Nhà thơ Trần Hồng Giang - Nghị lực vượt lên số phận

10:11, 07/11/2014

Hơn 10 năm trước, khi Trần Hồng Giang xuất bản tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mùa hè” (năm 2003), chúng tôi có dịp viết bài và giới thiệu về anh - một nghị lực phi thường vượt lên số phận trong hoạt động sáng tác văn học tỉnh nhà. Sinh năm 1974 tại xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng), lên 5 tuổi, cậu bé Trần Hồng Giang bị một chấn thương nặng vào đốt sống cổ, làm thân thể bại liệt. Nhớ về những năm tháng tuổi thơ, Giang tâm sự: “Những ngày đầu, với tâm hồn thơ trẻ của một đứa bé 5 tuổi, tôi vẫn chưa ý thức được về sự khác biệt giữa cuộc sống của mình với mọi người. Thương con bại liệt, cha mẹ đưa tôi ra Hà Nội để chữa trị, nhưng rồi sau nửa năm ở Hà Nội, đến các bệnh viện… để rồi cuối cùng tôi lại trở về nhà trong nỗi thất vọng tột cùng. Tuổi 15, tôi đã ý thức được về sự tồn tại của mình, tâm hồn luôn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng…”.

Những lúc Giang rơi vào sự tuyệt vọng, ông Trần Hồng Sâm, bố anh luôn gần gũi, động viên con. Là một cựu chiến binh, thương binh, nhà giáo trước cảnh ngộ của con trai, vợ chồng ông tìm mọi cách chữa bệnh cho con, nhưng lực bất tòng tâm, vì Giang mắc bệnh trọng. Để động viên con, ông Sâm thường kể cho Giang nghe chuyện về nhà bác học vật lý Stephen Hawking, cũng chỉ với một cái đầu còn ngúc ngắc được nhưng ông đã trở thành một con người vĩ đại, được cả thế giới kính phục, nể trọng. Rồi những câu chuyện về nghị lực vượt lên khuyết tật trở thành những nhà giáo, nhà thơ trong nước như: Về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người con Nam Định đã trở thành tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt lên khó khăn; ở Thái Bình có nhà văn Trần Văn Thước phải bó chân mình vào nẹp sắt để đứng viết và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thì nằm ngửa hoặc nằm nghiêng mà viết; còn ở Quảng Ngãi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết trong tư thế nửa nằm nửa ngồi... Những tình cảm thấm đượm tình phụ tử của người cha và những người thân trong gia đình đã giúp Giang dần quên đi những ám ảnh về khuyết tật, hướng tới những suy nghĩ tốt đẹp và khát vọng sống, không đầu hàng, buông xuôi trước số phận.

Buổi ra mắt tập trường ca
Buổi ra mắt tập trường ca "Thương lắm quê mình" của nhà thơ Trần Hồng Giang.

Bị bại liệt, chuyện học chữ với Giang là một thử thách. Nằm bất động trên giường, tập viết chữ, Giang phải dùng tay, áp chiếc bút chì vào má, tập viết từng nét… Khoảng cách từ đôi mắt của Giang với trang sách chừng 10cm, mỗi nét chữ Giang viết thành công thấm đầy nước mắt… Sau 2 năm luyện chữ, Giang đã biết đọc và viết thành thạo. Bước ngoặt đến với Giang khi được người anh họ tặng bộ máy vi tính. Những ngón tay bại liệt không thể gõ được lên bàn phím, Giang khắc phục bằng cách cắn một chiếc đũa vào miệng rồi cứ thế mổ cò lên từng phím chữ. Bàn tay cong queo không thể điều khiển con chuột, Giang thay thế bằng cách kẹp chuột vào má rồi gục gặc cái đầu để rê chuột. Khi có mạng in-tơ-nét, Giang tự tìm kiếm trang web dạy tiếng Anh và các phần mềm hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ. Với nghị lực không cam chịu số phận, Giang quyết tâm tự học, tìm hiểu kiến thức qua tài liệu; dịch thông thạo ngoại ngữ. Nỗ lực vượt lên bệnh tật của Giang được đền đáp. Anh trở thành cộng tác viên cho một tạp chí biên dịch những bài viết chuyên ngành từ báo chí nước ngoài; sau đó làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo. 35 năm nằm liệt giường, nhưng đến nay, Trần Hồng Giang đã được nhiều độc giả biết đến, qua một số lượng không nhỏ những bản dịch và bài viết được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và các địa phương. Năm 2006, Trần Hồng Giang được kết nạp vào bộ môn thơ trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh. Trong hoạt động sáng tác văn học, Trần Hồng Giang là tấm gương sáng về một nhà thơ khuyết tật. Anh sáng tác thơ để bày tỏ tình cảm và những thụ cảm cá nhân với cuộc sống. Nhiều bài thơ và truyện ngắn của anh đã được các báo và tạp chí như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Tài Hoa Trẻ, Mực tím, Áo trắng, Văn nhân… giới thiệu. Năm 2003, tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mùa hè” của Trần Hồng Giang đã được Hội VHNT Nam Định xuất bản. Năm 2011, anh ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 2: “Chuồn chuồn phố” (NXB Hội Nhà văn). Trường ca “Thương lắm quê mình” là tập thơ thứ ba của Trần Hồng Giang do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2014. Trường ca gồm 32 trang với 6 chương: Dấu vết thời gian; Đất học tình quê; Lặng lẽ đồng chiêm; Mặn mòi tình biển; Làng trầm phố Dệt và Thao thức chốn quê. Chủ đề xuyên suốt trong trường ca là tình yêu và tấm lòng của anh với nơi sinh thành, quê hương và người Nam Định: “Nam Định quê mình ơi! Nơi tôi sinh ra và lớn lên/ Nơi hồn tôi chìm đắm trong từng lời ru của mẹ/ Nơi nước sông Đáy, sông Ninh xuôi theo dòng ra bể/ Nơi ngọt ngào hương lúa chín đồng chiêm…”.

Trần Hồng Giang đã được tặng nhiều giải thưởng: Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về Những kỷ niệm sâu sắc (Đài Tiếng nói Việt Nam - 2005); Giải khuyến khích cuộc thi viết về những người phụ nữ vượt lên số phận (Báo Lao Động - 2007). Anh là một trong số 50 gương mặt tiêu biểu nhất của người khuyết tật Việt Nam góp mặt trong cuộc triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Trong buổi ra mắt trường ca “Thương lắm quê mình” của Trần Hồng Giang, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng nhận xét: “Nhà thơ Trần Hồng Giang là một hình ảnh, một tấm gương vượt khó. 40 tuổi đời, 35 năm nằm liệt vì căn bệnh hiểm nghèo, nhưng Giang vượt lên chính mình nhờ nghị lực.

Sáng tác của Trần Hồng Giang luôn luôn hướng tới những giá trị “chân, thiện, mỹ” - một con người, một hồn thơ dạt dào tinh thần lạc quan, khát vọng, nhất là tình yêu, niềm tự hảo về quê hương đất nước, xứng đáng là tấm gương sáng để cho thế hệ trẻ học tập”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com