Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Quảng Trị là nơi khốc liệt nhất, cũng là nơi địch phô trương kỹ, chiến thuật và phương tiện chiến tranh để thể hiện sức mạnh quân sự bởi nằm ở vị trí vừa là bàn đạp để tấn công miền Bắc khi có điều kiện, vừa là lá chắn ngăn chặn sự tiếp viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Vì vậy đây là chiến trường sinh tử đối với Mỹ, nguỵ. Nơi đây địch dựng lên tuyến phòng thủ mạnh nhất từ biển Cửa Việt kéo lên phía tây giáp biên giới Việt - Lào, với hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra và những đơn vị mạnh nhất, cộng với hệ thống hoả lực dày đặc của pháo binh, không quân, hải quân Mỹ.
CCB Thành cổ Quảng Trị tỉnh Nam Định thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 Quảng Trị (tháng 4-2012). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Mùa xuân năm 1972 ta mở chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị nhằm tạo thế chuyển biến chiến lược về quân sự và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán Pa-ri. Chỉ trong thời gian ngắn, quân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, áp sát tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước thất bại đau đớn và nguy cơ cả Thành phố Huế sẽ bị quân ta tiến công giải phóng, Mỹ, nguỵ cấp tốc tổ chức cuộc hành quân “Lam Sơn 72” nhằm tái chiếm Quảng Trị, đẩy quân ta ra bờ bắc sông Bến Hải. Địch đã huy động 2 sư đoàn dự bị chiến lược là Sư đoàn dù và Sư đoàn thuỷ quân lục chiến hùng mạnh nhất, 4 trung đoàn xe tăng thiết giáp và nhiều đơn vị phối thuộc khác. Mỗi ngày địch huy động 150-200 lần máy bay ném bom phản lực, 70-90 lần máy bay B52 ném bom rải thảm, 16-18 lần tàu khu trục của Hạm đội 7 ngoài biển bắn pháo, tên lửa vào. Nắm được mưu đồ chiến lược của địch, quân ta được lệnh lập tuyến phòng thủ kéo dài từ bắc cảng Cửa Việt qua Thành cổ Thị xã Quảng Trị lên phía tây giáp biên giới Việt - Lào với quyết tâm giữ vững vùng giải phóng gồm phần lớn tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị với chu vi 2.160m nằm trong Thị xã Quảng Trị, có dòng sông Thạch Hãn án ngữ phía bắc. Nơi đây rất khó khăn cho việc phòng thủ của ta vì từ phía sau lên phải vượt qua sông Thạch Hãn. Địch tập trung tối đa sức mạnh hòng chiếm Thành cổ, Thị xã Quảng Trị nhằm khuếch trương chiến thắng, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán và lấy lại tinh thần cho quân nguỵ. Trong chiến dịch này Mỹ đã huy động tối đa không lực gồm: máy bay ném bom, máy bay B52, pháo hạm của hải quân, pháo mặt đất tầm xa để yểm trợ cho quân nguỵ. Số bom đạn mà địch trút xuống Thị xã Quảng Trị và phòng tuyến của ta khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945, cùng hàng trăm tấn chất độc hoá học nhằm tiêu diệt quân ta. Mùa hè năm 1972 cả Quảng Trị như một chảo lửa, suốt ngày đêm rền vang tiếng bom đạn, khói lửa mịt mù, ban đêm địch thả pháo sáng rực cả bầu trời. Riêng Sở Chỉ huy Trung đoàn 27 ở cách Thị xã Quảng Trị 1km về phía đông đã 28 lần bị B52 rải thảm vào đội hình, còn máy bay ném bom, pháo mặt đất, pháo biển của địch hầu như ngày nào cũng bắn vào. Đại tá Phan Trần Thắng, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), trong chiến dịch bảo vệ Quảng Trị năm 1972 là Chính uỷ Trung đoàn 48, trung đoàn chủ lực bảo vệ Thành cổ hiện còn lưu giữ cuốn sổ công tác ghi chép đầy đủ diễn biến chiến đấu từng ngày giữa ta và địch trong chiến dịch này. Trung bình mỗi ngày Trung đoàn phải bổ sung vào Thành cổ 1 đại đội để bù đắp quân số thương vong. Những ngày này cuộc sống chỉ tính bằng giờ, nhiều anh em trong cùng tiểu đội chưa kịp biết mặt, nhớ tên nhau thì đã hy sinh hoặc bị thương chuyển ra tuyến sau. Người trước ngã xuống, người sau xông lên, quyết giữ vững trận địa. Với sức tàn phá của bom đạn, cả Thành cổ, Thị xã Quảng Trị bị san phẳng. Không còn sót một ngôi nhà nào, không một lùm cây nào nguyên vẹn. Đây thực sự là cuộc đọ sức khốc liệt của sức mạnh bom đạn Mỹ và ý chí kiên cường bất khuất của con người Việt Nam. Cuối cùng sau 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường chúng ta đã giành chiến thắng, giữ vững Thành cổ và vùng giải phóng Quảng Trị cho đến ngày Mỹ, nguỵ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri. Đúng như nhà thơ Trần Bạch Đằng đã viết:
“Hễ có Việt Nam, có Cổ thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất, từng giây, mỗi lá cành”
Trong cuộc chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn con em quê hương Nam Định đã tham gia chiến đấu thuộc 6 sư đoàn chủ lực, 6 trung đoàn độc lập và nhiều tiểu đoàn thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, góp phần to lớn vào chiến công chung. Nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, điển hình như chiến sĩ Trần Mỹ Giống (TP Nam Định) là chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 chốt giữ cảng Cửa Việt, đã dùng súng bắn tỉa diệt 16 tên địch, được thưởng Huân chương Chiến công. Chiến sĩ Đặng Công Hiền xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) cùng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 chốt giữ trong Thành cổ hơn 10 ngày. Đồng chí Ngô Văn Thân ở Mỹ Trọng (TP Nam Định), chiến sĩ Trung đoàn 27 đã dùng xuồng máy vượt qua các trọng điểm bắn phá của địch liên tục chở bộ đội, lương thực, thực phẩm, đạn dược tiếp tế cho phía trước và chở thương binh về tuyến sau. Trải qua tôi luyện tại “lò lửa” Quảng Trị năm 1972, nhiều người con Nam Định đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Quân đội như đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu; Trung tướng Hoàng Kỳ và nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội. Hàng nghìn người con quê hương Nam Định đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch này và hàng nghìn chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa đã may mắn trở về quê nhà, phần lớn trong số đó bị thương trong chiến đấu. Tất cả đều giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “thép” của chiến sĩ Thành Cổ, nhiều người đã vươn lên, vượt qua khó khăn về bệnh tật, suy giảm sức khoẻ do di chứng chiến tranh, xây dựng cuộc sống ổn định. Điển hình như CCB Vũ Đình Lưu ở phường Cửa Bắc (TP Nam Định), chiến sĩ Sư đoàn 312. Sau khi xuất ngũ ông trở thành giảng viên đại học rồi làm giám đốc Cty thương mại của tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí đã dồn tâm huyết sưu tầm được hàng nghìn kỷ vật chiến tranh, kỷ vật của thời bao cấp gian khó, tự lập Bảo tàng chứng tích chiến tranh góp phần nhắc nhở, giáo dục truyền thống của cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau. CCB Nguyễn Ngọc Ly quê xã Hải Hoà (Hải Hậu) nguyên chiến sĩ Trung đoàn 271, hiện là Tổng giám đốc Cty TNHH vận tải biển Hải Hà có doanh thu hằng năm trên 300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Từ hai bàn tay trắng đồng chí đã vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời là người có “tấm lòng vàng”, đã ủng hộ hàng tỷ đồng tham gia xây dựng kiến thiết quê hương, hết lòng ủng hộ đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu năm xưa có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều đồng chí đã và đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và đều phát huy tốt vai trò của mình.
Với tình cảm của những người đồng đội đã từng cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, chia lửa trong những ngày chiến đấu khốc liệt tại Quảng Trị năm 1972, các CCB, chiến sĩ Thành cổ đã tập hợp nhau, thành lập các ban liên lạc để động viên giúp đỡ thực hiện các hoạt động tình nghĩa với đồng chí, đồng đội và thân nhân những người bạn chiến đấu đã hy sinh, tham gia tìm kiếm, quy tập liệt sĩ.
Được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh uỷ, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Hồng Hà; của UBND tỉnh, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Nam Định đã được thành lập, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của CCB Thành cổ Quảng Trị, tạo cơ hội để đoàn kết, thống nhất, phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Cuối tháng 12-2013 Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất để đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả nhất, xứng đáng truyền thống của những chiến sĩ anh hùng./.
Trần Hữu Mỹ
(Trưởng Ban vận động thành lập
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
năm 1972 tỉnh Nam Định)