Chủ động phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em

08:06, 16/06/2014

Phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em là nội dung quan trọng trong chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh. Đây là công việc đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thực tế cho thấy dịp nghỉ hè hằng năm thường là thời điểm số trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích tăng cao. Trẻ em bị tai nạn, thương tích nhiều nhất là do ngã, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn, tai nạn giao thông, đuối nước… Tai nạn, thương tích ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm sinh lý, thậm chí dẫn đến tử vong đối với trẻ. Vì vậy, các cấp, các ngành, gia đình cần tăng cường quản lý và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Cho trẻ học bơi để tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Internet.
Cho trẻ học bơi để tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Internet.

Trong các trường hợp tai nạn, thương tích ở trẻ em, tai nạn đuối nước gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, năm 2013, toàn tỉnh có 457 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 29 trường hợp tử vong, phần lớn là do đuối nước. Trong 5 tháng đầu năm 2014, riêng tai nạn đuối nước đã xảy ra 11 vụ, làm 12 trẻ tử vong. Đau lòng nhất là ngày 19-5-2014, tại địa bàn 2 xã Xuân Ninh và Xuân Trung (Xuân Trường) xảy ra 2 vụ đuối nước, làm 3 cháu nhỏ tử vong. Khoảng 15 giờ, tại khu chăn nuôi công nghiệp đang thi công của hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm Múc 2, xã Xuân Ninh, 5 cháu nhỏ gồm Nguyễn Hồng Đạt, Nguyễn Đức Hiếu xóm 8; Phạm Văn Quý, xóm Múc 2; Nguyễn Văn Hiếu xóm 2, xã Xuân Ninh và Mai Văn Hải, xóm 4, xã Xuân Tiến (đều SN 2004) rủ nhau đi bơi tại khu vực hố múc nhà ông Thắng. Do cháu Đạt và cháu Hải không biết bơi lại bị tụt xuống vùng nước sâu dẫn đến tử vong. Khoảng 17 giờ cùng ngày, do sơ xuất của gia đình, cháu Trần Hoàng Bách (SN 2012), ở xóm 4, Xuân Trung bị chết đuối do ngã xuống sông trước nhà. Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 16-5-2014, cháu Bùi Xuân Phúc (SN 2003), trú tại 3/95 đường Bái, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đi tắm tại Đầm Bét, bị tử vong vì đuối nước. Ngoài tai nạn đuối nước, một số tai nạn, thương tích thường xảy ra đối với trẻ em như: ngã, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, súc vật cắn… Chị Nguyễn Thùy Dung ở phường Văn Miếu (TP Nam Định) cho biết, chị có con vừa học xong lớp 1 vừa nghỉ hè được mấy ngày cháu đã làm cả nhà lo lắng vì hay bắt chước người lớn tự ý cắm phích điện của quạt vào ổ điện. Có lần cháu thò ngón tay vào lồng quạt đang quay và bị cánh quạt va vào, suýt gãy cả ngón tay... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em, song chủ yếu là do sự thiếu cẩn trọng của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Dịp nghỉ hè, nhiều phụ huynh ít có thời gian quản lý con em, các cháu thường tự chơi, trong khi trẻ lại hiếu động chưa nhận thức hết được nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn, thương tích...

Để tăng cường phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, ngày 3-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2015. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tập trung cao điểm vào Tháng hành động vì trẻ em và dịp nghỉ hè. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai tập huấn cho cán bộ, CTV, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ; đồng thời đưa nội dung tập huấn phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em vào hoạt động ngoại khoá của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường học và tại cộng đồng; hướng dẫn trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Bên cạnh đó, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các địa phương để xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu nguy cơ, hạn chế tai nạn, thương tích cho trẻ./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com