Nhân lên hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế

06:07, 18/07/2015

Mới đây, Sở Y tế đã tổ chức Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh giỏi, thanh lịch ngành Y tế năm 2015. Tại hội thi, 42 thí sinh đã “tỏa sáng” bằng tinh thần tận tụy, niềm lạc quan và tâm huyết với nghề. Đây là những thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn từ hội thi cấp cơ sở. Trải qua các phần thi: lý thuyết, thực hành chuyên môn, ứng xử, các thí sinh đã thể hiện được những cố gắng, nỗ lực về chuyên môn đến những sở thích riêng tư, những mong muốn đời thường, những suy nghĩ về nghề, về công việc mà họ đang gắn bó… Phần thi được mong chờ nhất là thi ứng xử với rất nhiều câu hỏi được đặt ra, là những bài học chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên, chế độ thường trực cấp cứu, vai trò, trách nhiệm của điều dưỡng, hộ sinh trong việc đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh, ứng xử các tình huống xảy ra trong quá trình làm việc… Những gương mặt, những đôi tay hằng ngày chỉ quen chăm sóc người bệnh nay ngượng ngùng, lúng túng trước đông người, nhưng vẫn nhận thấy một cảm xúc rất chân thực và đồng điệu trong họ là tình yêu nghề… Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 5 giải khuyến khích cho những thí sinh xuất sắc. Thông qua hội thi, các điều dưỡng viên, hộ sinh của các đơn vị có cơ hội giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thuần thục các kỹ thuật chăm sóc người bệnh, kỹ năng giao tiếp ứng xử để khi trở về đơn vị tiếp tục là những “hạt nhân” tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hội thi cũng là một biện pháp tuyên truyền văn hóa giao tiếp ứng xử tại các bệnh viện, góp phần đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Các thí sinh thi phần thực hành tại Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh giỏi, thanh lịch ngành Y tế năm 2015.
Các thí sinh thi phần thực hành tại Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh giỏi, thanh lịch ngành Y tế năm 2015.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 điều dưỡng, hộ sinh đang công tác trong các đơn vị y tế từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Họ là những người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, chăm sóc, động viên cả thể chất và tinh thần, phòng, chống nhiễm khuẩn, đảm bảo môi trường an toàn khi nằm viện cho người bệnh. Họ cũng là người chia sẻ nỗi đau của người bệnh, giúp đỡ, động viên người bệnh yên tâm điều trị để sớm phục hồi sức khỏe. Cùng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh, những bác sĩ có nhiệm vụ theo dõi điều trị, còn điều dưỡng đóng vai trò chăm sóc, dinh dưỡng và bệnh lý cho bệnh nhân. Do vậy, ngoài chuyên môn giỏi, ứng xử, giao tiếp của điều dưỡng trong bệnh viện là yếu tố quan trọng, góp phần làm cho người bệnh yên tâm, hợp tác điều trị và trong nhiều trường hợp, còn quyết định sự thành công trong việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Giao tiếp với bệnh nhân trong bệnh viện cũng là một trong những nội dung chuyên môn quan trọng trong quá trình chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, thực tế ở các bệnh viện hiện nay, nhiều điều dưỡng vẫn đang làm việc thụ động, chỉ biết làm theo y lệnh của bác sĩ với các công việc lặp đi lặp lại nhàm chán: tiêm chích, truyền dịch, thay băng, rửa vết thương, ghi chép… Công việc này chiếm hết 2/3 thời gian trong ngày của điều dưỡng nên hiếm khi thấy điều dưỡng dành thời gian đi thăm hỏi, động viên tinh thần và tư vấn hướng dẫn điều trị cho người bệnh. Do không có thời gian trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân, nên điều dưỡng không hiểu được mức độ lo âu liên quan đến thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Trong khi đó, khi vào bệnh viện, bệnh nhân không những cần được điều trị về bệnh lý mà còn cần được chăm sóc về mặt tinh thần, vật chất, ăn uống, thuốc men, phải hiểu bệnh nhân mới chăm sóc được bệnh nhân tốt. Điều dưỡng còn phải dành thời gian tư vấn tâm lý để bệnh nhân không bị sốc và lo lắng. Ngoài ra khi bệnh nhân vào viện, người đầu tiên bệnh nhân tiếp xúc là điều dưỡng, do đó điều dưỡng phải có trách nhiệm hướng dẫn làm thủ tục giấy tờ, làm xét nghiệm… Thực tế, không ít người dân khi đi khám bệnh đã phàn nàn về cán bộ y tế, mà chủ yếu là đội ngũ điều dưỡng có hành động, thái độ cư xử chưa đúng mực như thờ ơ, vô cảm, thiếu công bằng, dặn dò chưa chu đáo, thậm chí vẫn còn một bộ phận lợi dụng nghề nghiệp, vị trí công việc gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Với mục đích nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ người bệnh, cùng với việc chỉ đạo triển khai toàn diện quy tắc ứng xử trong toàn ngành, Sở Y tế đẩy mạnh việc thực hiện Thông tư 07 ngày 26-1-2011 của Bộ Y tế về Hướng dẫn công tác Điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện có số lượng đông cán bộ điều dưỡng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh… Nhiều năm qua, Sở Y tế và các bệnh viện đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm không ngừng đào tạo, bồi dưỡng các điều dưỡng thành người cán bộ y tế có năng lực chuyên môn và giao tiếp ứng xử tốt. Hằng năm, các bệnh viện đều tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc cơ bản và chăm sóc chuyên khoa, thi kiểm tra kiến thức và tay nghề, các lớp đào tạo về quản lý điều dưỡng. Qua các lớp đào tạo trình độ quản lý của các điều dưỡng trưởng được nâng lên. Hưởng ứng các hoạt động đào tạo, triển khai, ký kết thực hiện về giao tiếp và văn hoá nghề nghiệp theo hướng dẫn của Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam, các bệnh viện đã hưởng ứng tích cực, làm thay đổi cách giao tiếp, ứng xử của điều dưỡng, giúp điều dưỡng cởi mở và gần gũi hơn với người bệnh. Nhiều bệnh viện đã triển khai kịp thời nội dung về giao tiếp và văn hoá nghề nghiệp tới toàn thể cán bộ, viên chức như Bệnh viện Đa khoa các huyện: Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Giao Thuỷ, Bệnh viện Phụ sản tỉnh còn tham gia vào dự án của Hội Điều dưỡng Việt Nam với nội dung nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Sở Y tế đã chỉ đạo Hội Điều dưỡng các cấp và các đơn vị y tế trong ngành tích cực triển khai thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên với các nội dung: Phổ biến và công khai chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên để mọi người hành nghề, người bệnh biết và giám sát; triển khai cho điều dưỡng viên và các đối tượng liên quan học tập, tìm hiểu và nghiên cứu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam… Thời gian tới Sở Y tế, Hội Điều dưỡng tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, áp dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến trong chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Đẩy mạnh thực hiện Thông tư số 07/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp, về giao tiếp ứng xử do Bộ Y tế và Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành. Các đơn vị y tế, đặc biệt là các bệnh viện khuyến khích, tạo điều kiện để điều dưỡng đi học nâng cao trình độ, hỗ trợ kiến thức, tài liệu cho điều dưỡng về chăm sóc và giáo dục sức khoẻ cho người bệnh.

Với các hoạt động trên, các bệnh viện và những người làm công tác điều dưỡng trong tỉnh đang từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại để làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com