Nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa

08:06, 26/06/2015

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị 49 của Ban Bí thư ngày 21-2-2005 về “Xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, phong trào xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh luôn được duy trì, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ngày càng cao, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Quá trình triển khai Chỉ thị 49 của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các huyện, thành phố đã tập trung thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái (25-11). Biên soạn và phát hành 5.000 cuốn tài liệu về công tác gia đình và 10 nghìn đĩa CD tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Với cách làm sáng tạo, nhiều đoàn thể đã tích cực tham gia có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân văn hóa"; Hội Người cao tuổi thực hiện "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo"… Đến nay, toàn tỉnh có 436.955/563.449 gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 78%). Trong quá trình triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào các cấp trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Trong đó, các tiêu chí về gia đình văn hóa đề ra được nhân dân đồng tình thực hiện như: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương nơi cư trú. Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ; không tàng trữ sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; tích cực tham gia bài trừ tệ nạn xã hội, không có người mắc các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công cộng, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng dân cư. Thực hiện bình đẳng giới, không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; vợ chồng bình đẳng, các thành viên trong gia đình thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sinh con đúng quy định, có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Gia đình nề nếp, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền thương yêu, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, bố mẹ và những người thân trong gia đình; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình. Phát triển kinh tế gia đình, chủ động “xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng.

Hội viên CCB huyện Hải Hậu trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng “Gia đình văn hoá”.
Hội viên CCB huyện Hải Hậu trao đổi kinh nghiệm
công tác xây dựng “Gia đình văn hoá”.

Gia đình ông Trần Ngọc Quân, tổ dân phố số 9, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) 10 năm liền được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"; được Huyện ủy Hải Hậu khen thưởng thành tích 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015; được công nhận gia đình CCB làm kinh tế giỏi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương, ông Trần Ngọc Quân đã thành lập tổ sản xuất gia công dệt lưới cước. Nắm bắt thời cơ và thuận lợi, nhất là sự phát triển của thị trường tiêu thụ hàng hoá, gia đình ông nhận thấy muốn mở rộng được ngành nghề thì phải chủ động được vật tư nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, ông đã vay vốn đầu tư một dây chuyền sản xuất sợi PE để chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, gia đình ông đã có 2 dây chuyền sản xuất sợi PE. Cơ sở sản xuất của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động, với thu nhập bình quân từ 4,1 đến 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, gia đình ông đã ủng hộ 15 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn và tháo dỡ 255m2 nhà xưởng, hiến 260m2 đất trị giá 950 triệu đồng để mở rộng tuyến đường tỉnh lộ 488C đi qua khu vực sản xuất của gia đình ông. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, quỹ xây dựng Nhà Tình nghĩa cho CCB nghèo và các phong trào khác do địa phương phát động. Là xóm trưởng xóm 12, xã Giao Hà (Giao Thủy), ông Nguyễn Văn Lập luôn sâu sát mọi công việc, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; quan tâm tìm hiểu, động viên kịp thời những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động nhân dân trong xóm đoàn kết, chia sẻ những buồn vui nên tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt. Ông cùng với Ban Chi ủy tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm hiến 20.039m2 đất hai lúa, đào đắp được 9.850m3 đất để làm giao thông thủy lợi nội đồng, chỉnh trang lại đồng ruộng; huy động được gần 1 tỷ đồng để đổ bê tông 4 tuyến đường dong xóm rộng 3m, dài 1.950m; mở rộng và đổ bê tông sân nhà văn hóa xóm diện tích 300m2 trị giá trên 50 triệu đồng. Đến nay, 100% các đường dong xóm đã được bê tông hóa, đường sá phong quang, sạch đẹp. Các phong trào thi đua xây dựng NTM do xã phát động đều hoàn thành tốt. Xóm được công nhận là xóm đạt chuẩn văn hóa - NTM. Chị Đoàn Thị Phưởng, Phó bí thư chi bộ 8, chi hội trưởng phụ nữ xóm 8, xã Hải Cường (Hải Hậu) được bà con tin yêu, là người có công "mang nghề về xã". Hải Cường là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa và trồng rau màu, sau hai vụ lúa lực lượng lao động dư thừa thiếu việc làm. Thời gian qua, chị Phưởng đã trực tiếp mở lớp dạy nghề cho 270 lao động với 2 lớp làm áo giáp và 4 lớp thêu ren đính hạt cườm, 1 lớp móc sợi. Để đảm bảo hàng cũng như chất lượng sản phẩm và tiện cho việc giao hàng và nhận hàng về, chị đã chia lao động ra làm 17 tổ. Trong đó có 2 tổ đan len với 23 lao động; 3 tổ thêu ren với 60 lao động; 3 tổ đính hạt cườm với 35 lao động; 5 tổ áo giáp với 80 lao động; 1 tổ đan khay với 6 lao động; 1 tổ may công nghiệp với 15 lao động; 2 tổ móc sợi với 30 lao động và một số nghề khác cho hơn 20 lao động; giải quyết việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2,3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài dạy nghề, truyền nghề cho các lao động trong xã, chị còn dạy nghề cho 60 lao động ở các xã lân cận; giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, phù hợp, tăng thu nhập, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bản thân chị và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu khác như: gia đình ông Trần Nhất Khoa, xóm 9, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); gia đình ông Đoàn Ngọc Báu, tổ dân phố số 6, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); gia đình ông Vũ Đức Vận, xóm 8 Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy); gia đình ông Trần Đắc Sách, thôn Ngõ Quan, xã Hiển Khánh (Vụ Bản); gia đình ông Phạm Văn Hợp, thôn Nam Trực, xã Nam Tiến (Nam Trực); gia đình ông Nguyễn Trường Sâm, thôn Phúc Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định). Đó là những gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng xã hội bình yên, gia đình hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com