Nỗi lo gửi con ngày hè

08:06, 26/06/2015

Mùa hè là thời điểm trẻ mong chờ bởi được nghỉ hè, vui chơi thỏa thích, không lo lắng chuyện học hành, bài vở. Nhưng đối với các bậc phụ huynh, hè về lại có nỗi băn khoăn, lo lắng với việc quản lý con em mình.

Các em học sinh tham gia lớp học vẽ ở Nhà Văn hoá thiếu nhi Thành phố Nam Định.
Các em học sinh tham gia lớp học vẽ ở Nhà Văn hoá thiếu nhi Thành phố Nam Định.

Nhiều phụ huynh cho biết, mỗi khi con nghỉ hè lại loay hoay tìm chỗ gửi con để bố mẹ vẫn đảm bảo được công việc hằng ngày, còn con trẻ có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, bổ ích lành mạnh, an toàn. Tuy nhiên kỳ nghỉ hè năm nào cũng có trường hợp vì không thể chọn lựa chỗ chơi, chỗ học cho con trong dịp hè, bố mẹ phó mặc con tự chơi ở nhà, khiến trẻ sa đà vào các trò chơi trên mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý và sức khỏe hoặc chỉ một chút lơ là, để trẻ tự ý chơi đùa, tắm sông có thể xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm. Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, nắm bắt được nhu cầu của trẻ, từ nhiều năm nay, các trường mẫu giáo đã mở thêm dịch vụ trông trẻ ngày hè. Gia đình có nhu cầu chỉ cần đăng ký trong buổi họp phụ huynh cuối năm học, với mức học phí cao hơn trong năm học. Đối với những lớp học này, chương trình học nhẹ nhàng, mang tính chất “chơi mà học, học mà chơi”, giáo viên chủ yếu tổ chức cho trẻ vui chơi, ổn định nền nếp và tập thêm các kỹ năng tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, ôn lại những kiến thức đã học như các trò chơi, các bài tô màu, múa, hát tập thể... Cô giáo Mỹ Anh, Trường Mầm non Hoa Sen (TP Nam Định) cho biết, dựa trên số lượng giáo viên đăng ký dạy hè, nhà trường sẽ nhận trẻ vào các lớp cho phù hợp và hiện tại nhà trường có 107 trẻ, chia làm 3 nhóm lớp. Để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển của trẻ, nhà trường vẫn thực hiện nghiêm chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng như trong năm học. Công tác vệ sinh lớp học, đồ chơi luôn được chú trọng thực hiện nhằm phòng, chống các bệnh mùa hè cho trẻ. Việc nhận trẻ ngày hè đã giảm được áp lực cho hầu hết các bậc phụ huynh trong việc gửi con. Tuy nhiên, với những trẻ ở bậc tiểu học, THCS, trong thời gian nghỉ dài tới gần 3 tháng, nếu không có người trông nom rất dễ xảy ra những hệ lụy đáng tiếc. Chị Lan Anh ở 659 đường Trường Chinh (TP Nam Định) cho biết: “Do sợ con ở nhà suốt ngày mải mê vào các trò chơi bạo lực trên internet, tôi lên lịch cho con học bơi, học chơi cờ vua, học tiếng Anh, nhưng mỗi lớp ở một nơi, giờ học cũng không trùng với giờ hành chính nên rất mệt cho việc đưa đón”. “Quay cuồng” theo con cũng là nỗi ám ảnh của chị Mai, nhân viên ở một đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Chị cho biết: “Vừa để con không bị “nhốt” ở nhà trong dịp hè, vừa muốn bổ sung thêm các kỹ năng mềm cho con nên mùa hè năm trước, tôi đăng ký rất nhiều lớp cho cậu con trai học lớp 3. Trời mùa hè nóng bức nhưng vẫn cứ phải lao ra ngoài đường, đưa con từ trung tâm này đến lớp dạy năng khiếu khác. Hết mùa hè cũng là lúc mẹ mệt phờ, đen đúa và bị cơ quan nhắc nhở vì giờ giấc lung tung. Năm nay, vợ chồng tôi định gửi con về quê nhờ ông bà nội trông giúp nhưng ông bà lại mỗi người mỗi việc nên dù muốn giúp con cũng chỉ trông cháu được ít ngày. Hiện tại, vợ chồng tôi cũng chưa biết cho con ở đâu cho qua mùa hè…”. Ở nhiều gia đình, trẻ bị nhốt trong nhà, đứa lớn trông đứa bé. Trong giờ làm việc, bố mẹ liên tục gọi điện thoại về kiểm tra, nhắc nhở con chơi an toàn. Buổi trưa, bố mẹ lại tất bật về nhà nấu cơm cho trẻ. Nhiều gia đình có trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, nhưng do đã “tốt nghiệp” trường mầm non nên bố mẹ phải tìm chỗ trông trẻ tư để gửi. Vì vậy, nhiều nhóm lớp tư thục hiện nay có thêm trẻ quá tuổi mầm non vào học chung với các em bé hơn ở các lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tâm lý không tốt cho trẻ nếu cha mẹ không có cách nói chuyện hợp lý để các em hiểu đây chỉ giải pháp tạm thời trước khi vào lớp 1. Không giống như trẻ em ở thành phố, trẻ sống ở vùng nông thôn được đi chơi thoải mái hơn, nhưng lại gặp phải nỗi lo khác, đó là sự mất an toàn do không có chỗ vui chơi ngày hè. Nhiều gia đình cũng thấy được vấn đề này nhưng vì quá bận, quá mệt vì công việc đồng áng, hơn nữa lại không có chỗ gửi trẻ, không có biện pháp quản lý trẻ em, không quan tâm đến việc tìm sân chơi phù hợp với con em mình và khi những điều đáng tiếc xảy ra, ân hận cũng đã là quá muộn.

Từ nhiều năm nay, tháng 6 được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Năm 2015, Tháng hành động mang chủ đề “Hãy lắng nghe trẻ em nói” đang được các địa phương hưởng ứng và triển khai, góp thêm một cơ hội để trẻ em toàn tỉnh tham gia các hoạt động lý thú, bổ ích trong những ngày nghỉ hè như: tổ chức diễn đàn trẻ em, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các lớp học kỹ năng, hoạt động Đội trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra không nhiều, không thường xuyên, trong đó ở Thành phố Nam Định chỉ một bộ phận trẻ được bố mẹ cho tham gia sinh hoạt các lớp học năng khiếu tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định, bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho các em đi học (!) Hiện tại đang còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang phải nghỉ hè trong những điều kiện thiếu an toàn. Một thực tế nữa là trong những năm qua, tình trạng học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan. Nhiều em chưa được nghỉ hè ngày nào đã phải đến nhà cô giáo học thêm, có em phải học và ăn, ngủ tại nhà cô từ sáng đến chiều. Thật tội cho các em nhỏ mất đi những mùa hè thư giãn bổ ích trước khi năm học mới bắt đầu.

Nhu cầu vui chơi của trẻ em trong ngày hè là rất lớn, nhưng cuộc sống công nghiệp đã khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ không có thời gian cho con vui chơi nhiều trong suốt kỳ nghỉ hè. Sân chơi của các em không có, nhốt con ở nhà thì lại không yên tâm. Thế nên, dù rất muốn con được nghỉ ngơi sau cả một năm học vất vả, nhưng nhiều gia đình vẫn phải loay hoay tìm chỗ gửi con vào mỗi dịp hè. Chủ đề “lắng nghe trẻ em nói” vẫn chờ câu trả lời từ mỗi gia đình, các tổ chức Đoàn, Đội và chính quyền các địa phương!

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com