Nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học

09:05, 29/05/2015

Trong chương trình Vinh danh gương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của Tỉnh Đoàn năm 2015, chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1985, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định (CĐSPNĐ) và cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, sinh năm 1980, giáo viên Trường THCS Đặng Xuân Khu, Xuân Hồng (Xuân Trường). Dành phần lớn thời gian để chia sẻ công việc trường lớp, rất ít kể về mình mặc dù thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của họ không hề “mỏng” đủ để thấy tình yêu nghề, yêu học sinh luôn cháy trong trái tim những người thầy, cô giáo trẻ.

Giảng viên Nguyễn Trung Kiên, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định hướng dẫn sinh viên trong 1 giờ học.
Giảng viên Nguyễn Trung Kiên, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định hướng dẫn sinh viên trong 1 giờ học.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2007, chàng trai trẻ Nguyễn Trung Kiên được giữ lại trường làm giảng viên. Sau 1 năm công tác tại đây, Kiên xin chuyển công tác về Trường CĐSPNĐ. Năm 2009, Kiên thi đậu thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Kỹ thuật công nghiệp (KTCN) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiếp tục theo đuổi ước mơ được nghiên cứu sâu hơn về ngành học KTCN của mình. Cuối năm 2010, Kiên nhận bằng thạc sĩ và quay về trường tham gia công tác giảng dạy. Trên cương vị của mình, ngoài thời gian giảng dạy, thầy giáo trẻ còn tận tình hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên tiến hành những nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học… Năm 2014, Kiên cùng sinh viên trong khoa thực hiện một số sản phẩm trang trí như: đèn led điện tử, led cube, led trái tim… được đánh giá cao. Không chỉ tận tình với sinh viên, vốn là người đam mê nghiên cứu khoa học, ngoài thời gian rảnh rỗi, thầy giáo trẻ thường xuyên đọc sách, lên mạng tìm hiểu các thiết bị công nghệ mới, nghiên cứu tài liệu, giáo trình… để bổ sung kiến thức. Kiên cũng thường đảm nhận viết các báo cáo khoa học tham gia chương trình hội thảo cấp trường như: Ứng dụng KHCN trong giảng dạy ở Trường CĐSPNĐ; Thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở Trường CĐSPNĐ; Triển khai công tác nghiên cứu KHCN trong sinh viên Trường CĐSPNĐ... Ngoài ra còn không ít đề tài cấp khoa như: Một số biện pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngành sư phạm Vật lý… Đặc biệt, Kiên là một trong số không nhiều giảng viên của Trường CĐSPNĐ nói riêng, của tỉnh nói chung có các bài viết chuyên sâu nghiên cứu lĩnh vực giảng dạy được in trên Tạp chí Giáo dục, một tạp chí chuyên ngành đòi hỏi người viết phải là những người có chuyên môn, kiến thức nhất định về lĩnh vực giáo dục. Theo đó, trong 2 năm 2013, 2014, Kiên đã có 4 bài báo khoa học được in trên tạp chí gồm: Tổ chức dạy học hợp tác trong chương trình đào tạo ngành KTCN theo học chế tín chỉ; Vận dụng phương pháp tình huống trong dạy học tại Trường CĐSPNĐ; Ứng dụng phương pháp tư duy 6 chữ ngũ trong giảng dạy học phần phương pháp học KTCN tại Trường CĐSPNĐ; Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học khi dạy học phần Kỹ thuật điện tử tại Trường CĐSPNĐ. Tất cả các bài báo đều được đánh giá cao, có thể làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho giảng viên dạy KTCN khối các trường cao đẳng, đại học nói chung. Năm 2014, Kiên xuất sắc trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm rất cao. Hiện, thầy giáo Nguyễn Trung Kiên đang tiếp tục học để lấy bằng Tiến sĩ. Với thành tích học tập đáng nể, từ khi còn là sinh viên, Kiên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Nguyễn Trung Kiên còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn ở trường. Năm 2011, Kiên được bầu là Bí thư chi đoàn Khoa Tự nhiên. Năm 2012, Kiên giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn trường. Thầy giáo Nguyễn Trung Kiên cùng với BCH Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động như tình nguyện, sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên 5 tốt… đưa phong trào Đoàn của trường ngày càng lớn mạnh, được đánh giá là một trong các đơn vị hoạt động mạnh, tích cực trong khối các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường THCS Đặng Xuân Khu, Xuân Hồng, Xuân Trường luôn tận tình hướng dẫn học sinh tiếp thu các bài học trên lớp
Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường THCS Đặng Xuân Khu, Xuân Hồng, Xuân Trường luôn tận tình hướng dẫn học sinh tiếp thu các bài học trên lớp

Đến Trường THCS Đặng Xuân Khu, hỏi thăm cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, nhiều học sinh tỏ ra yêu mến, tự hào bởi cô giáo không chỉ tận tâm với học trò, dạy giỏi mà còn là một Bí thư Đoàn trường nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Hóa, Sinh, Trường CĐSPNĐ, năm 2001, cô giáo Ngọc về nhận nhiệm vụ tại Trường THCS Xuân Châu. Năm 2007, để hoàn thiện thêm kiến thức, chị theo học hệ liên thông Đại học Sư phạm Vinh. Đến năm 2008, cô giáo Ngọc chuyển về Trường THCS Đặng Xuân Khu công tác và gắn bó cho đến bây giờ. Bất cứ ở ngôi trường nào, chị cũng được học sinh, đồng nghiệp tin yêu, nể phục bởi trình độ chuyên môn rất vững vàng. Năm 2007, chị được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, một trong những giáo viên dạy Hóa tốt nhất của huyện Xuân Trường. Đam mê bộ môn Hóa, Sinh, chị dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi, nâng cao trình độ trên lĩnh vực mà mình giảng dạy. Năm 2012, cô giáo trẻ tham dự cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Sở GD và ĐT tổ chức. Với thiết kế đồ dùng dạy học tự làm mẫu ngâm động vật phục vụ môn Sinh học, chị chọn 5 mẫu động vật gồm 5 con đại diện cho 5 lớp của ngành động vật có xương sống là: Cá chép, đại diện cho các lớp cá; ếch đồng, đại diện cho lớp lưỡng cư, thằn lằn, đại diện cho lớp bò sát, bồ câu đại diện cho lớp chim và thỏ, đại diện cho lớp thú để tiến hành ngâm, phục vụ bài giảng trên lớp. Từ đó, học sinh có thể quan sát được cấu tạo ngoài và cấu tạo trong của các đại diện trên, gây hứng thú học tập môn Sinh học. Theo chị Ngọc, khi học trò được tận mắt quan sát mẫu vật thật, tìm tòi khám phá ra kiến thức thì sự lĩnh hội sẽ nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Đối với giáo viên, khi giảng dạy với mẫu ngâm, giảm được việc giảng giải, thuyết trình “chay” trên sách, dễ dàng giải đáp được những câu hỏi mở của học sinh... Với tính “ứng dụng” cao trong học tập, giảng dạy, thiết bị dạy học của chị Ngọc được hội đồng thi đánh giá cao, đạt giải nhì trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm đó. Năm 2014, với những nỗ lực trong công tác dạy và học, say mê nghiên cứu khoa học giúp chị tiếp tục gặt hái những thành công mới. Năm 2014, chị tham dự kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh môn Hóa học và xếp thứ 2 toàn tỉnh.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc còn là một trong những giáo viên trẻ của trường mạnh dạn đi tiên phong trong việc áp dụng những phương pháp mới vào công tác giảng dạy cho hiệu quả thiết thực. Theo đó, trong các giờ lên lớp, cô giáo Ngọc sử dụng phương pháp dạy học theo dự án (phương pháp giảng dạy mới nhất do Bộ GD và ĐT ban hành), chia lớp học thành các nhóm học sinh để các em tự tìm hiểu bài học thông qua cách đặt câu hỏi cho nhau. Giáo viên đóng vai trò là “trọng tài”, người kết nối định hướng cách giải quyết bài học. Do đó, một tiết học tự nhiên khô khan sẽ trở nên hứng thú, học sinh tích cực và sôi nổi hơn. Ngoài vai trò là thủ lĩnh đoàn, chị còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Đặng Xuân Khu. Năm 2015, chị thi đỗ cao học Khoa Quản lý giáo dục của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Con đường học tập, giảng dạy và chinh phục các ước mơ nghiên cứu khoa học của cô giáo trẻ vì vậy sẽ còn rộng mở và hứa hẹn.

Đang ở vào độ “chín” cho những đam mê, khát khao cống hiến, những tấm gương nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học, giảng dạy của các thầy, cô giáo trẻ sẽ tiếp “lửa”, niềm tin để lớp lớp tuổi trẻ ra sức phấn đấu làm nên nhiều thành công mới./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com