Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Tết Đoan Dương, Tết Giết sâu bọ, Tết mùng 5… Đây được coi là cái tết sum vầy thứ 2 trong năm để con cháu nhớ về tổ tiên, cội nguồn và trả nghĩa đấng sinh thành hay những người thường cưu mang giúp đỡ mình trong cuộc sống. Theo phong tục cổ truyền, ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ hoa quả cúng tổ tiên gồm rượu nếp, xôi chè, vải, nhãn, na, xoài… để mong “diệt” hết “sâu bọ” trong người, chống rôm sảy trong mùa, trong ngày Tết Đoan Ngọ còn có nhiều tục lệ như tục giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà… được thực hiện tùy theo phong tục tập quán, đặc điểm văn hoá vùng miền. Đối với người dân vùng biển, bên cạnh những hoạt động cổ truyền thường thấy của dân tộc Việt trong ngày Tết Đoan Ngọ, họ lại có tập tục khá đặc biệt là mọi người lại rủ nhau ra biển tắm lúc mặt trời chưa mọc và chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi cầu mong những chuyến đi biển trời yên gió lặng, được mùa cá tôm.
Ngư dân Thị trấn Thịnh Long chuẩn bị lưới cho chuyến ra khơi. |
Người dân vùng biển quê tôi, thay vì tất bật chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, trong buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, hầu hết lại tất tả ùa ra bãi biển trầm mình trong dòng nước mát và đón ánh bình minh của ngày mới trước khi bắt đầu những công việc thường nhật khác. Theo quan niệm của người dân nơi đây, ngày mùng 5-5 âm lịch là lúc dương khí thịnh nhất trong năm có thể gạt bỏ mọi bất trắc phiền muộn và bệnh tật mang lại mọi điều bình an cho con người nên ngay từ 5 giờ sáng, hàng vạn người từ người già, trẻ nhỏ, thanh niên, nam nữ nô nức kéo nhau ra biển. Không cầu kỳ về trang phục cũng như nhất thiết phải đến bãi biển du lịch, người dân nơi đây thường tập trung tại những bãi biển gần nhất như Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu); Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng, Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Quất Lâm, Giao Phong, Giao Hải (Giao Thủy)… cốt được dầm mình dưới dòng nước mát. Chị Trần Thị Lan, Thị trấn Cồn (Hải Hậu) đang vã nước biển lên người 2 cháu nhỏ cho biết: “Không biết tự bao giờ ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà, bố mẹ cho đi tắm “lấy may” vào dịp Tết mùng 5 hằng năm để phòng trừ dịch bệnh. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng đưa các cháu đi tắm để tránh các bệnh ngoài da trong những ngày hè nóng bức. Năm nào có việc bận không tắm sáng được, tôi cùng gia đình chọn đúng giờ ngọ cho các cháu ra biển tắm lấy may”. Với ý nghĩa giải nhiệt, trừ bệnh tật đặc trưng của mùa hè mà tục tắm biển Tết mùng 5 được lưu giữ và ngày càng thu hút đông đảo người dân các khu vực lân cận, khách du lịch về tìm hiểu phong tục địa phương. Sau tục tắm biển cầu may, mọi người trở về nhà thưởng thức mâm cỗ hoa quả cúng gia tiên và sửa sang, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản của người dân trong vùng. Chính vì thế phiên chợ miền biển ngày mùng 5 cũng đông đúc tất bật khác thường. Ngoài thực phẩm thông thường, các gian hàng vật tư nghề cá nườm nượp khách vào ra. Nào lưới, vó, phao, bè, chì, cước… rồi đèn, chão; thực phẩm khô… tất cả đều sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các ngư dân. Người mua nhanh, người bán cũng nhanh, ai cũng cố chọn cho gia đình một vài dụng cụ sản xuất để cầu may mắn, vậy nên ai cũng xởi lởi không kỳ kèo “bớt một thêm hai”, cốt mua được món hàng ưng ý làm công cụ lao động hằng ngày và chuẩn bị cho vụ mùa khai thác, đánh bắt, nuôi trồng bội thu sắp tới. Sau mâm cơm cúng gia tiên buổi trưa vào giờ chính ngọ với những món ăn truyền thống được chế biến từ thịt vịt, ngan, ngỗng như thịt luộc, tiết canh và bún xáo măng… các ngư dân lại tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi với những ngư cụ được sửa sang, sắm sanh trong phiên chợ sáng với mong ước những chuyến ra khơi mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Nét sinh hoạt truyền thống trong ngày Tết mùng 5-5 của người dân ven biển đã trở thành nét đẹp văn hóa mang đậm phong cách vùng miền, đáng được trân trọng nâng niu và gìn giữ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương