"Cạm bẫy" từ bán hàng đa cấp

07:09, 19/09/2014
Phải thuyết phục nhiều lần, tôi mới được bà T, một tiểu thương ở chợ Rồng dẫn tới văn phòng chi nhánh tại Nam Định của một Cty bán thực phẩm chức năng có trụ sở đặt tại Hà Nội để tìm hiểu hoạt động bán hàng đa cấp. Chi nhánh Cty này được đặt tại Thành phố Nam Định, phòng làm việc và phòng hội nghị treo tràn lan biển hiệu, ảnh lãnh đạo Cty, các sản phẩm chức năng. Được biết, từ giữa tháng 5-2014, chi nhánh này đã khai trương, sau đó tổ chức nhiều hội nghị khách hàng, có đại diện Cty về giới thiệu sản phẩm, thậm chí mời các thành viên lên tham quan trụ sở Cty tại Hà Nội. Đối tượng của hội nghị khách hàng khá đa dạng, là các tiểu thương, người không có việc làm ổn định, trình dược viên, sinh viên… Biết tôi là người được bà T giới thiệu, giám đốc chi nhánh còn khá trẻ, nhiệt tình giới thiệu các sản phẩm. Theo lời giới thiệu, hiện tập đoàn có 9 sản phẩm chức năng chia làm 3 nhóm gồm: tăng cường hệ miễn dịch, chức năng tiêu hoá, tim mạch, vận động, phòng the… với giá các sản phẩm từ 450-690 nghìn đồng/lọ. Thấy tôi có vẻ băn khoăn về giá cả, giám đốc chi nhánh lập tức nói thẳng, nếu tham gia vào hoạt động bán hàng của tập đoàn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Điều kiện để vào làm thành viên (được cấp mã số) của tập đoàn cần chứng minh thư, thẻ ATM, mã số thuế (nếu chưa có tập đoàn sẽ làm), ảnh 3x4cm, cộng với chi phí duy trì một đường link trên trang web của tập đoàn là 250 nghìn đồng. Hấp dẫn hơn cả là các chính sách được chia hoa hồng mà người tham gia được hưởng… 
 
Sinh viên - đối tượng dễ bị lôi kéo vào hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Sinh viên - đối tượng dễ bị lôi kéo vào hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Theo chân em họ là sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tôi được tiếp cận chi nhánh bán hàng tại Thành phố Nam Định của Tập đoàn dược liệu có trụ sở đặt tại Thành phố Hải Dương. Trong ngôi nhà không có biển hiệu nhưng lúc này có khá đông người. Bằng giọng nhỏ nhẹ, dễ nghe, vị trình dược viên đang “diễn thuyết” về tác dụng của các thực phẩm chức năng mà tập đoàn đang kinh doanh. Theo lời diễn thuyết của trình dược viên, sản phẩm của tập đoàn được chiết xuất dựa trên nền văn hoá dưỡng sinh 5.000 năm Trung Hoa kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm điều chỉnh giúp người sử dụng có những kỳ tích về sức khoẻ. Các loại sản phẩm của tập đoàn khá đa dạng: bổ sung canxi; tăng cường hệ miễn dịch; bảo vệ tim mạch; chống bức xạ bảo vệ đường ruột; phát triển trí não; sản phẩm chăm sóc cá nhân, dòng hoá mỹ phẩm... với giá khá đắt, từ 500 nghìn đến vài triệu đồng/sản phẩm và cũng thực hiện chế độ bán hàng đa cấp với chiết khấu hoa hồng cho người tiêu thụ sản phẩm. Để tăng tính thuyết phục, trình dược viên còn giới thiệu clip lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc với tập đoàn; danh sách những người nổi tiếng đang sử dụng sản phẩm...
 
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), hiện toàn quốc có hơn 1,2 triệu người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm 90%. Xét trên góc độ kinh tế, bán hàng đa cấp góp phần tăng trưởng chỉ số bán lẻ các sản phẩm và tạo thu nhập cho một số người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, một số doanh nghiệp, tổ chức đã lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để kiếm lời bất chính, kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội. Một người am hiểu về kinh tế cho biết: Thực tế mạng lưới bán hàng đa cấp thường chỉ dành một phần cho sản xuất, còn lại là chi phí cho các đại lý, các đối tượng tham gia. Do giá thành các sản phẩm cao, trong khi chi phí nguyên liệu sản xuất khá thấp nên các sản phẩm này thường ít được người tiêu dùng lựa chọn mà chủ yếu bán cho những người tham gia trong mạng lưới. Vì vậy, để thuyết phục những người mới tham gia, những người tổ chức bán hàng đa cấp bất chính đã cường điệu hoá vai trò của các thực phẩm chức năng và thường không công bố các thành phần của sản phẩm. Tuy nhiên, điều khiến việc bán hàng đa cấp bất chính nguy hại ở chỗ biến những người tham gia bán hàng đa cấp vào hoạt động kinh doanh lừa dối, họ vừa là đối tượng tuyên truyền sản phẩm đồng thời cũng là nạn nhân. Bà H, một người từng tham gia bán hàng đa cấp tại Thành phố Nam Định cho tập đoàn thực phẩm chức năng có trụ sở tại Mỹ cho biết, lúc đầu nghe giới thiệu chỉ cần đóng vài triệu đồng một lần là mua được sản phẩm chức năng tăng cường sức khoẻ, nếu giới thiệu càng nhiều người tham gia cùng bán hoặc sử dụng sản phẩm sẽ được thưởng tiền hoa hồng, bù lại chi phí mua thuốc. Sau khi tham gia mua hàng 2 tháng, bà H nhận ra thực chất hoạt động của Cty này là kinh doanh đa cấp bất chính bằng việc lấy tiền người này trả cho người khác. Vì tiếc số tiền gần 20 triệu đồng đã bỏ ra, bà có ý nghĩ lôi kéo một số người khác tham gia để rút được tiền gốc. Nhưng nghĩ lại, không vì đồng tiền mà đánh mất danh dự, uy tín, nên bà đã không tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và chịu chấp nhận mất số tiền đã bỏ ra. Không chỉ lừa dối người thân, bạn bè, nhiều trường hợp tham gia bán hàng đa cấp gặp hậu quả đáng tiếc vì chạy theo ảo tưởng lợi ích không có thực. Em X, sinh viên một trường cao đẳng cho biết, lớp em có trường hợp sau khi tham gia bán hàng đa cấp khoảng một tháng, người bạn đã đề cập mục tiêu trong năm tới: mua xe máy, xây nhà mới cho bố mẹ… Để bán được hàng, cậu ta phải nhịn ăn sáng, không mua sách vở, nợ học phí để mua sắm quần áo, điện thoại sành điệu, chiêu đãi bạn bè chứng tỏ công việc kinh doanh thuận lợi để tạo lòng tin, lôi kéo mọi người tham gia. Tuy nhiên, đến cuối năm học vì nợ học phí mà sinh viên ấy bị nhà trường cho thôi học.
 
Để đưa hoạt động kinh doanh đa cấp vào nền nếp, ngày 14-5-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Ngoài quy định những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp; trình tự, thủ tục đăng ký, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; tuyển dụng, đào tạo và quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; hoạt động của doanh nghiệp, người bán hàng đa cấp; cách ký quỹ…, Nghị định 42 cũng quy định rõ ràng những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định, phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp… Với người tham gia bán hàng đa cấp không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia… Trong lúc các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan, theo một số chuyên gia về kinh tế, người dân cần tỉnh táo xác định các biểu hiện kinh doanh bất chính, bởi khi tham gia các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lợi nhuận không phát sinh từ việc bán sản phẩm mà chủ yếu từ việc thu phí của người tham gia./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com