Vì sao chương trình "Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn" ở Giao Thủy hoạt động chưa hiệu quả?

07:08, 30/08/2014

Năm 2012, huyện Giao Thủy là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai, đưa vào sử dụng Chương trình “Thư viện điện tử khoa học công nghệ nông thôn” theo chủ trương xã hội hóa hoạt động thư viện. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, mô hình không đạt được mục tiêu đề ra.

Từ một điểm sáng về xã hội hóa hoạt động thư viện…

Tháng 5-2012, từ sự tài trợ của ông Vũ Kông Xuất ở xóm 7, Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy), công trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” trị giá 800 triệu đồng được huyện Giao Thủy tiếp nhận và giao cho Trung tâm VH-TT huyện quản lý, khai thác phục vụ bạn đọc. Công trình đã trở thành “sự kiện” trong công tác xã hội hóa hoạt động thư viện ở Giao Thủy. Đồng chí Bùi Văn Khôi, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Công trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” ở Giao Thủy có quy mô về lượng tài liệu tương đương với vốn tài liệu của một thư viện cấp tỉnh, có thể đáp ứng mọi nhu cầu thông tin giải trí, học tập, nghiên cứu của người dân. Đặc biệt, với mục đích phổ biến kiến thức khoa học, thông tin chuyển giao công nghệ phục vụ công cuộc xây dựng NTM, dữ liệu của thư viện giúp người dân tiếp cận với những thông tin thiết thực cho hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống; góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thư viện điện tử huyện Giao Thủy không hoạt động do hệ thống máy vi tính hư hỏng, không có kinh phí sửa chữa.
Thư viện điện tử huyện Giao Thủy không hoạt động do hệ thống máy vi tính hư hỏng, không có kinh phí sửa chữa.

Công trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” là kho kiến thức phong phú và tiện dụng trong việc tìm kiếm và tra cứu thông tin với khoảng 55.165 tài liệu toàn văn đã được số hóa (mỗi tài liệu tương đương với một cuốn sách từ 100-300 trang). Các tài liệu này tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật nuôi các loại thủy, hải sản, kỹ thuật chế biến các món ăn, kỹ thuật sửa chữa và chế tạo các loại máy cơ khí, điện, điện tử, xây dựng, kỹ thuật; các tài liệu y học về chăm sóc, rèn luyện sức khỏe, nuôi dạy con cái, phòng chữa bệnh ở người cao tuổi; các tập tục, nghi lễ truyền thống của các vùng, miền… Công trình còn có 424 phim khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực giống; cây con; chăn nuôi; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản; máy móc thiết bị nông nghiệp; trồng rừng; chế biến nông sản; thú y; công nghệ sau thu hoạch; thổ nhưỡng; y tế; văn hóa; du lịch và dịch vụ; giao thông nông thôn; quy hoạch; ẩm thực. Thời lượng các phim khoảng 35-45 phút. Ngoài hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên, công trình "Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn" còn bao gồm 10 máy tính để bàn được kết nối mạng in-tơ-nét, 1 máy chiếu đa năng và 11 bộ bàn ghế đọc tài liệu phục vụ độc giả tới tra cứu thông tin.

Đến những “bất cập” khi đưa vào khai thác!

“Từ nhiều tháng nay, “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” ngừng hoạt động… vì hệ thống máy vi tính hỏng, máy chủ không hoạt động” - chị Phạm Thị Bích Nụ, cán bộ phụ trách công tác thư viện huyện Giao Thủy cho biết. Toàn bộ thư viện bao gồm: kho chứa sách, bàn đọc sách, báo, phòng tra cứu thư viện điện tử… chỉ với diện tích gần 40m2. Không có trụ sở riêng, trang thiết bị thư viện nghèo nàn, thiếu thốn hoặc cũ hỏng, xuống cấp; mặt khác, cán bộ thư viện huyện Giao Thủy chỉ có 1 người phụ trách, nhiều khi phải kiêm nhiệm thêm việc khác, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Cũng được đầu tư từ chủ trương xã hóa hoạt động thư viện, chương trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” xã Giao Tiến được đưa vào sử dụng từ năm 2011 do ông Vũ Kông Xuất tài trợ trị giá 400 triệu đồng. Hiện nay, cũng do nhiều nguyên nhân, mô hình này đã không hoạt động hiệu quả. Theo dự án, 7 bộ máy vi tính sau 3 năm khai thác, đến nay đều xuống cấp cũ, hỏng…

Từ thực trạng hoạt động kém hiệu quả của chương trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” huyện Giao Thủy và xã Giao Tiến cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra là do đối tượng bạn đọc. Đến với “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn”, đòi hỏi bạn đọc phải có kiến thức cơ bản và cách sử dụng vi tính, tra cứu tư liệu số. Nếu người dân đáp ứng tiêu chí này, sẽ được cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời những thông tin khoa học và công nghệ về kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, về cây trồng, vật nuôi có sản lượng và giá trị kinh tế cao, được thông tin chính xác về giá cả và quy luật biến động của thị trường nông sản, cách thức tổ chức làng văn hóa. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, phần lớn độc giả thường xuyên đến Thư viện huyện Giao Thủy và xã Giao Tiến là các cụ cao tuổi và các em thiếu nhi. Ông Trần Đình Bảo, Thị trấn Ngô Đồng tâm sự: Mỗi tuần, ông đến Thư viện huyện một lần, chủ yếu là đọc báo. Cũng như hầu hết các độc giả là người cao tuổi không sử dụng chương trình thư viện điện tử vì lý do… không biết sử dụng máy vi tính.

Để chương trình “Thư viện điện tử khoa học và công nghệ nông thôn” ở Giao Thủy phát huy hiệu quả, huyện Giao Thủy cần quan tâm đầu tư, xây dựng thiết chế thư viện, phòng đọc sách cơ sở một cách bền vững; bao gồm: nguồn lực sách báo; con người; trụ sở - trang thiết bị và kinh phí dành cho hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, thư viện cần được trang bị các phương tiện hiện đại như máy vi tính với phần mềm quản trị dữ liệu thống nhất để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý nghiệp vụ thư viện và phục vụ bạn đọc. Để thu hút bạn đọc, giúp người dân tiếp thu và vận dụng tri thức trong sách, báo một cách thiết thực vào công tác, học tập trong đời sống hằng ngày, hệ thống thư viện không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu mà phải thường xuyên cập nhật, đổi mới phương thức hoạt động; trong thời gian tới cần khôi phục và nhân rộng chương trình thư viện điện tử./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com