Cần có biện pháp bảo tồn kiến trúc làng cổ Dịch Diệp

09:12, 26/12/2014

Làng Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) ngày nay được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 11 dưới thời Vua Lý Thái Tổ tên gọi là Dịch Diệp Trang. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân - Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ. Khu văn hóa đầu làng có đền, chùa, văn chỉ, văn đàn, y chỉ, cây đa, cây đề cổ thụ với tuổi đời đến 700-800 năm. Giữa làng có ngôi đình to rộng là nơi tổ chức hoạt động văn hóa của cộng đồng và mở hội yến lão mừng thọ các bậc cao niên vào rằm tháng Giêng hằng năm. Uốn lượn theo đường bao quanh làng là con sông Dịch Diệp hiền hòa, vừa tạo cảnh quan sinh động trên bến dưới thuyền, vừa góp phần mở mang giao thương buôn bán của dân làng với các nơi khác. Địa thế của làng Dịch Diệp được ví như một con thuyền dong buồm hướng ra Biển Đông, trong đó mũi thuyền là chính cổng làng phía Nam hướng ra biển, đuôi thuyền hướng về phía Tây, tiếp giáp với thôn An Lãng. Đầu thế kỷ 20 đường làng được kê đá tảng một hàng, đến năm 1942 đã được lát vỉa bằng gạch nghiêng với mặt rộng 2m. Xưa kia, làng Dịch Diệp có 3 cổng Tây, Nam, Đông Bắc. Qua thời gian và những năm tháng chiến tranh, hiện tại, làng chỉ còn giữ được một cổng phía Nam nối liền với cây cầu cuốn được xây dựng từ năm 1864 bằng đá khối cực kỳ chắc chắn với chiều dài 30m, chiều rộng 3,5m. Nhà văn hóa làng hiện tại chính là đình làng còn có bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện Tục Khả Phong” do Vua Tự Đức ban tặng làng Dịch Diệp với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau. Chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự” xây dựng từ xa xưa, không rõ niên hiệu, chỉ biết chuông chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (tức năm 1818). Chùa đã được người dân liên tục trùng tu trong nhiều năm qua. Trước cửa chùa là cây bồ đề có tuổi đời 700-800 năm. Đền làng còn lưu giữ 2 bức hoành phi cổ ghi “Dịch Diệp Hy Long” và “Tam Linh Hiệp Quyến” thờ tam vị thành hoàng là Chương Tấu đại vương Nguyễn Công Văn, Lậu Khê đại vương Nguyễn Công Tham và Phạm Vũ đại pháp thiền sư Nguyễn Công Phạm. Cả 3 vị đều có công giúp dân mở rộng điền địa, dạy điều hay, trừ điều hại, dùng nhân nghĩa kết nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây và họ đều là tướng cầm quân đóng góp công lao lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm.

Các cổng nhà cổ tại làng cổ Dịch Diệp thuộc xã Trực Chính (Trực Ninh).
Các cổng nhà cổ tại làng cổ Dịch Diệp thuộc xã Trực Chính (Trực Ninh).

Cùng với các công trình công cộng kiến trúc cổ chung, làng Dịch Diệp còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ của cổng nhà và nhà ở người dân nơi đây. Ông Trần Duy Hội, trưởng thôn Dịch Diệp cho biết: “Hiện tại, làng còn 2 ngôi nhà có hơn 100 năm tuổi và hơn 10 cổng nhà”. Theo chân trưởng thôn dọc các dong ngõ kiến thiết kiểu ô bàn cờ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Phạm Phúc Biền nay đã 81 tuổi, cụ cho biết: “Ngôi nhà cổ gia đình tôi đang sinh sống đã có hơn 150 năm. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay cùng sân vườn với tổng diện tích 240m2. Nhờ gia đình quyết tâm giữ gìn nên các họa tiết trang trí ở các kèo, cột và sập gụ, bàn ghế của căn nhà gần như nguyên vẹn”. Chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên các đường dong, ngõ xóm, ngắm nhìn các cổng nhà xưa còn lại. Cổng thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu hơn. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả nhà. Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu; trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối. Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà. Mái cổng thường lợp ngói. Mỗi góc mái đều có đầu đao và các họa tiết trang trí như cổng đình, chùa. Đến nay hầu hết các cổng nhà cổ ở làng Dịch Diệp đều đã bị phong hóa, nhiều họa tiết trang trí hoặc câu đối của các vị tiền nhân xưa trên cổng nhà cũng bị mờ hoặc nhạt dần đi. Ông Hội cho biết: “Để gìn giữ được các cổng nhà như hiện trạng, tôi thường xuyên phải đi động viên, góp ý, khuyên các gia đình giữ lại nguyên vẹn. Bản thân tôi đi mượn máy ảnh chụp và lưu giữ lại hình ảnh các cổng làng xưa để làm tư liệu phục dựng, tôn tạo khi có điều kiện”. Ông Hội tâm sự, các văn bia, văn chỉ tại các ngôi đền, chùa của làng nay đều đã mờ nhạt, trong làng không còn ai biết chữ Hán Nôm nên mặc dù làng niên đại cổ vậy nhưng chưa có công trình nào được xếp hạng di tích. Thời gian qua, ông đã liên hệ mời các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về nghiên cứu và dịch các chữ Hán Nôm trên các văn bia và tài liệu thư tịch cổ của làng để xác định chính xác niên đại cũng như lịch sử các công trình của làng làm căn cứ đề nghị công nhận di tích các cấp để tạo cơ hội bảo tồn các công trình.

Để gìn giữ được hồn quê của làng Dịch Diệp ngày nay, không chỉ là công việc của riêng các cơ quan chức năng mà còn cần có cả sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư địa phương nơi đây trong việc lưu trữ bảo tồn các nét đẹp về thuần phong mỹ tục, công trình kiến trúc cổ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com