Long đong hàng bánh mì rong

09:06, 26/06/2015

Trong những chuyến công tác về các huyện phía nam tỉnh, tôi thường gặp những người phụ nữ đội sẵn mũ bảo hiểm, tay xách một cái làn to, lúc căng, lúc xẹp đứng bên đường... xin đi nhờ xe. Đó là những người bán bánh mì, hằng ngày mưu sinh trên những chuyến xe khách từ các tỉnh xuôi về tuyến huyện. Đội quân bán bánh mì rong trên xe khách phần lớn là phụ nữ ở các xã xung quanh tuyến đường S2 như: Nam Vân (TP Nam Định); Nam Mỹ, Nghĩa An (Nam Trực)...

I. Mưu sinh trên những chuyến xe khách

Gần 4 năm qua, công việc đầu tiên trong ngày của chị Hảo, xóm 7, thôn Vô Hoạn, xã Nam Mỹ (Nam Trực) là tất tả đạp xe đến lò (cách nhà khoảng 1km) nhận 100 bánh mì đã được xếp gọn gàng trong thùng xốp, ủ ấm cẩn thận. Một phần bánh mì để nguyên trong thùng xốp bày bán trước cửa nhà, phần còn lại được xếp vào trong làn để bán trên 3 xe khách chạy tuyến Quảng Ninh - Hải Hậu. Để đón được chuyến xe đầu tiên về đến ngã ba S2 - Quốc lộ 21 lúc 8 giờ 30 phút, 8 giờ chị đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đầu đội sẵn mũ bảo hiểm, đi bộ xuống ngã ba chờ đón xe. Xe về đến nơi, có hôm dừng lại nghỉ hoặc đón, trả khách tại chỗ thì tranh thủ lên xe bán hàng. Những hôm xe không dừng nghỉ thì ôm cả làn bánh mì theo xe đến tận ngã ba Nam Hồng mời hành khách mua nếu xe đông, hôm nào xe ít khách, ế hàng thì xuống xe dọc đường, xin đi nhờ xe máy quay về ngã ba S2 đợi chuyến xe tiếp theo lúc 9 giờ. Sau chuyến xe thứ hai, "hành trình" lên xe - bán hàng - xuống xe - xin đi nhờ xe... của chị lại lặp lại thêm một lần nữa lúc 10 giờ. Công việc buổi sáng của chị thường kết thúc lúc 11 giờ 30 phút hoặc muộn hơn vì xe có hôm về sớm, hôm về muộn; có hôm xuống xe được người đi đường cho đi nhờ ngay, có hôm đợi mãi không ai cho đi nhờ xe, chị đành phải đi bộ về. Ba chuyến xe khách buổi sáng, hôm nào đắt hàng lắm (thường là dịp cuối tuần, cuối tháng) chị Mai bán được khoảng 100 bánh, còn thường thường chỉ bán được từ 60-70 bánh, thậm chí có hôm mời khô cả cổ chỉ bán được một hoặc hai chục bánh. Cả buổi sáng tất tả ngược xuôi trên những chuyến xe khách, công của chị cao lắm cũng chỉ được 50-60 nghìn đồng, còn thường thường chỉ được 20-30 nghìn đồng. Cũng đi bán bánh mì rong như chị Hảo nhưng bà Mai (cùng ở xóm 7, thôn Vô Hoạn, xã Nam Mỹ) thì nhàn hơn bởi chỉ bán trên 2 chuyến xe của người nhà chạy tuyến cố định Hà Nội - Giao Thủy về đến ngã ba S2 lúc 1 và 2 giờ 30 phút chiều hằng ngày. Đã thành lệ, xe nhà bà Mai cứ về đến ngã ba S2 là dừng nghỉ khoảng 10-15 phút mới chạy tiếp nên bà không phải theo xe bán hàng. Không chỉ chị Hảo, bà Mai, "đội quân" bán bánh mì rong ở khu vực ngã ba đường S2 có khoảng 30 người, phần lớn là phụ nữ ở các xã khu vực xung quanh, trong đó nhiều nhất là ở các xóm 7, 8 thôn Vô Hoạn, xã Nam Mỹ (Nam Trực). Người ít thì bán trên 2-3 xe khách, người nhiều thì bán suốt ngày trên 5-7 xe; hôm đắt hàng bán được khoảng 200 bánh, hôm ít chỉ được hơn 100 bánh; thu nhập bình quân chỉ khoảng 50-100 nghìn đồng/ngày. Không chỉ mưu sinh trên những chuyến xe cố định ban ngày, “đội quân” bán bánh mì rong ở khu vực này còn có vợ chồng ông bà Sinh - Lan, nhà ở gần chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) chuyên đi bán bánh mì trên những chuyến xe đêm. Hằng đêm, khoảng 1 giờ, hai vợ chồng ông đèo nhau sang lò bánh mỳ Thuân - Lan, xóm Mới, xã Nghĩa An (Nam Trực) lấy bánh rồi ra ngã tư S2 - tỉnh lộ 490C đợi xe. Mỗi chuyến ông Sinh xếp vào làn khoảng 130-150 bánh (tổng trọng lượng khoảng 14-15kg), bán trên những chuyến xe đường dài tuyến Bắc - Nam. Khi ông Sinh lên xe bán hàng thì bà Lan chạy xe máy theo sau, đợi ông bán xong thì hai vợ chồng lại đèo nhau về ngã tư đón xe sau. Khác với những hàng bánh mì ở khu vực ngã ba S2 - Quốc lộ 21 chỉ bán trên những chuyến xe về các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường... ông bà Sinh - Lan sau khi bán hàng trên các chuyến xe đường dài về các huyện còn đón các chuyến xe sớm từ các huyện lên để bán hàng. Cứ thế, mỗi đêm hai ông bà thường bán từ 1 giờ đến 6 giờ sáng có hôm bán được 200-300 bánh, thu nhập khoảng 100-150 nghìn đồng/đêm.

Hàng bán bánh mì ở khu vực ngã ba đường S2 nối Quốc lộ 21, xã Nam Mỹ (Nam Trực).
Hàng bán bánh mì ở khu vực ngã ba đường S2 nối Quốc lộ 21, xã Nam Mỹ (Nam Trực).

II. Long đong hàng bánh mì rong

Từ khi công trình đường tránh S2 và nhất là hai tuyến giao thông "huyết mạch" (Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C) hoàn thành đã góp phần quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, hành khách từ khắp các tỉnh về các huyện. Tuyến đường tránh S2 (đoạn ngã tư nối với tỉnh lộ 490 và ngã ba nối với Quốc lộ 21) trở thành điểm trung chuyển dừng nghỉ (đón, trả khách; thay nước - bơm xăng dầu...) trên hành trình của nhiều chuyến xe, nhất là xe khách đường dài. Từ đó, một hệ thống hàng quán nhanh chóng được các hộ mặt đường mở ra để phục vụ nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, mặt hàng bắt mắt nhất, nhiều nhất lại là bánh mì. Với giá bán từ 2.500-3.000 đồng/chiếc, bánh mì là món ăn phổ thông, tiện dụng phục vụ nhu cầu của hành khách khi nhỡ bữa hoặc làm món quà bình dân của những người đi xa về chia cho trẻ. Vì thế, số lượng lò bánh mì trong vài năm trở lại đây ở khu vực này tăng đột biến lên đến gần 20 lò. Bánh mì có 2 loại, loại xuất tại lò giá 2.000 đồng lên xe bán 2.500 đồng/chiếc; loại 2.500 đồng lên xe bán 3.000 đồng/chiếc. Chỉ tính riêng quãng đường từ ngã ba S2, xã Nam Mỹ đến cầu Họ, xã Hồng Quang (Nam Trực) có 8 lò bánh mì và khoảng 40 hàng bánh mì tại chỗ. Với đồ nghề tổng trị giá khoảng 350-400 nghìn đồng gồm: một thùng xốp (hoặc xe đẩy tự chế) đựng bánh, một ô che nắng và 2 cái ghế nhựa, những người bán bánh mì tại chỗ thường bày hàng từ sáng đến tận chiều tối để bán cho khách qua lại. Trên khu vực ngã tư đường S2 cắt tỉnh lộ 490C thuộc địa phận xã Nghĩa An (Nam Trực) cũng có 4 lò bánh mì và hàng chục quán bán tại chỗ. Đội quân bán bánh mì rong trên xe khách ở khu vực ngã tư S2 - Nghĩa An có khoảng 7-8 người vì tuyến tỉnh lộ 490C chỉ có xe khách về 2 huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng.

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nghề bán bánh mì rong tại chỗ và trên xe đã trở thành phương kế mưu sinh của hàng trăm lao động tại các xã khu vực xung quanh đường S2. Những người bán bánh mì rong trên xe khách đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị Hảo thì nhà đông con (5 cháu) mà chỉ có hơn 2 sào ruộng, chồng làm ở tận tỉnh Lào Cai, thu nhập cũng thấp nên nguồn thu từ hàng bánh mì rong nhiều lần trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Bà Mai thì chồng mất sớm, bản thân bị bệnh tim nên không gánh vác được công việc đồng áng nặng nhọc. Vợ chồng ông bà Sinh - Lan nhà cũng nghèo, con nhỏ, cả hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, không có lương hưu hay trợ cấp xã hội nào khác. Ông bà đã xoay đủ nghề, đủ việc để trang trải cuộc sống rồi mới gắn bó với nghề bán bánh mì rong trên những chuyến xe đêm. Ông cho biết: Cực chẳng đã mới phải đi bán đêm vì vợ chồng tôi “ra nghề” sau (khoảng 2 năm trở lại đây), ban ngày có nhiều người bán, không cạnh tranh được. Những chuyến xe đêm hoặc sáng sớm bán được nhiều bánh hơn, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống nhưng hại sức lắm, có hôm còn gặp những đối tượng nghiện hút “xin đểu” nên quanh đây chỉ có vợ chồng tôi đảm đương thôi. Ông cho biết thêm, để trụ lại được với nghề, bán được nhiều hàng, những người bán bánh mì dù tại chỗ hay trên những chuyến xe phải “có duyên bán hàng”, ứng xử khéo léo với nhà xe; tuyệt đối không được chèo kéo, bắt chẹt hành khách trên xe ép mua hàng. Đầu tiên là bánh mì phải đảm bảo chất lượng, được ủ ấm, có khi phải chấp nhận bán hạ giá, ít lãi kiểu mua 10 thêm 1, thậm chí hòa vốn để giữ khách. Những người bán rong ban ngày còn phải đội sẵn mũ bảo hiểm trên đầu, chấp hành nghiêm quy định về ATGT để đi nhờ xe. Vất vả, long đong nhưng những người làm nghề bán bánh mì rong xung quanh khu vực đường S2 không chỉ kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình, gián tiếp tạo việc làm cho những lao động ở các lò bánh mì mà còn góp phần lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com