Tai nạn đuối nước trong dịp hè - nỗi lo thường trực

09:05, 29/05/2015

Hè về, cùng với những nỗi lo về tai nạn, thương tích ở trẻ, vấn đề đuối nước là mối quan tâm của các phụ huynh, nhất là với những gia đình có con nhỏ, nhà gần sông, suối, ao, hồ. Thống kê hằng năm cho thấy, trong các tai nạn, thương tích ở trẻ, trẻ mắc đuối nước có tỷ lệ tử vong cao hơn cả và nước ta là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước hằng năm cao gấp nhiều lần ở các nước trong khu vực. Năm nay, dù mới chớm bước vào đầu hè song ở nhiều nơi đã xảy ra những vụ tai nạn đuối nước hết sức thương tâm và đây là tình trạng hầu như dịp hè nào cũng xảy ra. Mới đây vào ngày 16-5, 3 học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau giờ học rủ nhau đi tắm biển bị sóng cuốn ra xa gây tử vong.

Nước ta có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, vì vậy nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao, nhất là ở các vùng nông thôn, khu vực ven biển, vùng núi cao nơi có nhiều sông, suối. Ở những nơi này, nỗi lo về đuối nước ở trẻ luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ, đầm lầy... mà có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trẻ... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc để trẻ em tự do đi lại.

Cho trẻ học bơi để tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Internet
Cho trẻ học bơi để tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Internet

Để đề phòng tai nạn đuối nước, các bậc phụ huynh, người chăm sóc và các em học sinh cần quan tâm đến một số vấn đề như: Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài… ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Không nên cho trẻ chơi đùa cạnh bờ sông, ngòi, kênh rạch… Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH) cũng đưa ra 8 khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh đuối nước cho con em mình như: Không được để con em đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Không để các cháu chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Nhà ở gần vùng sông nước, ao, hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà. Các bậc phụ huynh nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng. Làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum, vại. Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. Nên nhắc người lớn dạy bơi cho các bạn nhỏ.

Phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của toàn xã hội và cần có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở con trẻ về ý thức phòng, chống đuối nước. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, tránh nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các bậc phụ huynh trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com