Đã thành thông lệ, vào ngày cuối tuần, những người yêu thích sưu tầm kỷ vật ở trong và ngoài tỉnh lại tìm về với phiên chợ kỷ vật xưa nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ số 729 đường Trường Chinh (TP Nam Định). Với 15 gian hàng trưng bày theo từng chủ đề như: thư tịch cổ; kỷ vật chiến tranh; vật dụng thời bao cấp; tem thư… có tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm giúp những người đến chợ hồi tưởng, hình dung về những sinh hoạt văn hóa tinh thần của người xưa; sống lại với ký ức về những năm tháng chiến tranh hào hùng, những kỷ niệm của thời bao cấp… Người đến chợ không chỉ để mua, bán hàng mà còn trao đổi thông tin về ý nghĩa của từng món hàng.
Gian hàng kỷ vật chiến tranh. |
Phiên chợ đồ xưa này mới được hình thành năm 2013 từ ý tưởng tạo sân chơi để trưng bày, trao đổi kỷ vật; chia sẻ giá trị văn hóa xưa và truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa, di sản của dân tộc tới cộng đồng của các thành viên trong Hội Cổ vật Nam Ninh (TP Nam Định). 22 hội viên của Hội Cổ vật Nam Ninh đã gom góp kỷ vật theo 15 chủ đề chính, tập hợp tại văn phòng hội và thống nhất sinh hoạt vào sáng thứ 7 hằng tuần. “Tiếng lành đồn xa”, dần dà mỗi buổi sinh hoạt hội lại thu hút thêm hàng chục khách ở trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trao đổi, mua bán lại kỷ vật. Đáp ứng nhu cầu của người yêu thích kỷ vật xưa, Ban chủ nhiệm Hội Cổ vật Nam Ninh vừa tiếp nhận kỷ vật của khách hàng mang đến trao đổi, trưng bày, vừa tìm kiếm những kỷ vật theo yêu cầu của khách tham quan và mở rộng không gian, thời gian sinh hoạt hội sang cả ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Hàng nghìn kỷ vật đã được trao đổi, trưng bày, gồm các loại đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày bát sành, đèn dầu, đồng hồ, dụng cụ lao động, phương tiện đi lại đến các loại tiền mệnh giá cũ, các loại sách, tranh ảnh, thư tịch và đồ mỹ nghệ… Theo yêu cầu, nguyện vọng của khách hàng, Ban tổ chức phiên chợ còn đặt hàng các nghệ nhân tài hoa ở các làng nghề truyền thống của cả nước như gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương); tranh sơn mài làng Hạ Thái (Hà Tây); đúc đồng Tống Xá huyện Ý Yên (Nam Định); khảm trai, ốc Chuôn Ngọ (Hà Tây)… mô phỏng lại những tác phẩm mỹ nghệ kinh điển của cha ông để lại ở mọi lĩnh vực như hội họa, gốm sứ, sơn mài, mộc mỹ nghệ… để cung ứng cho khách hàng. Cũng bởi thế, hàng hóa ở đây không thể định giá chính xác, cũng không ồn ào mời chào huyên náo như những buổi chợ phiên thông thường. Chợ kỷ vật xưa diễn ra lặng lẽ, người bán, người mua, người ngắm nghía, quan sát đều trầm ngâm như sợ cắt ngang dòng ký ức của những người xung quanh khi chiêm ngưỡng những kỷ vật xưa. Thi thoảng một vài khách hàng hồ hởi reo lên khi bắt gặp món đồ mình tìm kiếm bấy lâu hoặc tìm lại được ký ức xưa qua kỷ vật đó. Lúc này mọi người xung quanh mới quay sang chúc mừng, chia sẻ cảm xúc và thậm chí sẵn lòng nhường đổi kỷ vật cho chủ nhân mới. Tại gian hàng trưng bày kỷ vật chiến tranh, ông Nguyễn Xuân Trường đang chỉ dẫn cho cậu cháu trai biết về những vật dụng mà ông và các đồng đội của ông đã sử dụng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc như bi đông đựng nước, ba lô, áo chấn thủ, mũ tai bèo… Với ông, những kỷ vật này thấm đẫm bao máu xương của đồng đội và lưu giữ biết bao kỷ niệm về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của lớp lớp thanh niên thế hệ ông đã trải qua. Không chỉ lớp người lớn tuổi muốn đến đây tìm lại các món đồ gắn bó với họ trong ký ức xưa, nhiều thanh niên đến tham quan và mua sắm vì niềm yêu thích với đồ mỹ nghệ. Bạn Trần Trung Thành từ Hà Nội về Nam Định dự phiên chợ kỷ vật xưa cho biết: “Lần đầu tiên mình đến với phiên chợ kỷ vật xưa đặc biệt này qua lời giới thiệu của một bạn học người Nam Định. Đến đây, mình có cảm giác gần gũi, thân thuộc như được trở về không gian xưa với hàng loạt kỷ vật như tem phiếu mậu dịch; chiếc thuyền gang tán bột cho trẻ em, chiếc xe đạp Nam Hà có đeo biển số trên khung, chiếc đài Melodia; điện thoại quay số… là những thứ trước đây, ông bà, bố mẹ mình dùng sinh hoạt hằng ngày và nuôi lớn mình. Lần này mình mua một chiếc đồng hồ hiệu “Con gà” do Liên Xô sản xuất về tặng bố mẹ nhân kỷ niệm 45 ngày cưới của ông bà”. Đúng với ý nghĩa phiên chợ kỷ vật xưa, không ít vật dụng do các thành viên Hội Cổ vật Nam Ninh sưu tầm đã tìm về lại được với chủ nhân xưa. Anh Vũ Mạnh Trường, Hội trưởng Hội Cổ vật Nam Ninh kể lại câu chuyện xúc động về một cựu chiến binh người Pháp ở tuổi 80 đã đến tận gian hàng của anh tìm mua lại được chiếc bi đông đựng nước có khắc chữ ký của ông trên vỏ. Người cựu chiến binh này tình cờ phát hiện ra hình ảnh chiếc bi đông mà ông đã sử dụng trong suốt thời kỳ tham gia trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam qua hình ảnh chụp các hiện vật chiến tranh mà anh giới thiệu trên Website của Hội Cổ vật Nam Ninh. Ngay khi biết chính xác chiếc bi đông còn đó, người cựu chiến binh đã quay trở lại Việt Nam tìm lại kỷ vật của mình. Xúc động trước tình cảm đó, Hội Cổ vật Nam Ninh đã trao tặng lại chiếc bi đông cho người cựu binh ngoại quốc trong sự mừng vui ngỡ ngàng và lòng cảm phục nghĩa cử cao đẹp của những người bạn Pháp. Song hành với mục tiêu trao đổi hàng hóa, giúp khách hàng tìm lại ký ức xưa, phiên chợ kỷ vật xưa còn làm tốt vai trò lưu giữ bảo tồn kỷ vật phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hiện tại, Hội Cổ vật Nam Ninh đang hoàn thiện nốt những hạng mục cuối cùng trong công trình nhà trưng bày hiện vật văn hóa dân gian tại xã Trực Hùng (Trực Ninh) để tái hiện lại không gian văn hóa của một số vùng miền tiêu biểu trong toàn quốc.
Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng phiên chợ kỷ vật xưa đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân trong và ngoài tỉnh. Đây chính là cách tuyên truyền tốt nhất góp phần lưu giữ và bảo tồn các kỷ vật tại Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy phong trào sưu tầm và gìn giữ cổ vật. Không ít người đã bắt đầu bộ sưu tập của riêng mình với những món đồ, những kiến thức, kinh nghiệm học được ở đây để thêm yêu thêm trân trọng những giá trị văn hóa của bao thế hệ người đã góp phần hình thành bồi đắp bản sắc văn hóa Việt./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương