Nhịp sống một miền quê

08:06, 27/06/2014

Người dân xã Phương Định (Trực Ninh) đã không còn lạ bởi những công việc “lấy đêm làm ngày” của những người thợ bắt cua, cáy, lươn, trạch của người dân nơi đây. Công việc vất vả, cực nhọc, đổi những giọt mồ hôi giữa đêm khuya để chăm lo cho cuộc sống gia đình và phát triển kinh tế, ổn định trong tương lai.

Anh Ngô Văn Chế, thôn Phú Ninh đang chuẩn bị đồ nghề cho một đêm đi bắt cua, cáy.
Anh Ngô Văn Chế, thôn Phú Ninh đang chuẩn bị đồ nghề
cho một đêm đi bắt cua, cáy.

Về tới xã Phương Định vào những ngày này, khi những bóng đèn đường bật sáng, thì cũng là lúc những đoàn người, từng tốp một, kéo nhau túa ra các bờ sông, kênh mương dọc hai bên bờ sông Cái và các con mương, con ngòi xung quanh bắt đầu công việc cho tới tận sáng hôm sau. Được tận mắt chứng kiến công việc của mọi người mới thấy được phần nào công việc vất vả mọi người ngày ngày vẫn làm, coi đó là công việc chính của gia đình, đem lại thu nhập kinh tế cũng như chăm lo cho con cái ăn học và trưởng thành. Anh Ngô Văn Chế, 41 tuổi, ở thôn Phú Ninh, kể về công việc mưu sinh sông nước đã gắn với anh mấy chục năm nay. Câu chuyện của anh hào hứng hẳn lên, dường như không còn những khó khăn khi cả đêm lênh đênh trên sông nước, anh chia sẻ niềm vui khi mùa gặt đã đến, những tháng hè cũng là tháng anh làm việc hăng say mà hiệu quả hơn hẳn, những tháng này đang mùa cao điểm của thị trường cua, cáy nên thu nhập cao hơn hẳn. Dụng cụ hành nghề của anh cũng rất đơn giản với thuyền, bình ắc-quy, đèn, vợt và tấm lưới là có thể “kiếm cơm” được rồi! Ban ngày ở nhà anh phải chú ý sạc đèn pin, bình ắc-quy cho đầy điện đủ cho cả đêm đánh bắt. Khi các nhà đã lên đèn thì lúc đó cũng là lúc anh vác cồng cồng (một dạng thuyền tôn nhỏ) của mình lên, gọi thêm 1-2 người bạn đi dọc các bờ sông Cái. Trước kia ít người thì không phải đi xa, bây giờ số lượng người đi bắt ngày một đông, mà giá tôm, cua lại tăng cao nên nhiều lúc anh phải đi xa tới hơn 10km sang tận khu vực Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) mới kiếm được nhiều cua, cáy. Buổi tối cũng là lúc cua, cáy đi kiếm ăn ở hai bên bờ sông, đặc biệt cáy phản xạ “trốn” rất nhanh, khi rọi đèn vào là phải chộp ngay lập tức. Mùa cáy thường có nhiều, gần như quanh năm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 (âm lịch), mùa cua thường từ tháng 3 tới tháng 7 (âm lịch), nhưng cao điểm mùa cua, cáy là 3 tháng mùa hè khi cua, cáy trưởng thành. Những hôm trời nắng to là lúc cua, cáy ra nhiều nhất vì trời nóng nên buổi tối thường bò ra khỏi hang để kiếm ăn và tìm chỗ có nước. Song đây cũng là thời điểm nhiều loài đi kiếm ăn, nhất là các loài rắn độc cũng thường tìm các hang hốc, bụi rậm để rình bắt mồi nên người bắt cua chỉ sơ ý, thiếu kinh nghiệm là bị “tai nạn” như chơi. Nhiều lúc mải bắt cua, anh đã bị rắn cắn. Rồi có hôm đi bắt ở cửa sông vùng nước thấp, mải làm không để ý khi người ta thả nước vào, sóng to đánh ụp cả thuyền, thế là mất luôn thành quả cả đêm hì hục vất vả. Cũng cùng đội với anh Chế, ông Lê Văn Cư tâm sự rằng: “Nghề này cũng vất vả lắm, lúc người ta đi ngủ mình lại đi lọ mọ ngoài sông nước, những lúc nắng thì không sao, những hôm vác thuyền đi được nửa chặng đường gặp trời mưa phải về tay không”. Năm nay ông Cư đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe cũng không được như xưa, không còn được nhanh nhẹn như anh Chế nên đi bắt cũng không được nhiều. Dù công việc có vất vả nhưng bù lại sau một đêm lao động nhọc nhằn là những giỏ cua, cáy đầy cho buổi chợ sớm mai là niềm vui lớn của những “thân cò lặn lội” ấy.

Công việc của những người bắt cua, cáy đêm thường kết thúc lúc rạng sáng, chừng 4 rưỡi, 5 giờ là lúc tiếng gà gáy râm ran khắp làng. Những người đi bắt cua, cáy đêm vội vã thu xếp đồ nghề trở về để kịp cho các lái buôn tới tận nơi thu mua. Trên những tay lưới của họ đã đầy ắp những con cua, con cáy. Hôm nào nắng nóng sớm, niềm vui của họ lại càng được nhân lên bởi giá mua tại chỗ tăng cao hơn. Mỗi buổi đêm vào mùa cao điểm, nắm bắt được lịch con nước thì họ bắt được khoảng 10kg, với giá thị trường từ 80-90 nghìn đồng/kg, vậy là họ cũng dắt túi gần 1 triệu đồng/buổi làm. Ngày ít họ cũng bắt được 4-5kg. Với thâm niên trong nghề như anh Chế và ông Cư là những người thợ giỏi chuyên đi bắt cua, cáy vào những mùa này thì thường được các lái buôn “săn lùng” gắt gao. Cũng có buổi rỗi việc, hai vợ chồng đưa cua, cáy lên chợ bán lẻ thì thu nhập còn cao hơn. Công việc của anh cứ thế hết mùa này đến mùa khác. Anh tâm sự: “Nghề sông nước nhiều lúc còn do cái “lộc nước” của mình nữa. Nhiều người thấy công việc đơn giản mà đem lại thu nhập cao, cũng muốn theo nghề nhưng lại không “sát” cua, cáy nên kết quả không được bằng tôi”. Bây giờ các bờ kè ở các vùng nông thôn đã được xây dựng kiên cố nên địa bàn có thể bắt cua, cáy cũng bị thu hẹp dần, thêm nữa lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp nhiều cũng ảnh hưởng đến sự sinh sôi của các loài cua, cáy ngoài tự nhiên, khiến cho lượng cua, cáy ngày càng giảm, vì thế để thu nhập khá, người làm nghề ngày càng phải đi nhiều, đi xa hơn mỗi đêm.

“Vất vả lắm, nhưng đây cũng là công việc chính đáng mang lại thu nhập tương đối cho chúng tôi. Ngoài trang trải cuộc sống gia đình, nghĩ đến bát canh cua, cáy mát lành ngon miệng trong ngày hè nóng bức cho mọi người tôi cũng thấy vui, quên cả mệt nhọc!", anh Chế chia sẻ./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com