Xã Xuân Bắc (Xuân Trường) vốn nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Những năm qua, nghề mộc đã mang đến nhiều cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng trăm thanh niên trong xã. Hiện, trên địa bàn xã có hơn chục xưởng sản xuất thu hút khoảng 200 ĐVTN tham gia làm nghề mộc.
Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Tăng, xóm 9, xã Xuân Bắc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 thanh niên trong xã. |
Anh Nguyễn Văn Tăng, xóm 9 mở xưởng đục đã 10 năm nay. Xưởng có diện tích trên 100m2 với 10 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập mỗi người từ 4-6 triệu đồng/tháng. Mặc dù bố anh Tăng đã có xưởng mộc, nhưng anh quyết định mở xưởng đục để có cơ hội thử sức mình. Để mở xưởng đục, anh Tăng tìm học nghề từ những thợ đục cao tay trong làng. Ban đầu, xưởng nhận làm những đơn hàng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, sơn son thếp vàng, làm tòa, kiệu, bàn nhang án, hoành phi, câu đối, cuốn thư… Sản phẩm của xưởng do có chất lượng kỹ, mỹ thuật tốt nên ngày càng được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đã có mặt ở nhiều tỉnh như: Huế, Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Anh Tăng cho biết: Xưởng đục thường xuyên nhận được những đơn hàng trị giá 300-400 triệu đồng, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao nhờ sự tinh xảo, chắc chắn. Bình quân một năm xưởng đục của anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Anh Phạm Văn Thắng, xóm 10, cũng thành công từ nghề mộc truyền thống. Cách đây 8 năm, anh Thắng đã nỗ lực vượt qua những trở ngại ban đầu để thực hiện ước mơ trở thành ông chủ xưởng mộc. Theo dòng hàng mộc “thời thượng” anh chuyên làm các sản phẩm giường, tủ, bàn ghế mỹ nghệ. Sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm giúp cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các sản phẩm nội thất do xưởng của anh sản xuất được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng rãi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20 lao động, với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, xưởng của anh bán ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng. So với những thợ mộc trẻ trong làng, anh Dược ở xóm 8 đã thành công sớm khi có trong tay khu nhà xưởng rộng với gần chục công nhân. Nối tiếp nghề gia truyền của bố vốn là thợ mộc có tiếng trong xã, anh Dược xác định rất sớm, học nghề để lập nghiệp. Mở xưởng mộc riêng vào năm 2009, chuyên đóng các sản phẩm bàn ghế, tủ bếp..., niềm đam mê và những kinh nghiệm được bố truyền cho đã giúp anh Dược nhanh chóng khẳng định được uy tín, chất lượng trong từng sản phẩm. Cũng như những thanh niên trẻ trong làng, anh thợ mộc Phạm Ngọc Doanh ở xóm 9 cũng ước mơ mở một xưởng sản xuất của mình. Đã 5 năm làm thợ mộc ở xưởng của anh Tăng, anh Doanh dự định cố gắng học nghề, trau dồi thêm kỹ thuật 2 năm nữa sẽ mở xưởng mộc riêng.
Bí thư Đoàn xã Xuân Bắc Vũ Thị Điệp cho chúng tôi biết: “Hiện nay, thanh niên trong xã chủ yếu tập trung phát triển kinh tế từ nghề mộc truyền thống của địa phương. Ngoài những thanh niên là chủ các xưởng mộc có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên, các thợ mộc trẻ có thu nhập khoảng 3-6 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập ổn định từ nghề, đã thu hút nhiều thanh niên ở lại địa phương phát triển nghề. Ngoài nghề mộc, thanh niên xã Xuân Bắc còn tập trung phát triển một số ngành nghề khác như: cơ khí, xây dựng, may mặc, giày da… với thu nhập trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Lao động nữ tập trung làm nghề may, giày da cho các Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Hồng Việt với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trong xã hiện không có hộ gia đình thanh niên làm chủ là hộ nghèo.
Với tinh thần vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên xã Xuân Bắc đã khai thác, phát huy thế mạnh địa phương làm giàu từ nghề mộc truyền thống. Sức trẻ của thanh niên đang góp phần xây dựng, phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân