"Bàn tay ta làm nên tất cả"

09:07, 24/07/2015

Ông Nguyễn Lương Thông, xóm Văn Tiên, Yên Tiến (Ý Yên) nguyên là lính thông tin từng tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Đã từng 3 lần bị bom vùi lấp, chiến tranh khốc liệt không khuất phục được khát vọng sống của người lính. Năm 1976, ông Thông xuất ngũ, “bén duyên” với nghề tái chế cao su từ khoảng năm 1994. Thế rồi, từ bàn tay khối óc của ông, những vỏ săm, lốp ô tô cũ kỹ được “đổi đời”, tái chế thành các mặt hàng xuất khẩu sang tận trời Âu, Mỹ… xa xôi.

Giấc mơ châu Âu của ông lão khâu dép cao su

Năm 1994, khi còn lang thang trên Hà Nội cùng với cậu em út trong nhà hành nghề khâu vá, đóng mới giày dép thì “cơ duyên” đến với ông Thông. Một người khách lạ tự giới thiệu thuộc Cty Thương mại Cánh đồng xanh, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tìm đến, đưa các mẫu sản phẩm như giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại… đặt ông làm thử. Ông Thông mừng quýnh, động viên hai con trai ngày đêm nghiên cứu làm. Bởi, cái nghèo cái đói đeo đẳng gia đình ông từ những ngày đầu rời chiến trường về quê. Ông đã từng xoay xở đủ kiểu: Nuôi vịt, gà, làm thợ trang trí nội thất, sơn mài, khâu vá giày, dép, thậm chí đi bán kem mút… để kiếm đồng rau, cháo, giờ tự dưng có người tìm đến cho cơm, tôi không mừng sao được. Bố con tôi xác định, được ăn cả, ngã về không, vì thế ngày đêm chúng tôi nghĩ cách làm sao cho sản phẩm tốt nhất”, ông Thông chia sẻ về ngày đầu bắt tay với… cao su. Vốn quen với cao su từ thời khâu, vá đóng giày dép, ông Thông có những hiểu biết nhất định về cao su. Hơn nữa, “hoa tay” khéo léo của ông thì nhiều người trong làng phải thừa nhận từ lâu. Tái chế cao su là cách gọi “khoa trương”, chính xác là có thể làm được các sản phẩm mà người ta đặt, gia đình ông Thông phải trải qua quá trình nghiên cứu sản phẩm rất công phu. Trước hết là phải biết “bóc tách” cao su. Mua những lốp cao su cũ về làm nguyên liệu, ông Thông căn cứ vào mẫu sản phẩm để bóc cao su thành các mành, lớp khác nhau. Công đoạn này, theo ông Thông là khó nhất trong quá trình tái chế. Bóc cao su xong, ông lại cặm cụi đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo “áo mới” cho sản phẩm. Xong đâu đấy ông Thông phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau. Làm xong mẻ hàng đầu tiên, bố con ông Thông hồi hộp chờ phản hồi từ khách hàng. Tin vui đến với ông Thông, Cty Thương mại Cánh đồng xanh nhận lô hàng của ông đã mang đi hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm tham quan và nhiều vị khách từ châu Âu rất yêu thích sản phẩm này, từ đó bố con ông Thông có mối hàng thường xuyên. Kể từ lần sản phẩm cao su tái chế của bố con ông tham gia Hội chợ quốc tế đến nay, ông Thông cũng đã có ngót 20 năm làm nghề. Những lúc rảnh rỗi, không cần mẫu hàng gửi về, ông Thông nghiên cứu thêm các sản phẩm mới phù hợp, sao cho bắt mắt. Ông còn tạo ra những sản phẩm không chỉ là các khối cao su nguyên khối như cốc, chén mà còn tước cao su thành sợi để đan thành các giỏ xách đẹp mắt. Với ưu điểm vượt trội là độ bền cao, ít bị tác động của thời tiết, thân thiện với môi trường nên các sản phẩm tái chế từ cao su của gia đình ông Thông rất được ưa chuộng. Mỗi năm với khoảng 10 vạn sản phẩm xuất xưởng, đi khắp trời Âu, trời Mỹ, ông Thông nhiều khi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Giấc mơ của người lính già dám nghĩ dám làm.

Ông Nguyễn Lương Thông, xóm Văn Tiên, xã Yên Tiến (Ý Yên) với các sản phẩm cao su tái chế của gia đình.
Ông Nguyễn Lương Thông, xóm Văn Tiên, xã Yên Tiến (Ý Yên) với các sản phẩm cao su tái chế của gia đình.

Gia tài của bố

Ông Thông có 2 “đệ tử” ruột theo nghề cũng là 2 người con trai. 2 con trai của ông đều gắn bó với nghiệp tái chế cao su, cùng ông gây dựng sự nghiệp. Từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, dưới bàn tay của bố con ông, nhà xưởng được mở rộng.

Ban đầu xưởng chỉ khoảng hơn 100m2, vài người làm. Sau dần tăng lên vài trăm mét, mấy chục lao động làm công... Và bây giờ, các Cty TNHH một thành viên Ngọc Tú, Cty TNHH một thành viên Cường An rộng hàng nghìn m2, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong và ngoài xã. Chưa kể, gia đình ông Thông còn mở thêm các cơ sở vệ tinh khoán sản phẩm cho hàng trăm hộ gia đình trong và ngoài xã nhận nguyên liệu về làm. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông xuất sang thị trường các nước khoảng 10 nghìn sản phẩm. Thời gian gần đây, con số này đã lên tới 15-20 nghìn sản phẩm/tháng, doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng/năm.

Mặc dù là người đầu tiên mang nghề tái chế cao su từ lốp xe cũ về địa phương, có cơ ngơi nhà xưởng rộng rãi, thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhưng ông Thông vẫn giữ thói quen sinh hoạt rất bình dị. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài ngồi khâu những xô, chậu, giỏ. “Tính tôi rất ham việc, ngồi không tôi không chịu được. Giờ tôi đã có tuổi cộng thêm những vết thương của chiến tranh nên sức khỏe không tốt. Tôi lui về “hậu trường”, hỗ trợ các con kỹ thuật là chủ yếu”, ông Thông chia sẻ. Tâm huyết với nghề tái chế cao su, ông Thông cho biết, khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề nguồn nguyên liệu nhỏ lẻ, không ổn định, chủ yếu thu mua ở các Cty vận tải, cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy. Với giá mua nguyên liệu dao động từ 3.500-4.500 đồng/kg lốp thường và 10 nghìn đồng/kg lốp đặc chủng, để tạo ra 20 nghìn sản phẩm/tháng, gia đình ông Thông phải xử lý hàng chục nghìn chiếc lốp ô tô phế thải. Quá trình nghiên cứu tài liệu, thực tế sản xuất, ông Thông nhận thấy, tái chế cao su phế thải tạo ra những sản phẩm mới có ích, tận dụng được nguồn nguyên liệu bỏ đi, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, ông Thông quyết tâm theo đuổi hướng đi này. Từ những tấm cao su tưởng như bỏ đi, khéo léo với bàn tay và khối óc của người lính già đã trở thành sản phẩm hữu ích phục vụ sinh hoạt, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài tái chế cao su, những năm gần đây, gia đình ông Thông còn kết hợp làm thêm các sản phẩm mây tre đan, thế mạnh của địa phương xuất đi nước ngoài. Nói về những kế hoạch, dự định trong thời gian tới, ông Thông cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng, độc đáo đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, hướng đến thị trường châu Á, trong đó đặc biệt là mở rộng thêm thị trường tiềm năng Nhật Bản.

Vượt qua cái duyên ban đầu, nghề tái chế cao su đã mang lại cho gia đình ông Thông cuộc sống sung túc hiện tại. Say nghề, bố con ông Thông đã được “lại quả” xứng đáng. Sản phẩm của những nông dân quen với đồng đất, lũy tre đã vượt ra khỏi phạm vi làng, xã đến với những chân trời xa xôi./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com