Cứ khoảng 6h sáng mỗi ngày, dân bán hoa, cây cảnh tại các xã Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Toàn... mang theo chai nước lọc, rời nhà lên thành phố. Và đường Cột Cờ trở thành “đường hoa” với “Muôn hồng nghìn tía”, rực rỡ sắc màu của hoa, của lá, của cây...
Đường hoa… ngày
Anh Trịnh Văn Trương, phố Quang Trung (TP Nam Định) đang chăm chú quan sát một lồng chim cảnh, bên trong vắt vẻo chú sáo, kể: “Tôi bán cây tại chợ, tính đến nay cũng được khoảng 7, 8 năm, chứng kiến nhiều thay đổi của khu chợ. Bây giờ, mùa nắng cũng như mùa mưa, khu vực này xanh mướt sắc màu của những cây lá, của cây cảnh và sặc sỡ những sắc hoa”. Anh Trương là một trong khoảng trên dưới 20 hộ gia đình mưu sinh ổn định bằng nghề bán cây, bán hoa ở khu vực chợ tạm Cột Cờ. Họ bán đủ các loại cây, từ những cây “đại trà” như hoa sam Nhật có giá chỉ trên chục ngàn đồng/chậu đến những cây cảnh có giá trị 5-6 triệu đồng. Một số cây quý cũng có thể tìm thấy ở đây như trúc quân tử, trúc phật bà, cây me, linh sam, sam trái, ngàn sao… Nhóm bán buôn các loại cây lá, sạp hàng đầu tư chỉ khoảng 10 triệu đồng. Nhóm kinh doanh cây thế bon-sai, vốn đầu tư cho sạp hàng trên dưới 100 triệu đồng. “Dòng” này kinh doanh ở chợ không nhiều mà chủ yếu ở các nhà vườn. Dòng “đại gia” là những nhà chuyên buôn bán lan, tại khu vực chợ hiện có 2 nhà là Minh Tùng và Hồng Tiến, mỗi nhà có khoảng vài nghìn giò, vốn đầu tư được tính tiền tỷ. Chiếm đa số ở chợ là các hộ gia đình bán các loại cây lá trang trí vì mặt hàng này phù hợp, giá cả lại phải chăng.
Hai chị em ruột Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Vân, xã Điền Xá (Nam Trực) thường thức dậy từ lúc con gà gáy sáng khoảng 5h, chuẩn bị cơm nước cho con cái, gia đình, 2 chị em mới lục tục chở nhau lên thành phố. 7h, họ đã bày, đặt xong các bát hoa, cây hoa… chuẩn bị cho một ngày bán hàng. Cả năm, trừ ngày mùa màng, hầu như hai chị em không vắng mặt tại sạp. Với 2 suất mặt tiền thuê, sạp hàng của hai chị em rộng chừng 10m2 bày đủ các loại: sam, xương rồng, vảy rồng, kim phát tài, đại phù gia… bán quanh năm. Giá cả cũng vô cùng “bình dân”, 1 chậu hoa sam Nhật được khách mặc cả xuống 15.000 đồng/chậu. Chậu cây, chậu hoa đắt nhất cũng chỉ có giá 500.000 đồng/chậu. Mùa nào thức ấy, chị em Phượng, Vân xoay xở đủ các loại cây phục vụ khách. “Cuối đông, đầu xuân là những dịp bán cây, bán hoa tốt nhất. Khi đó vào gần Tết và ra xuân, nhà nhà đều có nhu cầu chơi cây cảnh, hơn nữa thời tiết cũng thuận lợi để họ chăm sóc cây nên người bán cũng chạy hàng. Vào những dịp như vậy trong năm, chúng tôi có thể bán được 20-30 cây/ngày. Một số cây có thể bán quanh năm như xương rồng, sam, một số cây lại bán theo mùa như cúc, đào, quất… Vào ngày bình thường, việc buôn bán cũng như “đi câu”, ngày bán ít 5-6 cây, có ngày bán được nhiều hơn, hoặc cũng có ngày ngồi không từ sáng đến tối. Tháng ít bù tháng nhiều, sạp hàng cho thu nhập khoảng 2-3,5 triệu đồng. Coi như là phụ thêm với nghề chính làm ruộng ở nhà”, Vân thật thà chia sẻ.
Một hàng hoa tại chợ hoa đường Cột Cờ. |
Đều đặn và có thu nhập tốt hơn cả là những hộ gia đình kinh doanh lan. Thời điểm giáp Tết là những dịp làm ăn được hơn cả, mỗi ngày họ xuất bán hàng trăm giò. Ở đây có cả “hàng kỹ” (được tách, nuôi cho nở hoa thành giò) và “hàng chợ”, bán theo cân (người chơi tự làm giò hoặc ghép gỗ, tạo dáng và nuôi cho có hoa)… Thời điểm không “sốt” lan trong năm, mỗi ngày các hộ gia đình chỉ bán được vài giò hoặc ít “cân” lan. Tuy nhiên, nếu gặp khách “sộp”, họ vẫn có thể thu về tiền triệu. Do vốn đầu tư lớn, lan là loại hoa khó tính, vì vậy chỉ những người thật sự yêu thích, có kiến thức, kỳ công với loại hoa này mới “dám kinh doanh”.
Không chỉ bán cây, các hộ còn cung cấp luôn cả dụng cụ trồng, chăm bón cây, từ xơ dừa dùng làm giá thể để ươm cây non đến các loại phân bón vi sinh, thuốc kích thích cây ra hoa, ra rễ, thuốc trừ sâu, các loại chậu, ang để trồng. Gần đây, ở Điền Xá sản xuất các loại chậu cảnh bằng nhựa với màu sắc, kiểu dáng không khác gì chậu sứ, gốm với mức giá phải chăng. Những chiếc chậu nhựa được làm khéo léo, với ưu thế nhẹ nên người chơi cây cảnh cũng ưa chuộng vì dễ di chuyển… Thỉnh thoảng, một vài sạp hoa còn bày bán cả lồng chim tạo ra một không gian rất riêng giữa thành phố: mát, xanh và vô cùng… thân thiện.
Đường hoa… đêm
Từ khoảng hơn 23h, chợ hoa đêm Cột Cờ đã thấp thoáng những bóng các anh, chị, cô, bác “hàng hoa”. 24h chợ đã đông đông thêm, quãng từ 1 đến 3h sáng là đông nhất. Cả một góc dài đường Cột Cờ dày đặc xe máy, xe ô tô đứng chen kín chờ cất hoa. Hoa đổ về từ khắp các vùng trồng hoa trong tỉnh như Nam Trực, Mỹ Lộc… với đủ loại cúc, hồng, ly, huệ, kèn… Chị Bùi Thị Thanh, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) “nhẵn mặt” ở chợ hoa đêm Cột Cờ gần 4 năm nay cho biết: “Hằng đêm tôi đèo khoảng trên dưới 1,5 tạ hoa vào thành phố. Nhà tôi trồng được thì ít thôi, chủ yếu tôi đi gom của các nhà trong xã. Nếu ban đêm bán không hết, sáng ra tôi tiếp tục đi bán dạo các phố. Buôn bán ban ngày đã vất vả, ban đêm còn vất vả hơn, tuy nhiên, vì ngày nào cũng đi như vậy nên hầu như đã quen. Không đi chợ, tôi còn buồn tay buồn chân hơn. Vất vả nhưng kiếm thêm tiền để tôi có thể trang trải những chi phí hằng ngày cho gia đình”.
Quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, 3 năm nay anh Thành là khách quen của chợ hoa đêm Cột Cờ. Bắt đầu chạy xe từ nhà lúc hơn 22h, chưa đến nửa đêm anh đã có mặt tại chợ. Biết mối thu mua hoa từ một người họ hàng ở Nam Định, anh cùng vợ đều đặn mỗi ngày ra cất hoa về bán buôn, bán lẻ: “Nam Định là đất cây cảnh, đất hoa nên có nhiều loại hoa đẹp, giá cả cũng phải chăng. Trong chỗ chúng tôi, người dân thích chơi hoa hồng, một số loại cúc như cúc Nhật… nên tôi thường nhập loại hoa này. Tôi có mối hàng quen ở Thành phố Thanh Hóa, hoa nhập về đến đâu, họ lại lấy chuyển đi đến đó, vì vậy hàng ít khi bị tồn. Mỗi chuyến đi, sau khi bán lại hoa, trừ chi phí tôi cũng thu về khoảng 300.000 đồng. Sắp tới tôi đang tính toán xem có thể đem gì từ trong quê ra bán, đỡ… phí một chuyến đi xe không”, anh Thành vui vẻ cho biết.
Mặc dù vài năm trở lại đây, thị trường hoa, cây cảnh nói chung có chững lại, tuy nhiên đối với những người làm nghề buôn bán hoa, cây cảnh tại chợ tạm Cột Cờ, nghề mưu sinh này vẫn túc tắc tạm đủ. Vì vậy, hầu như ai cũng cố gắng gắn bó với nghề. “Thâm niên” ít nhất trong chợ cũng buôn bán ngót một năm, “trường kỳ” hơn như anh Trương thì có tới 7, 8 năm, thậm chí có những người khoảng 10 năm. Bây giờ, khu vực Cột Cờ ngày cũng như đêm, ít khi thiếu vắng bóng của những sạp hoa, sạp cây cảnh xanh mát, rực rỡ, thơm ngát mùi của những loài hoa. Một buổi đêm rảnh rỗi, có dịp quan sát khung cảnh mua bán tấp nập của chợ hoa đêm, tận hưởng mùi hương hoa ngập không khí trong lành của đêm, bỗng nhiên thấy nghề mưu sinh ở chỗ này, ngoài giá trị kinh tế còn đem lại những cảm giác, màu sắc rất mới, trong lành, dịu mát…
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân