Hơn 40 năm kể từ ngày nhận được giấy báo tử của chồng, bà Trần Thị Kim Chính, quê ở thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) bền bỉ, quyết tâm đi tìm mộ chồng là liệt sĩ Nguyễn Xuân Hưởng, hy sinh tại mặt trận Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Bàn chân bà đã từng in dấu trên khắp các nẻo đường theo đường hành quân nơi chồng bà đã đi qua thời đánh giặc. Bà đã xoay đủ mọi thứ nghề, cần mẫn làm việc với một niềm tin son sắt: tìm mộ chồng, đưa ông về với quê hương, để mẹ già vơi đi nỗi buồn thương và để xứng với tình hiếu nghĩa, đạo lý vợ chồng.
Bà Trần Thị Kim Chính (thứ 2 từ trái sang). |
Năm 1964, chị Trần Thị Kim Chính nên duyên cùng anh Nguyễn Xuân Hưởng. Hơn một năm sau, khi cô con gái vừa kịp chào đời thì anh lên đường nhập ngũ. Thời gian trôi qua, biết bao lá thư chị gửi anh ở chiến trường mà không có hồi âm, tin tức. Đến năm 1971, chị nhận được giấy báo tử: Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hưởng hy sinh ngày 20-7-1966 tại Phước Long (Bình Phước). Thời gian lặng lẽ trôi, dù mẹ chồng đã khuyên nhủ chị nên đi bước nữa, bà con lối xóm thương chị còn trẻ cũng mai mối cho chị. Nhưng, nghĩ đến anh cùng biết bao đồng chí khác, trong đó có người anh trai liệt sĩ Trần Văn Rật đã anh dũng hy sinh, nghĩ đến bố mẹ và con thơ dại, chị một mực chối từ, ở vậy tần tảo nuôi con, nâng giấc bố mẹ già và ôm một khát khao cháy bỏng: Vượt rừng Trường Sơn để đón anh về. Dù cuộc sống đôi lúc có chông chênh, nhưng những kỷ niệm cao đẹp và linh thiêng của chồng, cùng tiếng cười hồn nhiên của con thơ đã là nguồn động viên để chị vững tin, vượt qua mọi nỗi buồn và khó khăn trong cuộc sống. Chị tích cực tham gia các phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, xung kích vào tổ trực chiến, vận động thanh niên lên đường chiến đấu… Từ năm 1966 đến 1974, chị được giao nhiệm vụ là Bí thư Đoàn xã, Trưởng Ban văn hóa xã, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Sơn. Năm 1977, hưởng ứng phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, xã Nghĩa Sơn có hơn 100 hộ dân với gần 500 người đăng ký vào nông trường Minh Hải (tỉnh Minh Hải - tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu hiện nay) xây dựng quê hương mới. Chị xin phép bố mẹ chồng, gửi lại đứa con thơ, tình nguyện vào Minh Hải mở lớp dạy học cho con em trên vùng đất mới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1980, chị về Nghĩa Sơn làm kinh tế nuôi con ăn học, phụng dưỡng mẹ già và thực hiện tâm nguyện của mình. Khi việc nhà đã tạm yên, với số tiền tích cóp được, chị lên đường đi tìm mộ chồng. Theo dấu chân anh viết trong thư gửi về từ nhiều năm trước, chị lang bạt khắp Bình Phước, Sài Gòn những nơi anh đã từng đóng quân. Trong hành trình ấy, chị đã phải làm thuê đủ thứ nghề để sống và có kinh phí cho cuộc kiếm tìm đằng đẵng này. Dù đã đi khắp các nghĩa trang như Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đắp… mỏi mắt kiếm tìm trên tất cả các bia mộ, vẫn không có tên anh. Từ một thông tin từ đơn vị anh thuở trước, chị đã tìm được địa chỉ của một số cán bộ của Trung đoàn 141. Và từ họ, chị xác định được nơi anh hy sinh là một khu rừng giáp biên giới Căm-pu-chia. Nơi ấy trước đây có một đơn vị quân y đóng quân nên mọi người quen gọi là đồi Quân Y. Thế nhưng, sau ngần ấy năm thì không ai nhớ chính xác đồi Quân Y nữa. Rồi một cán bộ của Trung đoàn 141 đã nghỉ hưu cho chị biết khu đồi ấy hiện nằm trên địa phận xã Đắc Ơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước; năm 1966, đơn vị ông đã có hơn 500 người hy sinh tại đó. Theo mô tả của người cán bộ thì đi từ bản Đắc Ơ dọc theo đường 14 rồi men theo bờ rừng đến con suối Dây, đi thêm chừng 1-2km nữa là đến nơi đơn vị đóng quân. Từ đó, qua kho Xanh lấy lương thực bên đất Căm-pu-chia, bộ đội ta cũng phải đi bộ mất một ngày đường rừng cho quãng đường 4km. Những địa danh, địa hình, địa vật ấy là “dữ liệu” từ cách đây mấy chục năm, còn bây giờ chúng thay đổi thế nào thì không ai rõ. Có được những thông tin trên, chị tạm chia tay với những công việc làm thuê, vội vã lên thẳng xã Đắc Ơ. Tuy nhiên, đến nơi, gõ cửa khắp các cơ quan, ban, ngành, hỏi cả những người có tuổi thì ai cũng bảo có nghe nói tới địa danh đó, nhưng vị trí nó nằm ở đâu thì không ai biết. Cả một dải đất biên giới rộng mênh mông, biết tìm nơi đó ở đâu (?). Hơn 7 tháng trời làm rẫy thuê cho những gia đình trong xã để vừa nuôi sống bản thân, vừa tìm kiếm mộ chồng, cuối cùng chị cũng gặp được người đàn ông địa phương trước đây từng là giao liên và đã một lần vào khu đồi ấy. Được sự đồng ý của chính quyền sở tại cũng như BĐBP, ngay sau đó ít hôm, nhờ sự chỉ đường của người chiến sĩ giao liên năm nào, chị đã cùng dân quân xã, BĐBP lội rừng vào tìm kiếm. Trèo đèo, lội suối mất nhiều ngày trời, nhưng phải đến lần thứ 3 sau khi đã chuẩn bị thêm nhiều lương thực, cuối cùng dấu tích nơi chồng chị đóng quân thuở trước đã xuất hiện. Đó là những vệt đường mòn và những chiếc hầm chữ A không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhiều ngày liền cả đoàn chỉ tìm được một tấm bia đá ghi tên phần mộ của một liệt sĩ quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình). Ngay sau đó, chị đã viết thư báo tin phần mộ cho gia đình liệt sĩ trên. Còn bản thân chị lại quay ra bởi những ngày đó đã là giáp Tết âm lịch. Về lại Sài Gòn làm nghề giúp việc gia đình được 3 tháng để có thêm kinh phí, chị lại quay trở lại Đắc Ơ nhưng kết quả lần này vẫn làm chị thất vọng. Tuy nhiên, chị vẫn nuôi hy vọng khi ra lại Hà Nội, gửi kết quả của các cuộc kiếm tìm cho Bộ Tư lệnh BĐBP rồi nhờ họ tìm giúp. Về lại quê hương, mặc dù sức khỏe giảm sút, với mảnh ruộng, gánh rau chị vẫn tích cóp để có tiền vào đồi Quân Y lần nữa. Thật may mắn, qua một chương trình “Người xây tổ ấm” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức mà chị là khách mời chia sẻ về tình cảm, tâm nguyện và quá trình đi tìm mộ chồng, nhiều người đã viết thư, gọi điện đề nghị được cùng gia đình tìm mộ liệt sĩ chồng chị. Sau một thời gian dài tìm kiếm, ngày 5-10-2009, chị đã đưa được mộ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hưởng về với quê hương trong sự nghẹn ngào của người mẹ già ngoài 90 tuổi và người con gái chưa một lần được gặp bố. Không những thế, chị còn phát hiện hài cốt của các liệt sĩ đồng đội của chồng để báo cho gia đình cất bốc. Từ đó đến nay, chị đã nhiều lần cùng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng vào đồi Quân Y để thực hiện chương trình Đi tìm đồng đội.
Hiện tại, dù đã ở tuổi 72, sức khỏe yếu lại đang phải điều trị trong bệnh viện, nhưng bà Trần Thị Kim Chính cho biết, sắp tới sau khi sức khỏe ổn định, bà sẽ lại cùng các tổ chức trở lại đồi Quân Y để thực hiện tâm nguyện của mình, tìm và đưa những liệt sĩ đã hy sinh tại đây về với đất mẹ quê hương.
Dặm đường “tri ân” của người vợ liệt sĩ Trần Thị Kim Chính là biểu hiện cho tấm gương cao đẹp về lòng nhân hậu, thủy chung, sự hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến và tấm lòng đó mãi trường tồn với thời gian./.
Bài và ảnh: Hồng Minh