Nhân đạo, từ thiện, “lá lành đùm lá rách” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đối với những người nghèo khó, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự bao bọc, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hiện nay, phong trào làm từ thiện đã trở nên rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, từ trường học, bệnh viện đến các khu dân cư. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động từ thiện đã làm mất đi ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc làm rất đáng trân trọng ấy, như phát thuốc, sữa sắp hết hạn cho người nghèo, trẻ em vùng đồng bào khó khăn, tặng quần áo quá cũ, rách… Mới đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), khi thấy một số người mang cơm và bánh bông lan đi phát miễn phí, nhiều thân nhân, người bệnh đang điều trị trong bệnh viện, người bán hàng rong, bán vé số… đến xin. Mở hộp cơm từ thiện vừa nhận được, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng khi thấy cơm trong hộp đã bốc mùi ôi thiu, không thể ăn được nên mọi người đành phải bỏ vào thùng rác trong sự tiếc nuối và cảm giác buồn tủi! Nhắc đến chuyện làm từ thiện, tôi chợt nhớ đến nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Liên, một trong 6 nữ Anh hùng Lao động của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trước đây, nhớ đến cách làm từ thiện của bà. Khu dân cư Hưng Yên (phường Quang Trung - TP Nam Định) - nơi bà ở có nhiều hộ nghèo, với trách nhiệm là bí thư chi bộ, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, bà lại tự tay mình gói những tấm bánh chưng hay may những bộ quần áo mới mang đến từng nhà giúp họ ấm lòng trong những ngày Tết. Mùa mưa bão năm 2009, miền Trung ngập lụt, bà cùng các phật tử, một số nhà chùa cùng cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái đã đứng ra vận động, quyên góp được trên 5 tấn gạo, hàng trăm bộ quần áo mang vào trao tận tay bà con vùng bão lũ tại thôn Liên Trung, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Những bộ quần áo cũ quyên góp được, bà tự tay giặt giũ, đơm lại cúc, sửa lại khoá rồi gấp thành từng bộ, bộ cho người già, bộ dành cho con trẻ đóng vào túi ni lông cẩn thận nên bộ nào mang vào, bà con cũng đều mặc được. Thấy còn quá nhiều hoàn cảnh khó khăn sau bão, Tết năm đó, bà lại bỏ ra 2,5 triệu đồng, mua vải về tự tay cắt và thuê người may 200 bộ quần áo cho các cụ già cùng 2 tấn gạo mang vào cho người dân xã Đức Liên khiến bà con hết sức cảm động.
Người xưa đã có câu “của cho không bằng cách cho”, cho bằng tấm lòng thiện nguyện thì những manh quần, tấm áo dù cũ nhưng được gấp phẳng phiu cũng thể hiện được tấm lòng và làm ấm lòng người nhận. Bằng không ngược lại, nếu ai đó coi việc làm từ thiện là làm cho có, làm theo phong trào thì vô hình, chúng ta sẽ làm tổn thương những con người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống!
Phương Mai