Sông Đào một chiều đầu tháng 3 yên ả và càng như dài rộng thêm ra bởi những dải mưa xuân nhẹ, mỏng tang. Trên mặt sông, gầm chân cầu Đò Quan (TP Nam Định), chúng tôi có dịp trò chuyện với những người phụ nữ đang mưu sinh tại đây. Khi xe vừa rè rè đi tới, hàng chục phụ nữ xô ra vồn vã: chị cần thuê người giúp việc gì. Mời họ cốc trà nóng, tôi được nghe các bà, các cô, các chị, em kể về những vất vả đời mưu sinh của họ.“Cũng là phận nữ nhi thường tình nhưng cuộc sống của chúng tôi rất mệt nhọc. Nhưng nghĩ kỹ thêm, mỗi người một công việc, dưới bàn tay chai sần vì suốt ngày cầm xẻng, cầm cuốc, kéo xe…, chúng tôi vẫn nuôi được con cái học hành, chăm lo được cái nhà cái cửa. Niềm vui của con người nói chung, cũng bấy nhiêu thôi”, một chị mà tôi gặp ở chợ người cầu Đò Quan đã nói như vậy.
Nữ nhi… không làm việc thường tình
Gầm cầu Đò Quan là một trong những điểm “tập kết” của chợ lao động mà chúng tôi gọi một cách “hình ảnh” là “chợ người”. Tại đây có khoảng trên 20 lao động kiếm sống bằng nghề “cửu vạn”. Họ nhận làm đủ thứ việc, từ xúc đất, cát, kéo xe gạch, lau dọn, phá nhà, móc cống, đào đường…, 2/3 trong số họ là phận nhi nữ “chân yếu tay mềm”. Dụng cụ hành nghề giản đơn vài cái xẻng, dăm cái cuốc, chiếc xe kéo cũ kỹ… Khi vào việc, họ mồm nói tay làm thoăn thoắt chẳng khác các bậc nam nhi bao nhiêu. Mùa đông, một manh áo khoác sờn màu, mùa hè vắt vẻo cái khăn mỏng quấn quanh đầu cho tóc khỏi rơi xuống mắt, chiếc khăn bông to sù sụ bịt ngang mặt vừa che nắng vừa tiện thấm mồ hôi, họ “đánh trần” làm việc, mưu sinh.
Lao động nữ đang làm những công việc nặng nhọc tại chợ người gầm cầu Đò Quan, Thành phố Nam Định. |
Dáng vóc nhỏ bé, đen đúa nhưng hết sức nhanh nhẹn, dẻo dai của người đàn bà năm nay đã trên 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Thoa, xã Nam Phong (TP Nam Định) vừa tiếp chuyện chúng tôi, chốc chốc mắt vẫn liếc ra đường xem có xe nào “rờ” tới, cần thuê người và khi được đề nghị kéo thử chiếc xe đất nặng khoảng trên 1 tạ, bà Thoa khiến chúng tôi kinh ngạc vì xe… chạy băng băng. “Dân lao động mà cháu, không khỏe thì làm được gì”, giọng bà Thoa hồn nhiên. Gắn bó với chợ lao động gầm cầu Đò Quan đến nay cũng đã được 25 năm, bà Thoa bảo, vui buồn một đời người cũng ở cả đây rồi. Vốn không có nghề nghiệp ổn định, lại không có tiền để bắt đầu kinh doanh, bán buôn một thứ gì đó, bàn tính mãi với chồng, bà Thoa nghĩ “nát nước” chỉ còn cách đem bán sức mình thôi. Bẵng đi mà cũng đã ngót 20 năm bà làm “cửu vạn” ở chợ người. “Ai gọi gì tôi cũng làm. Hôm thì xúc đất, hôm thì kéo xe chở gạch, cát, xi măng, hôm lại dọn nhà, phá nhà… Tất cả đều là công việc tay chân nặng nhọc”, bà chia sẻ. Bắt đầu rời nhà lúc 7h sáng, công việc của bà Thoa thường kết thúc vào khoảng 5h chiều trong ngày. Trưa hôm nào nhiều việc, bà tranh thủ mua suất cơm bụi ăn tạm tại chỗ. Hôm nào ít khách, bà Thoa về nhà ăn vội bữa trưa cùng chồng rồi lại đạp xe về chỗ ngồi quen thuộc. Mỗi ngày, nếu có khách gọi đi làm đều, bà ước tính thu nhập khoảng 100-150 nghìn đồng. Đây cũng là “giá chung” cho dân lao động làm nghề bán sức tại các chợ người trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đó là những ngày may mắn. Còn lại như ngày hôm nay, bà Thoa bảo, chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm từ sáng đến giờ vì không có việc. “Mệt nhọc lắm cháu ơi, nhưng đây là công việc gắn bó với bà lâu nhất. Cũng chả biết việc gì mà làm, cũng chả có vốn để làm công việc khác. Thôi thì đành vậy, còn khỏe ngày nào còn tiếp tục làm. Đỡ cho con, cho cháu, mà làm việc liên tục cũng thấy khỏe, thấy vui. Ngồi ở nhà không có khi còn sinh bệnh, sinh tật”, bà Thoa tự an ủi.
Chợ người Cửa Trường, phường Ngô Quyền là nơi tập trung đông dân tứ xứ làm nghề bán sức lao động nhất. Ở đây có khoảng 30 người đến từ nhiều huyện trong tỉnh, một số tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam..., 50% trong số đó là lao động nữ. Hầu hết họ đều có gia cảnh cực kỳ khó khăn. Bởi, một lẽ đơn giản, nếu không quá nghèo, chả ai muốn làm cửu vạn. Chị Hoàng Thị Nga, 45 tuổi, có một ngôi nhà bé xíu tại chợ Đồng Tháp Mười với 5 người sinh sống. Hằng ngày, nấu vội bữa sáng cho chồng kịp ấm bụng để đi làm thợ xây, chị cũng vội vã ra chợ người tìm kiếm vận may. 45 tuổi đời, chị đã có 20 năm gắn bó với “chợ người”. Xòe hai bàn tay chai sạn, “tàn dư” của bao năm tháng gắn bó với cuốc, xẻng, gạch đá, chị Nga là “niềm tin” của cả “chợ người” khi nuôi được con gái đầu vào đại học. Chị bảo: “vui lắm em ạ, đời cha mẹ vất vả để may ra đời con sung sướng hơn. Khổ nhọc nào cũng qua được hết, miễn là các con chăm ngoan, học giỏi”…
Lặn lội thân cò
Giờ chờ khách đầu năm mới của các bà, các cô, chị em chợ người cầu Đò Quan vui như mở hội. Mỗi người một câu chuyện góp vui. Họ túm tụm lại với nhau, kể cho nhau nghe chuyện gia đình ăn Tết như thế nào, người thân về thăm nom đông đúc, con cái rời nhà đi học xa… Rồi cười xòa. Thời điểm này, theo bà Thoa là dịp nhàn rỗi nhất trong năm. “Trước và sau Tết khoảng 1 tháng, chúng tôi rất ít việc. Bận rộn nhất là vào mùa hè, khi người ta tiến hành xây nhà, xây cửa nhiều. Lúc đó, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên mùa hè thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng nhiều nên chúng tôi rất mệt mỏi”.
Chị Nguyễn Thúy Loan, đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), chủ quán nước chè gầm cầu Đò Quan có thời gian gắn bó với nhịp lao động nơi đây cũng khoảng 18 năm. Chị bảo: “Ở đây, ai cũng có thâm niên làm việc từ 10 đến 20 năm. Chính vì vậy, chúng tôi coi nhau như chị em trong nhà. Không bao giờ có tình trạng tranh giành khách. Hoàn cảnh của ai, mọi người đều nắm trong lòng bàn tay. Chính vì thế, rất dễ thông cảm, bỏ quá cho nhau. Công việc đã vất vả, cuộc sống lại khó khăn, cực khổ lắm mới phải ra đây kiếm sống, không thương nhau thì chắc chẳng trụ được với nghề lâu”. Chồng thường xuyên say xỉn lại phải nuôi 3 con nhỏ ăn học, hằng ngày, chị Loan bày biện quán nước chè nhỏ với 2 cái phích, đĩa cốc chén, túi thuốc lào, chai nước ngọt bán chủ yếu là cho “dân mình” khi ngơi tay xúc đất, xúc đá lao vào làm vội cốc nước, điếu thuốc… cho tỉnh. Khi vắng khách, ai gọi gì chị Loan vội vã nhờ các chị em khác trông quán nước vác ngay cuốc xẻng đi làm. Những buồn tủi chuyện gia đình, chồng con của chị được các bà, các chị em khác sẻ chia hằng ngày. Nỗi buồn theo đó vợi đi. Theo chị Loan, cái “được” nhất của nghề cửu vạn là… không phải mất vốn và có tiền tươi. Hỏi chị, có muốn tìm một nghề khác để đỡ vất vả hơn không, chị thành thật: “Chúng tôi không đổi nghề đâu, ở đây, các chị em hầu hết cũng đã trải qua nhiều công việc rồi mới làm cửu vạn. Có người bán hàng rau củ quả, có người làm may, có người đi chợ… nhưng có lẽ không có “duyên” và có vốn nên cuối cùng đều phải quay về với “chợ người”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chẳng muốn chuyển nghề và không buồn vì điều đó. Bởi, chúng tôi lao động chân chính và bằng sức lực của mình vẫn có thể nuôi sống được gia đình”.
Ngoài “chợ người” gầm cầu Đò Quan, Cửa Trường, trong thành phố còn một số "chợ người" khác như đường Phù Nghĩa, khu vực ngã tư đường Giải Phóng, Điện Biên… Số lượng các cô, các chị, em tập trung tại những "chợ" này tương đối đông. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gánh nặng áo cơm vất vả đè lên cuộc đời của tất cả những phụ nữ chúng tôi đã gặp, đã tiếp xúc tại đây. Tuy nhiên, khác với sự khắc khổ của dáng vẻ bên ngoài, có dịp tiếp xúc với họ, chúng tôi cảm nhận được sự thoải mái, chân tình và sự bình dị xuất phát từ thẳm sâu tâm hồn của những người phụ nữ nghèo khó. Không tính toán, suy bì hơn thiệt, không co kéo, giành khách, nói xấu lẫn nhau, họ làm việc rất chăm chỉ và nhường nhịn. Thời gian rỗi, họ “tán gẫu” những chuyện trời ơi đất hỡi và cùng nhau vui cười. Khi chúng tôi đề nghị được chụp vài tấm ảnh, họ rất thoải mái, nhiệt tình. Không xấu hổ hay ngượng ngùng về nghề nghiệp, họ bảo, ai cũng có công việc của riêng mình và xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Miễn là nuôi sống được gia đình. “Năm nắng mười mưa đâu quản công”, bà Thoa tự nhiên cao hứng ngâm một câu thơ nào đó, bà chẳng biết của ai. Bỗng nhiên, tôi thấy vừa thương, vừa trọng tất cả những người đàn bà mà tôi đã gặp đang làm cái công việc bán sức ở “chợ người”.
Ngày Quốc tế Phụ nữ đến cũng là khi dòng người trên phố tấp nập hơn với những bó hoa, những món quà dành tặng cho những người phụ nữ mình yêu quý. Nhưng chắc chắn không phải để dành cho các bà, các cô, các chị mà tôi mới gặp. Tôi chỉ dám thầm cầu mong cho tất cả những phận người ấy bình an trên con đường dài dặc mà họ còn phải gánh vác trên đôi vai của mình./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân