các loại hàng mã đang “hot” trên thị trường để bày bán. Gia đình ông Quang, xã Mỹ Hà có nhiều năm làm nghề sản xuất hàng mã cho biết: Kinh tế càng ngày càng phát triển, nhiều người đã có điều kiện thể hiện tấm lòng của mình với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ. Cách họ thể hiện là việc “sắm sửa” hàng mã để hóa cho những người đã khuất. “Có cầu ắt có cung!”, nhiều cơ sở sản xuất vàng mã chuyển sang làm nhà lầu, ô tô, xe máy để tiêu thụ trong dịp này… Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã đang vượt ra khỏi giới hạn của tín ngưỡng, biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Một số thầy cúng đã cấu kết với những cơ sở làm hàng mã để lợi dụng lòng tin của tín chủ mà phán phải mua nhiều voi, ngựa, hình nhân thế mạng, tiền vàng cho các vị thần linh và người đã khuất… Nhiều gia đình bỏ ra tiền triệu để sắm các sản phẩm hàng mã để đốt cho người ở thế giới bên kia. Cô Yến, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) cho biết: Sau khi nghe thầy cúng phán cha mẹ cô dưới cõi âm đang đói khát, cô đã mua một mâm vàng mã trị giá 3 triệu đồng nhờ thầy về nhà làm lễ rồi hóa cho các cụ. Bác Lan, ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) sắm những chiếc xe ô tô làm từ giấy để chuẩn bị lễ cúng cho người chồng quá cố. Bác cho biết: Tâm nguyện của chồng bác khi còn sống là sắm được một chiếc ô tô nên sau khi chồng qua đời, mỗi năm, bác chi khoảng 2 triệu đồng để mua vàng mã, đốt ô tô giấy với hy vọng người cõi âm sẽ nhận được… Một số gia đình chẳng những đốt điện thoại, đô la, tiền âm phủ làm từ giấy, còn tìm mua thẻ sim, cây ATM hàng mã để hóa vì tin rằng “người âm” cũng cần rút, gửi tiền. Đốt vàng mã cũng đang trở thành vấn nạn ở một số di tích lịch sử - văn hóa. Tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, những ngày đầu tháng 7 âm lịch đã có hàng nghìn sản phẩm hàng mã được người dân cúng bái và đem hóa. Cảnh tượng trước sân đền được bày la liệt voi, ngựa, thuyền rồng, hình nhân thế mạng, áo bào… đã trở nên quen thuộc. Thậm chí, nơi đây còn có đội ngũ chuyên hóa đồ vàng mã làm việc tất bật phục vụ khách thập phương. Đốt vàng mã, ngoài việc tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ còn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như ô nhiễm khói bụi hoặc có thể gây ra hoả hoạn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát PCCC, Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta xảy ra 4 vụ cháy liên quan đến việc chập điện bàn thờ, thắp hương, đốt nến, vàng mã. Đầu năm 2014, vụ cháy tại gia đình ông N ở đường Song Hào (TP Nam Định) do chập điện đèn thờ gây thiệt hại cho chủ nhà 8,5 triệu đồng. Tiếp đó, 3 vụ cháy xảy ra ở các gia đình: ông Vũ Văn T ở đường Nguyễn Văn Trỗi (TP Nam Định); ông Bùi Ngọc M, xã Hải Triều (Hải Hậu)… đều xuất phát từ nguyên nhân chủ nhà sơ suất trong thắp hương, nến thờ cúng sau đó lửa bén vào các thếp vàng mã bày trên bàn thờ gây hỏa hoạn. Trung tá Đỗ Quang Thái, Đội phó đội tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC, Cứu nạn cứu hộ cho biết: Tình trạng chập điện bàn thờ, thắp nến thờ cạnh vàng mã là một trong những nguồn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn cao. Ngoài ra, tại các gia đình khi đốt vàng mã trên tầng thượng hoặc ban công không có vật dụng đựng chuyên dụng và che chắn, lửa có thể bén vào những vật dụng dễ cháy trong nhà hoặc các hộ xung quanh gây hỏa hoạn. Đặc biệt, ở một số di tích lịch sử - văn hóa, do có nhiều chất liệu dễ bắt lửa như nến thờ, gỗ…; chỉ cần một sơ suất nhỏ khi hóa vàng mã không đúng nơi quy định sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Đại Đức Thích Thanh Phúc, Phó Trụ trì chùa Vọng Cung (TP Nam Định) cho biết: Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại. Lễ Vu Lan là dịp để mọi người nhìn lại chính mình, nhìn lại những việc đã làm để báo hiếu trước công đức sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà. Thay vì chuẩn bị những đồ vàng mã đắt tiền để hóa trong dịp lễ Vu Lan, mọi người nên có những hành động thực tế chăm sóc tới sức khỏe của cha mẹ. Với những ai không còn cha mẹ trên đời nên dành thời gian làm việc thiện, giúp người nghèo trong xã hội. 
 
Hiện tượng đốt vàng mã tràn lan, gây lãng phí hiện nay là sự biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Để thực hiện tín ngưỡng, tâm linh có khoa học và ý nghĩa, mỗi người nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ, trong đó có tục đốt vàng mã. Hạn chế đốt vàng mã, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp mang ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống hàng ngày./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com