Tăng cường quản lý VSATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công

08:01, 25/01/2014

Theo số liệu của Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu thủ công (15 cơ sở đăng ký sản xuất, 1 cơ sở đăng ký kinh doanh); trong đó, mới có 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Như vậy, với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn toàn tỉnh thì số lượng cơ sở đăng ký trên chỉ như “muối bỏ bể” và việc đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu thủ công còn nhiều vấn đề đáng lo ngại…

Một cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn huyện Nam Trực.
Một cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn huyện Nam Trực.

Mặc dù Nghị định 94 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhằm quản lý chặt chẽ các loại rượu không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường, nhưng trong gần một năm qua, việc thực hiện nghị định còn nhiều bất cập. Phần lớn người dân chưa hiểu rõ các quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là đối với các cơ sở, hộ gia đình nấu rượu thủ công. Qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất rượu thủ công ở huyện Nam Trực cho thấy hoạt động sản xuất rượu thủ công còn nhiều bất cập: công nghệ sản xuất của nhiều cơ sở còn thô sơ, nhiều cơ sở sản xuất không đăng ký; không có cam kết bảo vệ môi trường; người sản xuất trực tiếp chưa tham gia các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP; hầu hết các cơ sở chưa có giấy phép sản xuất rượu… Một chủ cơ sở sản xuất rượu ở địa bàn huyện cho biết, gia đình nấu rượu theo phương pháp truyền thống nên thời gian làm rượu tương đối lâu; còn hiện nay có không ít nhà dùng loại men của Trung Quốc nấu rượu nên không mất nhiều thời gian do không phải ngâm ủ chờ lên men… Với vai trò ngành quản lý, tháng 3-2013, Sở Công thương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ. Tuy nhiên thực trạng việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế thành phố chưa thống kê, quản lý được các cơ sở sản xuất rượu, cũng như chưa có các động thái tích cực nhằm khắc phục hạn chế, thiếu sót trong sản xuất rượu thủ công. Nguyên nhân do phần lớn số hộ nấu rượu thủ công nằm rải rác trong các khu dân cư, nên khó thống kê số liệu dẫn đến việc quản lý của các cơ quan chức năng như giám sát, kiểm tra hàm lượng Etanol, Methanol... trong rượu và việc đảm bảo VSATTP khó quản lý, trong khi cơ quan quản lý thiếu nhân lực và phương tiện kỹ thuật... Kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP dịp trước Tết Nguyên đán 2014 cho thấy, ngoài phần lớn rượu sản xuất trong nước đều có tem nhãn và đa phần đầy đủ các thông tin về sản phẩm, vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh rượu ngoại không có tem nhãn nhập khẩu. Nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng sử dụng rượu thủ công chưa công bố chất lượng và chưa được kiểm tra chất lượng sản phẩm để ngâm các vị thuốc và các loại động vật... Do vậy, để quản lý tốt công tác ATTP sản phẩm rượu, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức về bảo đảm ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm và hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh cũng như hướng dẫn người tiêu dùng biết cách lựa chọn, sử dụng sản phẩm rượu an toàn.

Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu thủ công, ngày 17-12-2013, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã có văn bản phối hợp triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhằm tăng cường phối hợp liên ngành triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả các biện pháp kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, chủ động phòng chống NĐTP do rượu, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường; phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm ATTP đặc biệt là các hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu; trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, nghiêm cấm những hành vi sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu cấm, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm người bị ngộ độc do rượu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và phương án cấp cứu và xử lý triệt để nhằm giảm thiểu quy mô ảnh hưởng của ngộ độc rượu trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com