Về xóm 2, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) hỏi thăm chị Phạm Thị Dung, bí thư chi đoàn xóm, hầu như bà con ở đây ai cũng biết về tấm gương nỗ lực vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi của chị.
Chị Phạm Thị Dung, Bí thư chi đoàn xóm 2, xã Xuân Thượng thu hoạch lúa mùa. |
Tốt nghiệp THPT, chị Dung từng có thời gian theo bố mẹ đi buôn bán sắt vụn ở Hải Phòng. Lập gia đình năm 2003, chị Dung cùng chồng tiếp tục nghề buôn bán sắt vụn ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc… Năm 2007, theo chị Dung là thời điểm nghề sắt vụn có dấu hiệu “bão hòa” và bắt đầu gặp khó khăn. Vợ chồng chị bàn nhau trở về quê, quyết tâm lập nghiệp từ đồng ruộng. Chị Dung chia sẻ về quyết định làm giàu có phần “khác người” của cả 2 vợ chồng: “Chúng tôi cũng có rất nhiều băn khoăn, lo lắng khi trở về quê, không biết bắt đầu từ đâu để phát triển kinh tế gia đình. Quan sát thấy trong xã, một số gia đình để ruộng hoang hóa, tôi bàn với chồng mượn lại ruộng, cải tạo đất để trồng cấy”. Ban đầu, chị nhận 3 mẫu ruộng để cấy lúa. Do diện tích ruộng lớn, sức người làm sẽ không kịp, công sá để thuê người làm ngày càng đắt đỏ, vợ chồng chị quyết định đầu tư vốn mua máy móc đưa vào sản xuất để hỗ trợ công việc. Nghĩ là làm, vợ chồng chị gom góp hết vốn liếng, vay thêm anh em, bạn bè được 40 triệu đồng mua máy cày và máy tuốt lúa. Ngoài phục vụ sản xuất trên thửa ruộng của gia đình, vợ chồng chị còn đưa các loại máy phục vụ nhu cầu cày bừa, gặt hái của bà con… Vụ lúa đầu tiên, không phụ công người chịu khó, 3 mẫu ruộng của chị Dung cho năng suất cao, cộng thêm với công đi cày và tuốt lúa thuê, gia đình chị Dung thu về 40 triệu đồng. Mùa lúa đầu thắng lợi, vợ chồng chị có thêm quyết tâm để đầu tư cho những mùa lúa tiếp theo. Năm 2010, chị tiếp tục mượn thêm 7 mẫu ruộng bỏ hoang của các gia đình trong xã để trồng cấy. Nhận thấy, vào khoảng thời gian những năm 2009, 2010 trong xã và trong huyện chưa có máy gặt, vợ chồng chị mạnh dạn chung vốn cùng 3 gia đình khác đầu tư mua máy gặt đầu tiên trong huyện với giá 180 triệu đồng. Từ khi mua được máy gặt, công việc thu hoạch mùa màng của gia đình chị đỡ vất vả hẳn. Với 7 mẫu ruộng chỉ gặt trong khoảng 4, 5 ngày. Thời gian còn lại, chị sử dụng máy để gặt thuê. Cũng trong năm này, để giảm bớt công thuê cấy, hạn chế sức lao động, chị mua thêm 1 máy gieo sạ hàng. Thời gian đó, nhiều hộ gia đình ở Xuân Thượng sau thời gian bỏ bê đồng ruộng có xu hướng quay trở lại sản xuất. Rất nhanh nhạy, Chị Dung tiếp tục “hùn vốn” mua máy gặt thứ 2 để mở rộng địa bàn gặt thuê. Trừ chi phí, riêng tiền gặt và tiền cày thuê, chị Dung thu về 15 triệu đồng/vụ. Cộng với 7 mẫu ruộng cho năng suất khoảng 7 tấn lúa Bắc Thơm, nhập cho các đại lý, chị thu về 40 triệu đồng. Chị Dung cho biết: “Đây là thời điểm gia đình tôi huy động “tổng lực” để làm ăn kinh tế, ngoài cấy 10 mẫu ruộng, đầu năm 2013, gia đình tôi còn chung vốn mua thêm 1 máy cày bừa loại to với giá 220 triệu đồng. Mua được máy cày công suất lớn, gia đình chị tích cực mở rộng địa bàn cày bừa thuê cho các xã lân cận”. Năm 2013, cộng cả tiền bán lúa và tiền công gặt, cày bừa thuê, gia đình chị thu về gần 100 triệu đồng. Đến nay, vợ chồng chị đã trả hết nợ và có thêm tiền để góp mua máy.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, chị Dung còn là một bí thư chi đoàn nhiệt tình, một y tá thôn tận tụy với công tác y tế. Chia sẻ về những kế hoạch hoạt động Đoàn sắp tới, chị Dung cho biết, tháng 8 này, chi đoàn đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức trại thu cho các em thiếu niên, nhi đồng của xóm. Mặc dù chi đoàn hiện rất thiếu thanh niên nhưng không vì thế mà hoạt động Đoàn bị gián đoạn. BCH chi đoàn sẽ tiến hành vận động mọi nguồn lực, huy động bà con nhân dân trong xóm chuẩn bị trại thu cho các em.
Chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị đã thu được những “quả ngọt”. Chị đã có điều kiện sửa sang được nhà cửa, nuôi con cái học hành, mua được nhiều máy móc phục vụ nhu cầu sản xuất, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp của quê hương. Chị Dung xứng đáng là gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi cho nhiều thanh niên trong xã noi theo./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân