Đúng như cái tên cha mẹ đặt cho ông, cuộc đời nhà thơ Kỳ Khôi, làng Đô Quan, xã Nam Lợi (Nam Trực) là bao điều kỳ lạ của một con người biết vượt lên số phận khắc nghiệt để viết lên những vần thơ, những câu chuyện tràn đầy tinh thần lạc quan và lòng nhân ái.
Bị bệnh đậu mùa năm lên 6 tuổi, mẹ cõng chạy giặc bơi qua sông nên bị chạy hậu, chân phải tay phải dần co rút lại, đã bao lần, cậu bé Kỳ Khôi lặng lẽ khóc thầm khi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa vui vẻ chạy nhảy nô đùa... Nhưng chính trong nỗi chán chường, tuyệt vọng ấy, cậu bé dũng cảm và nghị lực đã tự an ủi mình: “Bò cũng là đi, lê cũng là đi. Mình vẫn còn đầu óc minh mẫn. Một ngày kia nhất định mình sẽ đứng trên đỉnh núi. Bởi, không đỉnh núi nào cao hơn ước mơ”. Sau rất nhiều cố gắng và cả đau đớn, cậu gượng bò dậy, lê đi và cuối cùng tự chống gậy đi được trong nước mắt chứa chan hạnh phúc của mẹ. Tuổi thanh niên phơi phới của Kỳ Khôi đúng vào những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Không được lên đường tòng quân, trực tiếp cầm súng chiến đấu như bao thanh niên thời ấy, từ năm 1964, anh viết cho Báo Quân khu Ba những mẩu chuyện nhỏ, ca ngợi tinh thần chiến đấu của dân quân du kích địa phương, trong đó có mẩu chuyện “Dưới ánh trăng”. Sự cổ vũ của bạn đọc đã cho anh thêm động lực và tự tin để tiếp tục viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam các bút ký, tùy bút với nhiều nội dung phong phú như: tòng quân, xây dựng hậu phương, những vấn đề nổi bật của thời chiến diễn ra ở địa phương. Sau đó, anh viết cho Báo Nam Hà và tạp chí của Ty Văn hóa các tin, bài về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phản ánh khí thế thi đua sôi nổi xây dựng miền Bắc XHCN. Năm 1971, “Thắng bão” - vở kịch đầu tiên của anh đăng trên tạp chí của Ty Văn hóa Nam Hà đã đạt giải A tại Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn miền Bắc. Tiếp đó, là các vở “Trước lúc trời rạng” viết về phong trào cơ khí hóa nông nghiệp, “Cơn giông đầu mùa hạ” viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh viết bằng những vốn sống được tích lũy của thời trai trẻ, khi vẫn còn đủ sức chống gậy đi chơi với bạn bè khắp trong làng, ngoài xã, bằng cả niềm yêu mến cuộc đời và một tâm hồn giàu xúc cảm.
Nhà thơ Kỳ Khôi và cháu ngoại. |
Sau này, khi tuổi đã cao, không đi được đâu vì mỗi bước đi đều trở nên hết sức khó khăn, vất vả, nhưng ông luôn tự an ủi mình: “Hãy nhìn về phía trước”. Từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống được bạn bè, bà con hàng xóm đến chơi kể cho nghe, ông đã viết nên nhiều truyện ngắn xúc động, gợi nhiều suy nghĩ về tình người, tình đời như: “Một đứa trẻ ra đời”, “Bà Sợi”, “Chuyện tình chợ quê”, “Chị Hương”, “Bên kia sông còn nắng”, “Làng Đô”, “Chuyện đời thường”. Ông viết nhiều thể loại khác nhau, nhưng theo cảm nhận của nhiều người, thơ mới chính là sở trường của ông. Vài trăm bài thơ viết thay nhật ký, là nơi để ông gửi gắm biết bao nỗi niềm, khơi dậy trong mỗi chúng ta những tình cảm thật thiết tha, sâu lắng đối với quê hương, đất nước. Trong bài “Ngõ quê hương bưởi”, ông viết: “Ngõ quê sâu hun hút/ Khói chiều bay vấn vương/ Cổng giăng hàng san sát/ Hoa bưởi thầm dâng hương/ Người đi xa còn nhớ/ Hương bưởi thơm ngẩn ngơ/ Ngõ rắc đầy lỗ đáo/ Rơm phơi vàng giấc mơ/ Trời nắng hay mưa rét/ Bưởi vẫn nhớ ra hoa/ Mang tấm lòng của đất/ Dâng mùa xuân quê nhà”.
Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VHNT”. Nhiều bài thơ, truyện ngắn của ông được đăng trên báo, đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được chọn đưa vào Tuyển tập 30 năm thơ, văn Nam Định (1977-2007) của Hội VHNT tỉnh. Đó là phần thưởng xứng đáng cho lòng yêu văn chương của một người viết văn biết vượt lên sự kém may mắn của số phận. Nhưng đối với ông, cuộc đời còn dành cho ông thật nhiều ưu ái khi có một người vợ tần tảo, đảm đang, các con ông đều thành đạt, hiếu thảo./.
Bài và ảnh: Lam Hồng