Thực phẩm chức năng đang đánh lừa người tiêu dùng

09:03, 27/03/2015

Những năm gần đây, do chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên nên nhiều người đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu đã chú trọng hơn đến các mặt hàng thực phẩm, hoá mỹ phẩm có công dụng làm đẹp, nâng cao sức khoẻ của con người, trong đó có các loại thực phẩm chức năng (TPCN). Hiện nay, vào bất cứ một quầy thuốc nào không khó để có thể tìm được hàng chục loại TPCN được bày bán công khai, từ loại TPCN bổ sung vi-ta-min, khoáng chất đến viên uống làm đẹp da, giảm béo, phòng chống lão hoá… Nhiều sản phẩm còn được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Úc về khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua về sử dụng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào có nghiên cứu và khẳng định một cách có khoa học về công dụng của các loại TPCN, người dùng vẫn chủ yếu biết đến các loại TPCN qua khâu quảng cáo hay truyền miệng từ người này sang người khác. Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện do dùng quá liều hay sử dụng phải TPCN giả, không rõ nguồn gốc. Mới đây vào đầu năm 2015, Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ hơn 10 tấn TPCN giả. Số hàng bị bắt giữ gồm nhiều sản phẩm đang được nhiều người ưa chuộng như: sữa ong chúa nhãn hiệu Costa/Royal Jelly, Collagen, Glucosamine, Omega 3, Đông trùng hạ thảo, thực phẩm giảm béo… Những lọ TPCN được làm giả một cách tinh vi, nếu bằng mắt thường khó có thể nhận biết. Khi cơ quan chức năng chọn ngẫu nhiên một số mẫu viên nang được quảng cáo là vi cá mập đi kiểm tra thì không tìm thấy thành phần vi cá mập nào mà hầu hết được làm từ bột đậu, natri và một số hoá chất khác có dư lượng độc hại như thuỷ ngân, cadmium gây nguy hiểm cho não bộ và hệ thần kinh khi sử dụng dài ngày. Đây là một thông tin khiến nhiều người vốn ưa chuộng TPCN không khỏi giật mình. Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã thừa nhận: Không phải tất cả các loại TPCN đều an toàn và có tác dụng như quảng cáo, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dùng. Thậm chí có người đang điều trị bằng thuốc do bác sĩ kê đơn nhưng khi nghe những lời quảng cáo “đường mật” đã bỏ thuốc quay sang TPCN làm mất cơ hội điều trị.

Trước những chiêu quảng cáo “có cánh” đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng như cải thiện sức khoẻ, sắc đẹp, giảm béo, phòng và điều trị các bệnh ung thư của TPCN như hiện nay đang làm những “tín đồ” của TPCN như rơi vào “ma đồ trận”. Và mặc dù đã có nhiều cảnh báo song do có nhiều người đặt niềm tin thái quá vào các loại TPCN, coi TPCN là thần dược có khả năng “cải lão hoàn đồng” nên dù giá cả rất đắt, các loại TPCN vẫn có đất sống. Vì vậy thời gian tới, rất mong có sự vào cuộc của các ngành chức năng trong công tác quản lý TPCN, xử lý nghiêm các trang mạng, đơn vị quảng cáo, các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm thông tin sai sự thật, thổi phồng một cách thái quá công dụng của các loại TPCN nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bản thân người dân cũng cần có nhận thức đúng để không mắc lừa, dù TPCN không phải là thuốc nhưng trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn về ngành y, thận trọng với những loại TPCN trôi nổi ngoài thị trường hay được quảng cáo là hàng “xách tay” vì khi chẳng may có vấn đề gì xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ thì người sử dụng sẽ chẳng không biết kêu ai?

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com